Buổi học đầu tiên: Đạo văn

Nếu phạm lỗi nhỏ, sinh viên sẽ bị cảnh báo, rớt môn, và thi lại.

Nếu phạm lỗi nhỏ lần thứ hai, hoặc phạm lỗi lớn ngay lần đầu, sinh viên sẽ bị chuyển hồ sơ lên Hội đồng Kỷ luật. Nếu Hội đồng đánh giá là có tội, thông thường, sinh viên sẽ bị hủy tư cách sinh viên trong 6 tuần, gián tiếp gây trễ một kỳ học kéo dài 6 tháng, và do đó ảnh hưởng tới cả học bổng lẫn giấy tờ thị thực.

Đó là một phần nội dung trong buổi học đầu tiên của tôi ở Đại học Göteborg: Đạo văn.

Ở bậc học thạc sỹ, phần lớn bài tập của chúng tôi là ở dạng bài viết: từ bài tham luận hội thảo (2000 – 2500 chữ mỗi bài) cho tới bài viết thực hành (1300 – 1500 chữ mỗi bài) và bài tập cuối khóa (trả lời bốn câu hỏi bằng bốn bài viết tự luận). Với mỗi khóa kéo dài 10 tuần, chúng tôi phải viết trên dưới 30 trang. Tuy không nhiều, nhưng chừng đó cũng đủ để việc viết trở thành một trong những hoạt động chính của chương trình học. Chính vì vậy mà nhà trường cảnh báo về lỗi đạo văn (plagiarism) ngay từ buổi học đầu tiên, trước khi bắt đầu bất cứ khóa học nào. Đây cũng là thông lệ của trường, được quy định trong văn bản Chính sách phòng ngừa đạo văn và Kế hoạch hành động để phòng ngừa đạo văn.

Thầy Andreas Bågenholm, Giám đốc Nghiên cứu thuộc khoa Khoa học Chính trị trường Göteborg, trao đổi về các hậu quả khi sinh viên đạo văn. 1/9/2021.

Một trong những lý do khiến trường đặt nặng chuyện đạo văn là bởi “đạo văn khiến nền giáo dục trở nên vô nghĩa”. Trong buổi học đầu tiên này, chúng tôi dành ra 2 tiếng để điểm qua các nội dung chính, chúng tôi cũng được gởi các tài liệu về đạo văn, các quy định của nhà trường, cùng với các bài tập về liêm chính học thuật (academic integrity).

Theo quy định của Đại học Göteborg, đạo văn tức là “trình bày sản phẩm của người khác như thể nó là của chính bạn, hoặc trình bày sản phẩm trước đây của chính bạn như thể nó là sản phẩm mới.” Dù vô ý hay cố ý, việc sử dụng ý tưởng hay bài viết của người khác, hay thậm chí ý tưởng hay bài viết trước đó của chính mình, mà không ghi nhận đầy đủ đều bị coi là đạo văn.

Điều này thường được thể hiện qua việc sinh viên sao chép nguyên văn sản phẩm của người khác mà không đưa vào ngoặc kép và chú giải, hoặc viết lại câu hoặc ý của người khác (paraphrase) mà không dẫn nguồn, hoặc có dẫn nguồn nhưng không đầy đủ.

Nhằm tránh việc sinh viên vô tình vi phạm lỗi đạo văn, các giáo sư của chương trình Hành chính Quốc tế và Quản trị Toàn cầu thuộc khoa Khoa học Chính trị, Đại học Göteborg, đã đưa ra các quy tắc cụ thể, trong đó quy định lỗi đạo văn gồm:

  • Sử dụng hơn 4 từ liên tục trùng với một nguồn tài liệu khác, mà không bỏ vào trong dấu ngoặc kép;
  • Viết lại một văn bản mà không dẫn nguồn;
  • Viết lại các trích đoạn mà không ghi rõ rằng bài của mình được viết dựa trên sản phẩm của các tác giả khác;
  • Lấy ý tưởng của người khác mà không ghi nhận và dẫn nguồn.

Tất nhiên sẽ có những vùng xám trong việc đạo văn, chẳng hạn, sinh viên có thể viết một câu nào đó có 5 từ liên tục trùng với 5 từ trong một văn bản khác mà không hề ăn cắp văn bản hay ý tưởng, ví dụ, “twenty years ago, the United Nation…” (“hai mươi năm trước, Liên Hợp Quốc đã…). Để tránh các vùng xám này, giảng viên sử dụng công cụ Ouriginal (tên gọi trước đây là Urkund) để đối chiếu bài viết của sinh viên với tất cả tài liệu được lưu trữ trong kho dữ liệu của Ouriginal, từ các tài liệu trên mạng cho tới các văn bản giấy, từ chữ viết cho tới bảng biểu, cấu trúc bài, sơ đồ, vân vân, từ đó đưa ra đánh giá của mình.

