Ngay sau khi chiến tranh Thế chiến II kết thúc, George Orwell đã tự hỏi rằng nước Anh sẽ ra sao nếu nó rơi vào một trong những tín điều độc tài đã và đang thống trị thế giới suốt nửa đầu thế kỷ 20. Đó là nguồn cơn khai sinh cuốn tiểu thuyết phản địa đàng (dystopia) trứ danh mang tên 1984.
Chữ “dystopia” vốn bắt nguồn từ thuật ngữ “utopia” được học giả Sir Thomas Moore đề xướng trong tác phẩm cùng tên ra đời năm 1516. Nếu như utopia biểu thị một xã hội lý tưởng nơi mà mọi thứ đều hoàn hảo và đáng mơ ước, thì dystopia hoàn toàn ngược lại: nó là xứ phản địa đàng đáng sợ.
Trong số những tiểu thuyết dạng ấy, riêng 1984 của Orwell có thể được coi là một cơn ác mộng triền miên khi những nỗi ám ảnh bị đẩy tới tột cùng. Cùng là tiểu thuyết phản địa đàng, trong khi Thế giới mới mỹ lệ (Brave New World) của Aldous Huxley vẽ ra một xã hội nơi các công dân đắm đuối trong niềm hạnh phúc giả tưởng, thì 1984 lại chìm trong cơn tuyệt vọng tối tăm.
Đó là chốn mà các công dân của đất nước Oceania buộc phải sống trong cảnh thống khổ, sợ hãi, và tràn ngập lòng căm ghét hận thù.
Trong bài tiểu luận Tại sao tôi viết (Why I Write) ra đời năm 1947, một năm trước khi bản thảo cuốn 1984 được hoàn tất, Orwell tuyên bố rằng “tôi viết với niềm khát khao thúc đẩy thế giới theo một hướng cụ thể, nhằm thay đổi ý tưởng của con người về kiểu xã hội mà họ nên đấu tranh để đạt được về sau.”
Còn Winston Smith, nhân vật chính trong tiểu thuyết 1984, người dám trượt ngòi bút thành những dòng “đả đảo Anh Cả” khắp nửa trang giấy, tại sao anh viết? Anh muốn để lại những trang sử chân xác cho những người tương lai, khi mà cùng lúc ấy, anh buộc phải làm cái nghề chuyên gọt giũa lịch sử để phụng sự chính quyền độc tài.
Nhưng, trong khi Orwell đạt được thành tựu đời mình qua nghề cầm bút, thì Winston đã quy hàng. Anh Cả – lãnh tụ tối cao của Oceania – đã thành công một cách xuất sắc trong việc khuất phục Winston và những kẻ mang trong mình mầm mống chống đối như Winston.
Có thể coi 1984 của Orwell như một cuốn cẩm nang giàu mánh khóe để các nhà độc tài có thể học theo mà nô dịch các công dân dưới quyền mình bằng nhiều xảo thuật.
Bước 1: Thao túng lịch sử
Ingsoc (theo Tân ngữ, Ingsoc có nghĩa là Đảng Xã hội Chủ nghĩa Anh), đảng lãnh đạo toàn thể dân chúng của xứ sở Oceania, mang theo mình một tín điều rằng “Đảng không bao giờ sai lầm”, bất kể sự thật có là gì chăng nữa.
Để khắc ghi trong tâm thức dân chúng cái đức tin ấy, lịch sử phải được chỉnh đốn để xác quyết tín điều “Đảng là chân lý”. Và Winston, một trí thức phục vụ trong Bộ Sự Thật, nhận lãnh lấy nhiệm vụ quan trọng này. Anh phải tìm cách vĩnh cửu hóa uy quyền của Đảng bằng cách xóa bỏ bất kỳ bằng chứng nào về những sai lầm của Đảng.
Công việc của Winston tuy phức tạp và đòi hỏi trí não khi anh cần tẩy xóa dữ kiện, soạn mới các cứ liệu và biên tập cả hình ảnh, song anh chỉ cần ghi nhớ một chỉ dẫn duy nhất, cũng chính là khẩu hiệu của Đảng, rằng “Kẻ nào kiềm chế được quá khứ, kẻ đó kiểm soát được tương lai. Kẻ nào kiểm soát được hiện tại, kẻ đó kiềm chế được quá khứ”.
