Nếu như chính quyền thành phố kêu gọi “ủng hộ xã hội dân sự” thay vì phát động “lấy sức dân chăm lo cho dân”, thì có lẽ đã được dân khen ngợi chứ không phải bị chê cười nhiều đến vậy. Mặc dù, trên thực tế, hai việc này không khác biệt quá nhiều.
Tất nhiên, chính quyền không phải là đấng toàn năng. Họ không thể và cũng không nên làm hết mọi chuyện.
Thứ nhất, có những chuyện mà chính quyền không có khả năng làm. Ngoài lý do nội tại (như hệ thống, quản trị, nhân sự) thì còn một lý do khách quan quan trọng, rằng nguồn lực của chính quyền thì hữu hạn mà nhu cầu của người dân thì vô biên, chưa kể giữa các nhóm người dân lại có những nhu cầu xung khắc lẫn nhau.
Thứ hai, có những chuyện dù chính quyền có khả năng làm thì cũng không nên làm, để tránh tập trung quá nhiều quyền lực vào một thực thể chính trị duy nhất. Ví dụ, chính quyền không nên đứng ra quản lý tất cả các quỹ cứu trợ, chẳng hạn bằng cách yêu cầu các nhóm cứu trợ phải nộp khoản tiền mà họ đã quyên góp được vào quỹ của Mặt trận Tổ quốc. Bởi lẽ, một hành động như thế sẽ dẫn đến độc quyền hóa công việc cứu trợ, không chỉ làm giảm hiệu quả công việc mà còn dễ gây ra tình trạng lạm quyền.
Thứ ba, có những chuyện chính quyền có khả năng làm và nên làm, nhưng khi họ làm thì lại không hiệu quả bằng các bên khác. Đơn cử, trong bất cứ bộ máy hành chính nhà nước nào cũng tồn tại các quy trình quan liêu (bureaucracy) nhất định. Chính điều này làm cản trở hiệu quả công việc trong những trường hợp cần phản ứng tức thời, chẳng hạn khi xảy ra thiên tai hay dịch bệnh. Khi một người dân bị đói, họ có thể gọi điện tới một nhóm thiện nguyện và nhận ngay một hộp cơm trong đêm, nhưng để chờ đợi khoản tiền cứu trợ từ chính quyền đi qua các thủ tục hành chính thì có thể mất vài ngày cho đến vài tháng.
Đó là lúc cần tới xã hội dân sự: khi người dân kết nối với nhau, cùng nhau hành động vì một vài mục tiêu chung nào đó, lấp vào những khoảng trống mà chính quyền không nên/ không thể bước vào.
Trong đợt dịch lần này, xã hội dân sự xuất hiện ở những nơi mà người dân cùng nhau tự lấy sức mình lo cho nhau. Đó là các hội cứu trợ lương thực, thực phẩm, bình oxy ngay lập tức cho những người cần đến, là các tổ chức thiện nguyện quyên góp tiền để mua thiết bị y tế trao cho bệnh viện, là các tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý miễn phí, là các hội nhóm tôn giáo giúp lo liệu sinh hoạt cho người dân trong các khu cách ly, vân vân.
Chính quyền hẳn phải thấy được tầm quan trọng của việc này. Suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, nếu không có xã hội dân sự đứng ra cáng đáng, chính quyền không thể nào giải quyết hết mọi vấn đề cho xuể. Nhưng, một khi muốn người dân đứng ra lo cho nhau, mà chính quyền lại vận động bằng kiểu phát ngôn “lấy sức dân chăm lo cho dân”, thì rất sai và rất dở.
Sai ở chỗ, xã hội dân sự tự thân nó là một khối riêng biệt nằm ngoài chính quyền, nằm ngoài doanh nghiệp. Không cơ quan chính quyền nào có thể “lấy” sức của xã hội dân sự để “chăm lo” cho ai hết, vì lẽ xã hội dân sự tồn tại một cách độc lập, tự chủ, và dựa trên nền tảng tự do lựa chọn của những người tham gia.
Dở ở chỗ, nếu đã thấy được tầm quan trọng của sức dân, thì phải (1) thừa nhận xã hội dân sự, (2) tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát triển, và (3) tận dụng vai trò của xã hội dân sự để kiến thiết quốc gia. Chứ không phải vừa để mặc dân tự lo cho nhau, vừa đi nhận công về phần mình.
