21/04/2017
Đọc thơ Pushkin, Thúy Toàn dịch. Buồn như mây trôi. Tức là một nỗi buồn lửng lơ, nó xa rồi nó lại gần, nó mờ nhạt nhưng nó lại rõ rệt, nó muốn tan đi nhưng nó lại cứ càng nặng thêm.
Buồn không phải là một cảm xúc tiêu cực. Nhớ cũng thế. Và với tôi, cả nỗi buồn và nỗi nhớ, đều ngang hàng với cảm giác của tình yêu. Tất cả, nói như Paus, đều là “sự rung động của con tim”. Thứ xốn xang mà phải bắt gặp một xáo động nào đó của đất trời trong một thời khắc đặc biệt, ta mới có thể cảm được, và bởi thế ta trân quý nó biết bao, sợ nó sẽ biến mất, ôi cái thứ xúc cảm mơ hồ đẹp đẽ mà làm sao ngôn từ có thể diễn giải được.
Tôi nhớ về một điều tôi chưa trải qua. Tôi tưởng tượng ra và nhớ nó, và da diết buồn bã vì không được sống trong nó để thực sự nhớ đến nó. Ấy là sự khốn khổ của tâm hồn.
“Xuyên những làn sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua
Buồn dải ánh vang lai láng
Trên cánh đồng buồn giăng xa
Trên con đường mùa đông vắng vẻ
Cỗ xe tam mã băng đi
Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ
Đều đều khắc khoải lòng quê
Bài ca của người xà ích
Có gì phảng phất thân yêu:
Như niềm vui mừng khôn xiết
Như nỗi buồn nặng đìu hiu
Không một mái lều, ánh lửa…
Tuyết trắng và rừng bao la…
Chỉ những cột dài cây số
Bên đường sừng sững chào ta
Ôi, buồn đau, ôi cô lẻ…
Trở về với em ngày mai
Nhina, bên lò lửa đỏ
Ngắm em, ngắm mãi không thôi
Kim đồng hồ kêu tích tắc
Xoay đủ những vòng nhịp nhàng
Và xua lũ người tẻ ngắt
Để ta bên nhau trong đêm
Sầu lắm. Nhina, đường xa vắng
Ngủ quên, bác xà ích lặng im
Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm
Sương mờ che lấp ánh trăng nghiêng.”