Sự can thiệp vào lịch sử sẽ tạo nên một đám đông tuân phục. Bởi vì, nói theo ngôn ngữ của Orwell, chừng nào dân chúng còn chưa nhận thức thì họ không bao giờ nổi loạn, và chừng nào họ còn chưa nổi loạn thì họ không thể nào nhận thức.
Tất cả những gì được gọi là chân – thiện – mỹ, giờ đây, đều của Đảng, do Đảng, và vì Đảng. Xã hội của Oceania phải là nơi “sẽ không còn lòng trung trừ lòng trung thành với Đảng. Sẽ không còn tình yêu trừ tình yêu Anh Cả. Sẽ không còn tiếng cười trừ tiếng cười hân hoan trước kẻ chiến bại. Sẽ không còn văn chương, nghệ thuật, khoa học. Khi chúng ta trở thành vô địch thì chúng ta không cần khoa học nữa. Sẽ không còn phân biệt giữa đẹp và xấu. Sẽ không còn tính hiếu kì, sẽ không còn niềm vui sống…”, theo lời của tên chỉ huy Cảnh sát Tư tưởng O’Brien.
Đó chính là “những nỗi kinh khiếp của chủ nghĩa dân tộc đầy xúc cảm và khuynh hướng hoài nghi sự tồn tại của sự thật khách quan, bởi tất cả các sự kiện đều phải xảy xa sao cho phù hợp với tuyên bố và tiên tri của những kẻ không thể sai lầm” trong một lá thư Orwell viết gửi Noel Willmett vào năm 1944.
Bước 2: Làm chủ ngôn ngữ
Hai cộng hai bằng bốn là phép tính mà đứa trẻ nào cũng biết. Trừ những đứa trẻ ở Oceania.
Câu cách ngôn này vốn xuất hiện trong văn chương từ nhiều năm trước như một hình ảnh biểu trưng cho chân lý: “Hai với hai là bốn, một người không thể nào nghi ngờ điều này một cách hợp lý được, bởi vì cách thức hiểu biết ấy đã được tạo tác bên trong bản chất con người”, trong cuốn De Neutralibus et Mediis Libellus của Johann Wigand viết từ năm 1562.
Trong tiểu luận Nhìn lại cuộc chiến tranh Tây Ban Nha (Looking Back on the Spanish War), chính Orwell cũng viết rằng: “Lý thuyết Đức Quốc xã thực sự phủ nhận sự tồn tại của những thứ như ‘sự thật’. … Nếu nhà lãnh đạo nói về sự kiện nào đó rằng ‘nó chưa hề xảy ra’ – thì vâng, nó chưa hề xảy ra. Nếu ông ta nói rằng hai cộng hai là năm – thì vâng, hai cộng hai bằng năm. Viễn cảnh này làm tôi thấy kinh sợ hơn cả bom đạn.”
Và thứ đáng kinh sợ ấy đã diễn ra ở Oceania, khi Đảng Ingsoc buộc dân chúng phải nhất nhất đáp rằng hai cộng hai bằng năm.
Nhưng nếu Đảng sai, hãy khiến người ta tin rằng nó đúng. Bởi quyền lực nằm ở diễn ngôn và tri thức, như được diễn giải trong cuốn Kỷ luật và Trừng phạt (Discipline and Punish) của triết gia người Pháp Michel Foucault.
Nếu như Shakespeare được coi là người đã làm giàu cho vốn ngôn từ Anh ngữ, thì Đảng Ingsoc chính là kẻ đã bóp vụn mọi thành tựu ấy. Nó thảo ra một thứ ngôn ngữ mới mang tên Tân Ngữ (NewSpeak), như một phát minh để kiểm soát trí khôn của người dân.