1. Thừa nhận xã hội dân sự, trước hết, là phải bỏ Khoản 3 Điều 7 trong Quy định 102 của đảng về xử lý kỷ luật đảng viên đi. Xã hội dân sự quan trọng là vậy, cớ gì lại đòi kỷ luật khai trừ đảng những người “đòi thực hiện xã hội dân sự”? Dọa khai trừ đảng như vậy, làm sao các quan chức dám mở miệng thừa nhận xã hội dân sự cho được? Rồi làm sao các đại biểu quốc hội – mà đa số là đảng viên – dám soạn thảo luật cho xã hội dân sự đây? Không dám thừa nhận xã hội dân sự, nhưng lại cần đến sự tồn tại của nó, nên mới có chuyện “sáng tạo” ra những từ ngữ méo mó sai lệch để gọi tên hiện tượng, như là “lấy sức dân chăm lo cho dân”.
2. Tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát triển, đầu tiên, là nên gỡ bỏ những rào cản pháp luật đối với xã hội dân sự: từ những hạn chế rất ngặt nghèo trong Điều 5 của Nghị định 64/2008 với quy định rằng “ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”, và những chồng chéo với Nghị định 50/2020, cho tới những nhiêu khê trong quy trình thẩm định và phê duyệt viện trợ trong Nghị định 80/2020. Tiếp nữa, là xây dựng hành lang pháp lý sâu rộng cho xã hội dân sự, chẳng hạn bắt đầu bằng việc sửa đổi Dự luật về Hội trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do lập hội và tự do hội họp, rồi thông qua và lấy đó làm nền tảng mà phát triển các nghị định, thông tư dưới luật.
3. Để tận dụng sức mạnh của xã hội dân sự, thứ nhất, phải ghi nhận rằng xã hội dân sự đóng vai trò cầu nối giữa người dân với chính quyền, bởi các tổ chức xã hội dân sự làm việc sát sao với người dân và hiểu rõ nhu cầu của dân hơn ai hết. Nếu chính quyền – ở cấp trung ương lẫn địa phương – nghiêm túc tham vấn các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình quyết sách, hẳn đã không có chuyện ban hành ra những công văn, chỉ thị “hành dân là chính” như suốt giai đoạn bệnh dịch vừa qua. Quan trọng hơn nữa, để củng cố nội lực, chính quyền cần ghi nhận vai trò giám sát và phản biện của xã hội dân sự, từ đó biết mình sai ở đâu để còn sửa chữa, chứ không phải cứ thấy ai phản biện là bắt lên đồn dọa nạt, phạt tiền, hay là nhốt tù luôn cho khỏi kêu ca.
Chính quyền phải bắt đầu bằng những việc như thế, thì mới có thể tiếp sức để người dân lo cho nhau được.
*
Quy định 102-QĐ/TW về việc xử lý đảng viên vi phạm: https://moha.gov.vn/DATA/DOCUMENT/2018/12/NQTW%204/QD102-TW.pdf
Nghị định 64/2008/NĐ-CP: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=66885
Nghị định 50/2020/NĐ-CP: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=19&mode=detail&document_id=199864
Nghị định 80/2020/NĐ-CP: https://ngkt.mofa.gov.vn/wp-content/uploads/2020/07/nghi-dinh-80-2020-nd-cp-quan-ly-va-su-dung-vien-tro-khong-hoan-lai-1.pdf
Về vấn đề ban hành các công văn, chỉ thị “hành dân là chính”: https://viyen.me/lay-dan-lam-goc
Bài báo về “lấy sức dân chăm lo cho dân”: https://congan.com.vn/tin-chinh/tphcm-phat-dong-phong-trao-phat-huy-suc-manh-toan-dan-tham-gia-phong-chong-dich_118223.html; trích: “với tinh thần ‘lấy sức dân chăm lo cho dân’, TP đã kêu gọi và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ đầy nghĩa tình từ khắp nơi trong cả nước. […] hàng ngàn bếp ăn thiện nguyện, do các cơ sở hội, đoàn, tôn giáo, nhà hảo tâm chăm lo các suất ăn, nước uống hàng ngày cho những hoàn cảnh khó khăn và các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly, phong tỏa… Và còn nhiều những cá nhân, những tổ chức đã âm thầm cống hiến, chia sẻ và đồng hành cùng TP trong đợt dịch này.”