Thầy Andreas, Giám đốc Nghiên cứu của khoa tôi, trấn an rằng chỉ cần các bạn sinh viên trung thực và trích nguồn đầy đủ, thì không có gì phải lo lắng. Ngoài ra, trong thủ tục báo cáo vi phạm lên Hội đồng Kỷ luật, sinh viên được trao cơ hội để bình luận và trao đổi thêm với Hội đồng nhằm làm rõ vi phạm của mình, trước khi Hội đồng ra quyết định có kỷ luật hay không. Tất nhiên, những lời bào chữa như “ở quốc gia em thì thế này không bị coi là đạo văn”, “em không biết cách trích dẫn”,… sẽ không được coi là hợp lệ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng được khoa yêu cầu tự tìm hiểu cách trích dẫn trực tiếp (parenthetical citation), cước chú (footnote), hậu chú (endnote), và dẫn nguồn (reference) sao cho tôn trọng tối đa sản phẩm trí tuệ của các tác giả mà mình vay mượn nội dung hoặc ý tưởng. Phần mềm được trường Göteborg gợi ý sử dụng để tạo chú thích và trích dẫn là phần mềm EndNote, có giá 6,3 triệu đồng, nhưng miễn phí cho sinh viên của trường.

Thầy Andreas nói rằng thầy không muốn dọa dẫm gì ai ngay buổi đầu tiên, nhưng thầy vẫn phải làm rõ, vì trên thực tế từ trước tới nay năm nào nhà trường cũng tiến hành kỷ luật đều đều. Dữ liệu và thông tin về việc đạo văn tại các trường đại học ở Thụy Điển được công khai trên trang web uka.se – hoặc bạn có thể xem, chẳng hạn, số liệu cụ thể về các trường hợp đạo văn trong năm 2013 tại đây. Để ràng buộc về mặt pháp lý, chúng tôi phải ký một bản cam kết, trong đó xác nhận rằng mình đã nắm rõ các quy định mà mình phải tuân thủ về việc đạo văn.

Giấy cam kết của sinh viên ngành Hành chính Quốc tế và Quản trị Toàn cầu Đại học Göteborg, trong đó sinh viên ký xác nhận rằng mình đã nắm rõ các quy định về việc đạo văn. 1/9/2021.

Để đọc thêm về liêm chính học thuật và đạo văn, bạn có thể xem các tài liệu bằng tiếng Anh do Đại học Göteborg cung cấp:

  • Abasi, A. R., & Akbari, N. (2008). Are we encouraging patchwriting? reconsidering the role of the pedagogical context in ESL student writers’ transgressive intertextuality. English for Specific Purposes, 27(3), 267-284.
  • Asia Pacific Forum on Educational Integrity. University of South Australia. (2005-). International journal for educational integrity [digital resource] IJEI. [Mawson Lakes, S. Aust.: University of South Australia]. Available: https://www.ojs.unisa.edu.au/index.php/IJEI/issue/archive
  • Bradley, C. (2011). Plagiarism education and prevention: a subject-driven case-based approach. Oxford: Chandos Publishing.
  • Carroll, J. & Zetterling, C. (2009). Guiding students away from plagiarism. (First edition) Stockholm: KTH Learning Lab.
  • Heckler, N. C., Forde, D. R., & Bryan, C. H. (2013). Using writing assignment designs to mitigate plagiarism. Teaching Sociology, 41(1), 94-105.
  • Howard, R. M. (1995). Plagiarisms, Authorships, and the Academic Death Penalty. College English, 57(7), 788–806. doi:10.2307/378403
  • Newton, F. J., Wright, J. D., & Newton, J. D. (2014). Skills training to avoid inadvertent plagiarism: Results from a randomised control study. Higher Education Research and Development, 33(6), 1180-1193.
  • Pecorari, D. (2013). Teaching to avoid plagiarism: how to promote good source use. Maidenhead: Open University Press.
  • Vardi, I. (2012). Developing students’ referencing skills: A matter of plagiarism, punishment and morality or of learning to write critically? Higher Education Research and Development, 31(6), 921-930.

Bình luận thêm của người viết:

Để tìm hiểu thêm vấn đề đạo văn bằng tiếng Việt, bạn có thể tìm đọc các bài đăng Facebook trong mục “Đạo văn” của nhóm Liêm chính Khoa học, tại đây. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các cách trích dẫn theo kiểu Harvard tại đây và kiểu APA tại đây.

Với những bạn muốn tìm hiểu bằng tiếng Anh, bạn có thể xem cách trích dẫn kiểu Harvard tại đây và APA tại đây – cả hai tài liệu đều được trình bày ngắn gọn và dễ hiểu. Gần đây, tôi cũng được các bạn ở Luật Khoa Tạp chí giới thiệu công cụ Scribbr để làm trích dẫn tự động theo chuẩn APA, một công cụ giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho người viết.

Đây là bài số 2 trong chuỗi bài về trải nghiệm học tập của tôi tại Đại học Göteborg. Trong loạt bài viết này, tôi chia sẻ những gì tôi học tập và quan sát được từ môi trường giáo dục cao học ở Göteborg, với hy vọng giúp ích cho những bạn trẻ tại Việt Nam quan tâm đến việc học thạc sỹ tại nước ngoài nói chung và lĩnh vực khoa học chính trị nói riêng.