Ấy là bởi “một người đàn ông có thể uống rượu vì anh ta cảm thấy mình là một kẻ thất bại, và rồi cuối cùng anh ta thất bại hoàn toàn bởi đã uống bét nhè. Cũng tương tự như ngôn ngữ Anh vậy. Nó trở nên xấu xí và sai trật bởi những tư tưởng ngu ngốc của chúng ta, nhưng vẻ cẩu thả của ngôn ngữ lại làm cho chúng ta dễ có những suy nghĩ ngớ ngẩn hơn”, như Orwell đã viết trong bài tiểu luận Chính trị và Ngôn ngữ Anh (Politics and the English Language).
Bằng cách tạo ra những thuật ngữ rối rắm nước đôi chỉ một ít người hiểu được, Đảng khiến cho nhận thức của người dân ngày càng bị u mê. Rõ ràng, ngôn ngữ không chính xác sẽ khiến cho tư tưởng con người dễ bị thao túng, không còn độc lập. Khi Tân ngữ trở thành thứ ngôn ngữ duy nhất được dùng ở Oceania, Đảng có thể kiểm soát tuyệt đối tâm trí con người.
Bước 3: Kiểm soát tư tưởng
Orwell đã sống trong thời kỳ mà nền độc tài bao trùm khắp các nước Tây Ban Nha, Đức, Liên Xô và nhiều nước khác, nơi chính quyền là một bàn tay sắt giam hãm sự tự do của người dân.
Trong thời gian sống tại Tây Ban Nha dưới chế độ phát xít của nhà độc tài Francisco Franco, Orwell từng là một tín đồ của chủ nghĩa cộng sản, thậm chí còn tình nguyện phục vụ trong cuộc nội chiến ở nước này.
Không kể tới những thương tích do chiến tranh gây ra, mà cả lòng tin của Orwell cũng đã sứt mẻ khi ông phát giác thấy bộ máy quan liêu tham nhũng và nhẫn tâm của những người cộng sản. Orwell chuyển sang chỉ trích Stalin gay gắt, để rồi bị giới báo chí cánh tả ở Anh kết tội rằng ông đã phản bội lý tưởng mà hùa theo phe phát xít.
Trải nghiệm đắng cay khi trở thành nạn nhân của báo giới đã khiến Orwell nhận thấy sức mạnh kinh khủng của truyền thông. Bài học này được ông đem ra “dạy” lại tường tận cho Đảng Ingsoc.
Ở Oceania, đời sống của người dân bị nhồi nhét bằng những tờ báo lá cải (gần như không có gì khác ngoài thể thao, tin tội phạm, và chiêm tinh học) và những bộ phim đầy nhục cảm để quần chúng không biết quan tâm tới chính trị hay lịch sử.
Không chỉ kiểm soát tư tưởng bằng cách hạn chế thông tin, Đảng còn bóp méo mọi thông tin hòng phục vụ cho sự an toàn của chế độ. “Nhưng thực ra, anh vừa sửa các số liệu của Bộ Ấm no vừa nghĩ, đây cũng không phải là giả mạo. Đơn giản chỉ là thay một tài liệu nhảm nhí này bằng một tài liệu nhảm nhí khác mà thôi. Cũng có khả năng là chẳng ai biết đã sản xuất được bao nhiêu đôi giày và chẳng ai cần biết làm gì. Tất cả những điều người ta biết là: quý nào cũng sản xuất được hằng hà sa số giày, nhưng có thể một nửa dân số Oceania vẫn phải đi chân đất.”
Điều này đã được Hannah Arendt nghiệm ra trong cuốn Các Nguồn gốc của Chủ nghĩa Toàn trị (Origins of Totalitarianism): “Cơ quan tuyên truyền quần chúng phát hiện ra một điều rằng, khán thính giả của họ luôn sẵn sàng tin vào những điều tồi tệ nhất dù chúng có vô lý tới mức nào, và họ không mảy may phản đối việc bị lừa gạt bởi dù sao chăng nữa thì mọi tuyên bố đều là dối trá cả.”
