Một diễn viên bị tung clip đời tư lên mạng, sau khi công an phường thu điện thoại của cô và yêu cầu cô cung cấp mật khẩu, theo báo Thanh Niên vừa đưa tin. Hmm… Khi nào công an được phép thu giữ điện thoại của bạn? Rồi còn việc yêu cầu cung cấp mật khẩu thì sao?
Có một vài trường hợp, công an được phép thu điện thoại của bạn. NHƯNG: trong bất cứ trường hợp nào, kể cả khi có lệnh khám xét hoặc bắt giữ, công dân không có nghĩa vụ phải cung cấp mật khẩu điện thoại cho bất cứ cơ quan nào. Việc bạn không cung cấp mật khẩu điện thoại, mật khẩu máy tính, mã pin thẻ ngân hàng, v.v… hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Tại sao có thể khẳng định như vậy?
–
NÓI CHUYỆN PHÁP LUẬT TRƯỚC NHÉ
Điều 21 Hiến pháp 2013 ghi rằng “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
Vậy đúng luật là như thế nào? Khoản 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 ghi rằng “Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.”
Ok, tới đây thì ta hiểu rằng, quyền bí mật thư tín, điện thoại, vân vân cũng bị giới hạn đấy (chứ không phải là một loại quyền tuyệt đối, được bảo vệ tuyệt đối theo pháp luật Việt Nam nhé), và nó bị giới hạn bằng một số quy định nào đó.
Nó đây rồi:
2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Và đây nữa, áp dụng cho việc xử lý vi phạm hành chính:
1. Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
2. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.
Vậy trong những trường hợp nêu trên, điện thoại của bạn sẽ bị thu giữ và khám xét như thế nào?
Đọc tiếp về thủ tục thu giữ nhé:
Trích Điều 196. Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng.
Trích Điều 198. Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.
Và đây là thủ tục trong trường hợp xử lý vi phạm hành chính:
4. Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Khi tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và 01 người chứng kiến; trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có 02 người chứng kiến.
5. Mọi trường hợp khám phương tiện vận tải, đồ vật đều phải lập biên bản. Quyết định khám và biên bản phải giao cho chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải 01 bản.
Tức là, hoặc phải có quyết định bằng văn bản, hoặc phải lập biên bản và ghi rõ lý do thu giữ. Chỉ khi đó các bên có thẩm quyền mới được phép thu điện thoại của bạn.
Xin nói thêm, trên thực tế, cấp “va chạm” nhiều nhất với người dân là công an cấp phường/xã (như trường hợp của cô diễn viên bị tung clip đời tư vừa rồi). Theo luật pháp, công an cấp phường/xã chỉ được tạm giữ đồ vật trong trường hợp thật cần thiết, quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính (bạn đọc tham khảo ở đây nhé, dẫn ra lại thành dài quá). Ở cấp phường/xã, chỉ có công an cấp trưởng hoặc cấp phó (nếu được cấp trưởng giao quyền) mới có thẩm quyền tạm giữ đồ vật và khám đồ vật, chứ không phải cứ anh chị áo xanh nào cũng được phép yêu cầu bạn giao nộp điện thoại. Chi tiết hơn, về những cá nhân nào được phép tạm giữ đồ vật của bạn khi xử lý vi phạm hành chính, bạn đọc có thể xem thêm ở điều 123, Luật xử lý vi phạm hành chính.
–
NHƯNG GIAO MẬT KHẨU LẠI LÀ MỘT CHUYỆN KHÁC!
Bạn có tìm đọc khắp tất cả các văn bản pháp luật, cũng không tìm thấy chỗ nào buộc công dân phải giao mật khẩu cho công an cả đâu. Nếu có một luật như vậy, chúng ta phải chất vấn cơ quan lập pháp.
Bởi cũng tương tự như nguyên tắc về quyền im lặng: Bạn không cần phải đưa ra lời khai, bằng chứng chống lại chính mình hoặc tự buộc tội mình. Dù là mật khẩu điện thoại, mật khẩu máy tính, mã encrypt dữ liệu, mã pin của các loại thẻ ngân hàng, v.v…, bạn không bị buộc phải giao cho bất kỳ ai, kể cả trong tay họ có lệnh khám xét hay thu giữ gì đi chăng nữa. Đừng để các giấy tờ có dấu đỏ hù dọa bạn: bạn có quyền không đưa ra những lời khai có thể chống lại chính mình.
