Mùa thu này, chúng tôi sẽ dành 10 tuần đầu tiên cho khóa học “Các khía cạnh lý thuyết và lịch sử của quản trị toàn cầu”.
Chúng tôi không cần phải có mặt ở mọi bài giảng (khoảng bốn buổi mỗi tuần, hai tiếng mỗi buổi), và không cần phải điểm danh, trên nguyên tắc rằng sinh viên phải tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình. Chỉ có một hoạt động chung có tính bắt buộc: tổ chức năm buổi hội thảo chuyên đề (seminar).
Khác với các bài giảng lớn, nơi các giáo sư chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối lớp, giảng bài, và hỏi đáp với sinh viên, thì ở các buổi hội thảo chuyên đề, sinh viên cần tự tổ chức phần trình bày và thảo luận của mình. Cụ thể, mỗi sinh viên được giao nhiệm vụ nộp ba bài viết theo ba chuyên đề, trình bày trước lớp một trong số các chuyên đề được chỉ định, trình bày nhóm trong hai buổi về Liên Hợp Quốc, và tham gia thảo luận ở tất cả các buổi hội thảo.
Khi theo học Đại học Ngoại thương, tôi cũng tham gia làm bài tập nhóm và trình bày nhóm trong hầu như mọi môn học. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm hình thức học tập qua hội thảo chuyên đề.
Hội thảo lớn (conference) đầu tiên mà tôi tham gia là về không gian xã hội dân sự toàn cầu, kéo dài hai ngày ở Copenhagen, Đan Mạch, vào tháng Ba năm 2019. Một số mối quan hệ cả công việc lẫn cá nhân của tôi đã hình thành từ đó, chẳng hạn, với Feliciano, một nhà báo ở Venezuela, Alex, một nhân viên quản lý chính sách tại Facebook, và Dan, một nhà nghiên cứu ở NDI. Trong những năm làm việc ở nước ngoài (từ 2017 đến 2021), tôi cũng có dịp tham gia với tư cách người nghe tại một vài hội thảo chuyên đề (seminar) về hoạt động xã hội và nhân quyền, chẳng hạn ở Sydney, Bangkok, và Prague.
Đó cũng là lúc tôi nhận thức được rằng việc tham gia hội thảo chiếm một thời lượng quan trọng nhất định trong công việc của những người nghiên cứu khoa học. Bên cạnh những việc ta thường nghe tới như giảng dạy, trợ giảng, nghiên cứu, viết bài nghiên cứu và nộp để đăng tại các tạp chí (ở Việt Nam, công việc này còn gọi là “công bố quốc tế”), thì những người làm nghiên cứu còn thường xuyên tham gia các buổi hội thảo lớn hoặc hội thảo chuyên đề để trình bày nghiên cứu của mình, nghe người khác trình bày kết quả nghiên cứu của họ, hoặc giao lưu kết nối với những người trong ngành, từ đó hợp tác thực hiện các nghiên cứu khác, vân vân.
Tôi khá trông đợi vào các buổi hội thảo mà chúng tôi sẽ tổ chức thời gian tới. Ít nhất, tôi tin rằng, chúng sẽ giúp cho sinh viên làm quen với mô hình hội thảo, và sau nữa, là giúp chuẩn bị cho sinh viên những hiểu biết cần thiết để trong tương lai sinh viên có thể nộp bài tham dự trình bày tại hội thảo, như một phần công việc trong sự nghiệp nghiên cứu của mỗi người.
Gần đây, báo Lao Động đưa tin rằng lần đầu tiên Việt Nam có hai trường lọt vào danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới, do tổ chức Times Higher Education (THE) đưa ra. Trong các nhóm tiêu chí bình chọn của THE, nghiên cứu là một trong những nhóm tiêu chí được đề cao – tất nhiên, tiêu chí này cũng được đặt nặng trong nhiều bảng xếp hạng khác. Tôi không có đủ kinh nghiệm để lạm bàn về vấn đề này, song tôi cảm thấy có chút tiếc nuối cho những trường đại học khác ở Việt Nam mà tôi tin là cũng xứng đáng không kém, khi đề cập đến chuyện xếp hạng. Điều này, có lẽ, là do việc nghiên cứu chưa được chú trọng đủ ở nhiều trường đại học tại Việt Nam, đối với cả giảng viên lẫn sinh viên.