Theo Arendt, sự pha trộn giữa tính cả tin và thái độ hoài nghi này đã trỗi dậy vào những thời điểm đầy rẫy đổi thay và biến động, và chúng bị các chính trị gia tận dụng nhằm tạo ra một thế giới hư ảo. Đó chính là nơi mà 2 cộng với 2 sẽ bằng 5 như trong thế giới của Orwell: việc dân chúng chấp nhận một phép tính sai sẽ trở thành một minh chứng cho thẩm quyền vô biên của giới cai trị.
Bước 4: Giám sát hành vi
Mặc dù Đảng kiểm soát nền văn hoá, nền kinh tế và hệ thống chính trị của Oceania, nhưng nó không thể thực sự kiểm soát một cách toàn diện cho đến khi nó toàn quyền kiểm soát tâm trí con người.
Sự tồn tại của những kẻ phản kháng như Winston luôn là một mối lo thường trực đối với Đảng.
Phần lớn nguồn lực của Đảng, do đó, được chi ra để nắm bắt và kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của người dân. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, nơi nào Winston đi qua cũng dán đầy các áp phích nhắc nhở rằng “ANH CẢ ĐANG QUAN SÁT QUÝ VỊ”.
Khuôn mặt Anh Cả xuất hiện ở khắp nơi khiến Winston bị ám ảnh: “đôi mắt ấy vẫn đang theo dõi. Nó theo dõi từ mặt đồng xu, từ con tem, từ bìa sách, từ các biểu ngữ, từ vỏ bao thuốc lá – từ khắp mọi nơi. Đôi mắt dõi theo khắp nơi và giọng nói cũng bao trùm khắp chốn. Cả khi ngủ lẫn khi thức, cả lúc ăn lẫn lúc làm, cả trong nhà lẫn ngoài đường, cả trong phòng tắm lẫn trên giường ngủ – không chỗ nào thoát. Ngoài mấy phân khối bên trong hộp sọ ra thì không có gì là riêng tư hết.”
Màn hình vô tuyến được lắp mọi chỗ, nó có quyền giám sát các cử động của con người và ra lệnh cho người ta điều chỉnh hành vi. Ở các khu vực công còn có cả máy ảnh và thiết bị ghi âm dày đặc đến nỗi một tiếng thở dài cũng có thể bị các Cảnh sát Tư tưởng để ý.
Trong khi đó, trẻ em được khuyến khích theo dõi cha mẹ và báo cáo nếu chúng phát giác thấy có điều gì đáng ngờ trong hành vi hoặc thái độ của cha mẹ chúng, còn hàng xóm thì dòm ngó lẫn nhau để tố giác bất cứ lúc nào.
Có vẻ như Orwell đã học phương pháp kiểm soát xã hội này từ các nghiên cứu của triết gia người Anh Jeremy Bentham của thế kỷ 19 về cách thiết kế cấu trúc nhà tù trong Tuyển tập Vọng gác Nhà tù (The Panopticon Writings), cho phép các viên quản ngục quan sát tù nhân trong khi các tù nhân lại không thể nhìn thấy những viên quản ngục này, và luôn trong trạng thái bất an vì không biết bản thân có đang bị theo dõi hay không. Bentham tin rằng theo thời gian, nỗi lo sợ sẽ khiến các tù nhân được thuần hóa, từ đó họ sẽ ngừng phạm tội khi được trả tự do.
Bước 5: Gieo rắc nỗi sợ hãi
“Dưới tán cây dẻ gai xòe bóng / anh bán đứng em và em bán đứng anh”. Winston lẩm nhẩm câu hát ấy. Anh đã phản bội người tình của mình, nàng Julia. Cô cũng không làm khác.
Đó là một câu chuyện kinh dị với những màn tra tấn, ghế điện, đòn roi, không chỉ đáng ghê tởm trước cảnh tượng lũ chuột đói bị đem thả lên mặt Winston trong Phòng 101 nằm dưới tầng hầm của Bộ Tình yêu, mà còn đầy ám ảnh khi Winston gào lên rằng “hãy làm thế với Julia!”
Điều gì đã khiến những người vốn tin rằng “tình yêu và lòng trung thành chúng ta cảm nhận nơi nhau sẽ không bao giờ mất đi” lại quay sang phản bội nhau, và phản bội cả lý tưởng của mình, nếu không phải là do nỗi sợ?