Như vậy, sau khi đã thu giữ điện thoại của bạn, trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra chứ không phải của bạn hay bất kỳ ai khác. Nếu phải so sánh thì, việc này cũng tương tự như việc FBI phải chi hơn 1,3 triệu đô để bẻ khóa điện thoại của kẻ khủng bố hay bẻ khóa để đọc tin nhắn Signal của nghi phạm vậy.
Luật pháp Việt Nam, thực tế, chưa ghi nhận quyền im lặng một cách cụ thể. Nhưng bạn có thể tham khảo các quy định liên quan trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015:
Trích Điều 13. Suy đoán vô tội. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trích Điều 15. Xác định sự thật của vụ án. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trích Điều 59. Người bị tạm giữ. 2c) Người bị tạm giữ có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Trích Điều 60. Bị can. 2d) Bị can có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Trích Điều 61. Bị cáo. 2h) Bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Hẳn có người lo lắng rằng nếu không giao mật khẩu thì sẽ bị coi là chống người thi hành công vụ – đây cũng là lời hù dọa mà (biết đâu đấy) bạn có thể nhận được. Song bạn có thể yên tâm rằng, tội chống người thi hành công vụ, được quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, chỉ áp dụng với “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”. Như vậy, tội danh này chỉ áp dụng cho các hành vi mang tính chủ động. Trong khi đó, việc không giao mật khẩu, cũng như việc giữ im lặng, là hành vi thụ động (tức là “không làm gì”), và do vậy không thể bị coi là chống người thi hành công vụ.
Vậy giờ bạn đã yên tâm không giao mật khẩu điện thoại, kể cả khi bị tạm giữ, bị buộc tội rồi chứ?
Nhưng (lại nhưng), có vài câu chuyện liên quan mà bạn cũng nên được biết.
–
GIỜ TA BÀN SANG CHUYỆN “THỰC TẾ”
Nếu bạn là một người hoạt động xã hội ở Việt Nam, hay đơn giản hơn, một người lên tiếng trước các vấn đề bất công trong xã hội, thì những chuyện như “lên đồn”, “bị thu điện thoại”, “bị ép khai mật khẩu” chắc không còn gì là xa lạ.
Câu chuyện đầu tiên là trường hợp Cao Vĩnh Thịnh, một người hoạt động bảo vệ môi trường ở Hà Nội. Tháng 3 năm 2019, công an đột ngột bắt và đưa cô đến trụ sở Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an ở Hà Nội. Tại đây, theo nhà báo Phạm Đoan Trang thuật lại, công an đã ép Cao Vĩnh Thịnh khai mật khẩu máy tính, song cô đã chọn thực hành quyền của mình khi từ chối giao mật khẩu. Sau cùng, công an đã sử dụng thiết bị công nghệ để truy cập trái phép vào máy tính của cô. Cô được thả ra vào lúc 10 giờ tối cùng ngày.
Tệ hơn, đã có những người bị đánh khi không giao mật khẩu điện thoại, như trường hợp ca sĩ Nguyễn Tín. Theo báo cáo của Tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền), năm 2018, Nguyễn Tín đã bị công an câu lưu trong 2 ngày và buộc anh cung cấp mật khẩu điện thoại. Anh đã bị đánh đập sau khi từ chối cung cấp mật khẩu. Bạn có thể đọc thêm “nhật ký trong đồn” của anh tại đây.
Thậm chí, nhà báo Nguyễn Tường Thụy đã đập vỡ điện thoại của ông, khi ông bị các viên chức dùng vũ lực buộc ông phải mở khóa điện thoại, theo thông tin từ VOA Tiếng Việt.
Nhắc lại những trường hợp này không nhằm hù dọa bạn đọc, mà để bạn biết rằng đã có những trường hợp công an ngang nghiên làm trái pháp luật như vậy ở Việt Nam, và việc này hẳn sẽ còn tiếp diễn.
Có thể coi các nhà hoạt động xã hội là những người thuộc nhóm yếu thế nhất trong nền pháp luật Việt Nam. Bên cạnh điều tiên quyết là nắm bắt luật pháp và biết rõ quyền của mình, họ cũng đã tự bảo vệ bản thân và bảo vệ quyền thông tin của chính họ bằng nhiều cách khác, mà tôi sẽ viết ở bài sau để bạn đọc tham khảo.