Trong buổi học thứ hai này, chúng tôi được giới thiệu các hội thảo chuyên đề mà mình cần phải tham gia, bao gồm các chủ đề:
- An ninh quốc tế thời hậu chiến tranh lạnh
- Lợi ích quốc gia và nhân quyền trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNCHR)
- Những hứa hẹn và hạn chế của Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW)
- Phân vai các quốc gia tham gia vào Liên Hợp Quốc (UN), hai buổi
Trong bốn chủ đề trên, tôi được giao viết bài tham luận hội thảo cho chủ đề số 1, 3, và 4, trình bày cá nhân cho hội thảo số 3, cũng như trình bày nhóm cho hai buổi của hội thảo số 4 về Liên Hợp Quốc.
Theo yêu cầu, mỗi bài tham luận hội thảo dài từ 2000 đến 2500 chữ, được quy định rõ về cách trình bày như sử dụng phông chữ Times New Roman, kích cỡ 12, khoảng cách dòng 1,5, và sử dụng cách trích dẫn nhất quán (có thể là APA, MLA hoặc Chicago, vân vân). Trong bài tham luận, sinh viên cần tập trung viết một chủ đề cụ thể xuyên suốt, phân tích các luận điểm của các tác giả liên quan, từ đó đưa ra lập luận của mình. Tài liệu tham khảo để viết bài tham luận chính là toàn bộ tài liệu mà chúng tôi được yêu cầu đọc trong khóa học này.
Đối với việc trình bày trước lớp (lớp tôi có 44 sinh viên), mỗi người sẽ trình bày trong vòng bảy phút, và sau đó nhận phản biện hoặc phê bình từ cả lớp, để thảo luận chi tiết hơn về nội dung mà mỗi người đã chia sẻ. Tuy nhiên, bài thuyết trình sẽ không được chấm điểm, mà chỉ là cơ hội để cả lớp phản biện lẫn nhau và thảo luận cùng nhau, dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết, và góc nhìn của mỗi người.
Đối với hoạt động nhóm về Liên Hợp Quốc, chúng tôi sẽ chia thành ba nhóm, mỗi sinh viên đóng vai một người đại diện cho một quốc gia. Trước buổi hội thảo, mỗi người cần nộp một bài tham luận liên quan đến quốc gia của mình, trình bày các vấn đề mà quốc gia đang đối mặt, cũng như đưa ra các giải pháp kiến nghị đến Liên Hợp Quốc. Sau khi trình bày nội dung tham luận này, các nhóm sẽ soạn thảo các văn bản Nghị quyết liên quan đến các vấn đề đã được đưa ra.
Trong hai tháng tới đây, tôi sẽ bận rộn hơn bình thường, với kha khá tài liệu cần đọc, bài tập cần làm, các hoạt động nhóm cần tham gia, lẫn giao lưu bè bạn – hoạt động ưa thích của tôi. Dù vậy, tôi sẽ cố gắng dành thời gian để viết cụ thể hơn về từng buổi hội thảo, cách các buổi này được thiết kế và tổ chức, cũng như những trải nghiệm và quan sát mà tôi tin là có ích cho bạn đọc. Hẹn gặp bạn ở bài viết tiếp theo.
—
Đây là bài số 3 trong chuỗi bài về trải nghiệm học tập của tôi tại Đại học Göteborg. Trong loạt bài viết này, tôi chia sẻ những gì tôi học tập và quan sát được từ môi trường giáo dục cao học ở Göteborg, với hy vọng giúp ích cho những bạn trẻ tại Việt Nam quan tâm đến việc học thạc sỹ tại nước ngoài nói chung và lĩnh vực khoa học chính trị nói riêng.