Khi vị Trưởng Cảnh sát Tư tưởng O’Brien hỏi: “Một người khẳng định uy quyền của mình đối với kẻ khác bằng cách nào, Winston?” Winston suy nghĩ rồi đáp: “Bằng cách làm cho họ đau khổ.”
Quả vậy, nỗi sợ thống khổ khiến người ta thần phục trước uy quyền.
Đó là một thế giới tràn ngập nỗi sợ khi người ta biết rằng kẻ nào nổi dậy chống lại Đảng sẽ biến mất vĩnh viễn. Cũng như Hitler ở Đức và Stalin ở Liên Xô, Anh Cả trong Oceania có thể cho “bốc hơi” những ai không tuân theo mệnh lệnh.
Đó là một thế giới mà Anh Cả luôn theo dõi người dân, thế giới của những cuộc chiến tranh liên miên bất tận, nơi mà nỗi sợ liên tục được khuếch trương.
Song nỗi sợ lan tràn khắp các trang sách 1984 không chỉ đến từ những khung cảnh chính trị ma mị đượm trong mùi bắp cải luộc nơi hành lang tòa nhà căn hộ của Winston cho tới vị acid cay xộc mũi của thứ Rượu Gin Chiến thắng, mà nó còn vất vưởng trong những màn bạo lực, khiến người đọc không thể không liên tưởng tới cảnh tượng tra tấn nàng Evey Hammond trong V báo thù (V for Vendetta).
Bước 6: Tạo ra kẻ thù
Để người dân quên đi sự thống trị của Đảng cầm quyền, cách hiệu quả nhất là tạo ra những kẻ thù bên ngoài để làm sao nhãng tâm lý và tập trung sự tức giận của người dân.
Nếu như các “công dân” của Trại súc vật (Animal Farm) được tuyên truyền rằng kẻ thù của toàn trang trại là Tuyết Tròn, thì trong 1984, kẻ mà người dân Oceania phải chống lại chính là Emmanuel Goldstein, người đứng đầu Hội Huynh đệ, một tổ chức bất đồng chính kiến bí ẩn (và có thể là hư cấu).
Goldstein luôn là chủ đề của chương trình “Hai phút Thù hận”, một chương trình hàng ngày bắt đầu lúc 11:00 giờ sáng, tại đó hình ảnh của Goldstein được phát sóng trên truyền hình để hứng chịu sự căm thù vô độ của người dân.
Song không ai dám chắc con dê tế thần Goldstein thật sự tồn tại: anh ta (và cả cuốn sách mang tên Lý thuyết và Thực hàng Chủ nghĩa Tập quyền Chính trị Đầu sỏ của anh ta) rất có thể chỉ là sản phẩm của tuyên truyền.
Nhắc tới thuật ngữ “chủ nghĩa tập quyền chính trị đầu sỏ”, người ta dễ liên tưởng tới lý thuyết chủ nghĩa tập thể quan liêu được đưa ra bởi những người theo chủ nghĩa Trosky ở Liên Xô vào cuối những năm 1930. Rất có thể Leon Trotsky là hình mẫu cho nhân vật Emmanuel Goldstein của Orwell: một cựu thành viên của Đảng bị tuyên bố là kẻ thù của nhà nước Xô-viết, và cũng là một người mạnh mẽ lên án xã hội Xô-viết lúc bấy giờ – như cái cách Goldstein chỉ trích chính quyền Oceania.
Trong khi Goldstein là đối tượng căm thù thường trực, thì Eurasia (Đế chế Á Âu) và Eastasia (Đế chế Đông Á) là những cường quốc thù địch có thể gây chiến bất cứ lúc nào, khiến người dân Oceania luôn trong trạng thái bất an trước chiến tranh.
Phụ chú: Dành riêng cho các nhà độc tài của thế kỷ 21
Thành công của 1984 không phải là điều gì khó hiểu. Các quốc gia tư bản thời đó đang trong tình trạng sợ hãi chủ nghĩa cộng sản lan tràn khắp châu Âu.
