Facebook đã chào thua trước áp lực của chính quyền Việt Nam. Nó không còn là một nơi đáng tin cậy. Dù phải thừa nhận rằng, trong vụ kiểm duyệt này, Facebook cũng chỉ là một nạn nhân.
Tháng 1/2019, Bộ Thông tin Truyền thông dọa “áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết” nếu Facebook không chịu “gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo” theo yêu cầu. [1] Đúng một năm sau, cư dân mạng phàn nàn rằng Facebook bị chập chờn, không truy cập được. Hóa ra, chính quyền đã tạm đóng các máy chủ của Facebook đặt tại Việt Nam. Họ làm vậy nhằm gây áp lực lên Facebook, đúng như ý định mà Bộ TT-TT đã tiết lộ từ trước. [2]
Cuối cùng, Facebook đã nhượng bộ. Họ đồng ý đẩy mạnh kiểm duyệt các nội dung “chống đối nhà nước Việt Nam”. [3] Dẫu cách đây mới mấy tháng, chính Mark Zuckerberg tuyên bố rằng “tuy chúng ta có thể chưa đồng ý xem đâu là lằn ranh chính xác cho từng vấn đề cụ thể, nhưng ít ra thì chúng ta có thể lên tiếng bất đồng. Đó mới là tự do ngôn luận.” [4]
Đã có thể thỏa hiệp một lần, thì Facebook cũng có thể thỏa hiệp thêm những lần khác nữa. Khó mà biết được, để có thể làm ăn dưới sự kiểm soát của chính quyền độc tài, Facebook sẽ còn “bán” người dùng Việt Nam theo những cách nào.
Nhiều năm nay, người Việt vẫn quen dùng Facebook Messenger để trao đổi các vấn đề riêng tư. Một số người, nhờ quan tâm tới việc bảo mật thông tin, đã chuyển sang sử dụng WhatsApp – một công cụ nhắn tin cũng do Facebook làm chủ.
Trước tình trạng Facebook không còn đáng tin cậy như trên, bạn đọc có thể sử dụng một số công cụ nhắn tin khác thay thế cho Facebook Messenger và WhatsApp. Có thể kể tới ba ứng dụng khá phổ biến: Signal, Telegram, và Wire. [5]
Tương tự như WhatsApp, ứng dụng Signal là một nền tảng nhắn tin miễn phí mã nguồn mở, không có quảng cáo. Không chỉ vậy, Signal còn có mã hóa đầu cuối (end-to-end encryption) cho cả tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại. Bất cứ kẻ lạ mặt nào, kể cả Signal, cũng không thể đọc được tin nhắn của người dùng. Trên Signal, người dùng có thể tạo nhóm chat, gọi điện, gởi hình ảnh, và đặt chế độ xóa tin nhắn tự động. Nhược điểm của Signal là người dùng cần phải có số điện thoại để đăng ký tài khoản.
Telegram cũng có thể là một ứng dụng nhắn tin thay thế, dù nó không an toàn bằng Signal (chẳng hạn, Telegram không hoàn toàn sử dụng mã nguồn mở). Mỗi nhóm chat của Telegram có thể lên đến 200,000 người. Người dùng Telegram có thể ẩn đi số điện thoại và danh tính, và họ cũng có thể xóa tin nhắn mà họ đã gởi đi ở cả thiết bị gởi lẫn thiết bị nhận. Năm ngoái, người biểu tình ở Hong Kong đã tận dụng các ưu điểm này của Telegram để truyền tin cho nhau mà vẫn bảo vệ danh tính cá nhân. [6]
Với Wire, ưu điểm của nó là người dùng không cần phải có số điện thoại. Cũng như Signal, Wire là ứng dụng mã nguồn mở, mã hóa đầu cuối. Trên Wire, người dùng cũng có thể cài chế độ hẹn giờ xóa tin nhắn. Nhược điểm của Wire là công ty này có thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng, mà theo họ thì mục tiêu là giúp đồng bộ hóa thiết bị dễ dàng hơn.
Cả ba ứng dụng này đều có thể cài đặt dễ dàng trên máy tính.
Và quan trọng hơn, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy họ thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam.
—
Chú thích