Dẫu rằng nhân loại đã sống sót qua một thế kỷ ảm đạm mà không bị hủy diệt như viễn tượng được mô tả trong 1984 của Orwell, song rõ ràng đó không phải là thành tựu đáng khoe khoang.
Ý đã phải trải qua 21 năm dưới thời Benito Mussolini. Đức chịu đựng vị bạo chúa Adolf Hitler. Liên Xô có Stalin thì Trung Quốc có Mao Trạch Đông. Tây Ban Nha có Franco thì Bồ Đào Nha có Salazar. Và khi các Anh Cả xuống ghế lại có những Anh Hai khác lên thay.
Trong tác phẩm Chủ nghĩa Độc tài Toàn trị và Chuyên chế (Totalitarian Dictatorship and Autocracy) của hai nhà khoa học chính trị hàng đầu về lý thuyết toàn trị thế kỷ 20 là Carl Friedrich (Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Chính trị Mỹ) và Zbigniew Brzezinski (cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ), một chế độ độc tài toàn trị được biểu hiện qua sáu tính chất:
(1) một hệ tư tưởng phức tạp, được cấu thành từ một học thuyết chính thức bao hàm các khía cạnh toàn diện của sự tồn tại của con người mà mọi người chung sống trong xã hội đều phải tuân thủ;
(2) một đảng đại chúng thường do một người lãnh đạo;
(3) một hệ thống khủng bố, dù là thể chất hay tinh thần, được thực thi thông qua sự kiểm soát của đảng và của cảnh sát ngầm, kiểm soát và hướng tới không chỉ đối với những kẻ thù của chế độ, mà còn đối với nhiều tầng lớp nhân dân được lựa chọn một cách ngẫu ý;
(4) sự kiểm soát độc quyền về kỹ thuật, gần như tuyệt đối, nằm trong tay của đảng và của chính phủ, đối với tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng;
(5) sự kiểm soát độc quyền về kỹ thuật, gần như tuyệt đối, đối với việc sử dụng tất cả vũ khí chiến đấu vũ trang; và
(6) sự kiểm soát và định hướng cho toàn bộ nền kinh tế xuất phát từ trung ương, thông qua sự điều phối quan liêu của các thực thể doanh nghiệp độc lập chính thức.
Chúng ta có thể thấy Oceania của Orwell hội tụ đủ sáu đặc điểm trên. Trong thế kỷ 21 ngày nay, không hiếm gì những quốc gia có đầy đủ những tính chất ấy để được gọi là một nền độc tài toàn trị.
Ngày nay, những người Trung Quốc có thể bị bỏ tù vì gọi chủ tịch nước Xi Jinping là “Bánh bao Xi” khi nhắn tin qua ứng dụng WeChat.
Ở Singapore, một sinh viên 17 tuổi bị bắt vì chỉ trích cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Riêng với Bắc Triều Tiên, những khán giả đứng ngoài hàng rào như chúng ta còn chẳng biết đâu là thông tin chân xác để luận bàn.
Song Anh Cả không chỉ sống trong những chế độ tập quyền. Triết gia Foucault cho rằng quyền lực có thể thấm đẫm vào mọi dạng thức xã hội, dù là độc tài hay dân chủ.
Chẳng hạn như ở Mỹ, phong trào Ngừng Theo dõi Chúng tôi (Stop Watching Us) phản đối Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã nổ ra vào năm 2013 khi đời sống riêng tư của người dân nước này bị xâm phạm bởi chương trình do thám quy mô lớn của NSA.
Gần đây, khả năng chính quyền có thể bẻ khóa iPhone hay các camera chằng chịt trên đường phố cũng khiến các công dân khắp nhiều quốc gia lo ngại rằng mình đang bị “Anh Cả” theo sát.
Rõ ràng, 1984 vẫn đang tiềm tàng diễn ra trong thế giới ngày nay, thậm chí còn dễ dàng hơn thời đại Orwell. Vậy thì các nhà độc tài còn ngại ngần gì mà không tận dụng cơ hội để thao túng tâm trí các thần dân dễ tuân phục của mình?
Xem bản dịch 1984 của dịch giả Phạm Minh Ngọc trên trang talawas: 1984