Vài tài liệu liên quan tới Công hàm 1958

VÀI TÀI LIỆU LIÊN QUAN TỚI CÔNG HÀM 1958


Edit: Theo đề nghị của một tác giả, mình cắt bỏ một phần liên quan đến nhận định từ năm 2012 của tác giả ấy.

Edit 2: Bài sẽ được cập nhật thường xuyên (mình học tới đâu thì sẽ cập nhật tới đó).

“Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.” [1]

Đó là trích đoạn Công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gởi cho Chu Ân Lai năm 1958.

“Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9” mà Phạm Văn Đồng đề cập đến là gì? Đoạn trích dưới đây là một phần của bản tuyên bố do Trung Quốc đưa ra.

“Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.” [2]

Tây Sa tức là Hoàng Sa, và Nam Sa tức là Trường Sa.

Liệu điều đó có hàm ý rằng phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa và Hoàng Sa? Và theo đó, liệu điều này có tương đương với việc chính quyền Việt Nam ngày nay cũng phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai vùng đảo này?

Vài năm qua, đã có khá nhiều bài phân tích Việt ngữ trên khía cạnh luật pháp quốc tế, hòng bác bỏ những lập luận trên.

Báo Tuổi Trẻ từng đăng một bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong đó trình bày chi tiết bối cảnh ra đời của Công hàm 1958. [3] Trong đó, ông Hoàng Việt có lập luận rằng “công thư do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký này không chứa đựng bất kỳ sự từ bỏ rõ ràng nào về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.”

Ngoài cách lập luận nói trên của các học giả người Việt, một số ít học giả quốc tế cũng lên tiếng về vấn đề này. Trong đó, có thể kể đến Monique Chemilier-Gendreau với cuốn sách “Chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. [4] Trong đó bà viết “đúng là tuyên bố của Phạm Văn Đồng chỉ giới hạn trong việc công nhận bề rộng lãnh hải của Trung Quốc. Vì vậy, sẽ sai lầm nếu ta khẳng định rằng Việt Nam đã ‘xác nhận rằng họ công nhận yêu sách của Trung Quốc'”. Đây cũng là một quan điểm phổ biến, dựa trên tính lỏng lẻo của Công hàm 1958, từ đó gián tiếp chứng minh rằng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Quan điểm thứ hai, thịnh hành hơn, nhấn mạnh vào bối cảnh Việt Nam lúc đó. Rằng tại thời điểm ông Phạm Văn Đồng gởi công hàm năm 1958, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) chứ không phải thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) mà ông Đồng là thủ tướng.

Chẳng hạn, vào năm 2012, một tài liệu đã tổng hợp và phân tích một số ý kiến của các học giả về nội dung và hiệu lực ràng buộc của Công hàm 1958. [5] Trong tài liệu này, có bốn ý kiến được nêu ra:

(i) Công hàm 1958 là một ‘tuyên bố đơn phương’;
(ii) Công hàm 1958 không có hiệu lực vì người ký không có tư cách pháp nhân;
(iii) Công hàm 1958 không có hiệu lực vì vi hiến; và
(iv) Công hàm 1958 không có hiệu lực vì tuyên bố của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Về sau, năm 2016, để phản bác hiệu lực của Công hàm 1958, chính quyền Việt Nam đã gởi Công hàm 257/HC cho Liên hợp quốc. Trong đó, chính quyền Việt Nam khẳng định tính độc lập của Việt Nam Cộng hòa, rằng “từ năm 1954 đến năm 1975, Việt Nam bị chia cắt tạm thời thành hai miền. Vào thời điểm đó, dựa trên vị trí địa lý, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc thẩm quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam). […] Như vậy, lập luận của Trung Quốc dựa trên sự phân chia của Việt Nam tại thời điểm đó là hoàn toàn vô nghĩa.” [6]

Quan điểm này cũng được báo giới đăng tải nhiều lần, như trong buổi họp báo quốc tế năm 2014, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã trả lời báo chí rằng: “Bạn không thể cho người khác cái bạn chưa có. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc.” [7]

Những lập luận nói trên liệu có đủ sức thuyết phục quốc tế để bác bỏ công hàm 1958 hay chưa?

Câu trả lời không chỉ nằm ở năng lực chuyên môn của phía Việt Nam trên phương diện luật pháp quốc tế, mà còn ở việc liệu chính quyền Việt Nam có chủ động kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không.

Hiện nay, xoay quanh vấn đề Công hàm 1958, chuyên trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang có lời kêu gọi hỗ trợ Dự án này tổng hợp các lý lẽ phản biện của Việt Nam. [8] Theo đó, những ai quan tâm và muốn góp sức có thể email liên lạc chuyên trang này qua địa chỉ hòm thư sukybiendong@gmail.com.


Chú thích:

[1] Ảnh đăng kèm bài

[2] Xem bản dịch đầy đủ trên trang Luật sư Lê Công Định https://www.facebook.com/le.cogito.7/posts/1322151061316676
Bản tiếng Anh: https://www.eapasi.com/uploads/5/5/8/6/55860615/appendix_18_–_prcs_declaration_on_the_territorial_sea__1958___.pdf

[3] https://tuoitre.vn/su-that-cong-thu-1958-cua-co-thu-tuong-pham-van-dong-609181.htm?fbclid=IwAR3T8Skv4AujUHM2RYhbXVIdmWqN9CbefBpgY3bjiW5Rh8h5XfofzYeOqfs

[4] Trang 129, https://drive.google.com/file/d/1ySpoyPllQmEZ1Abqo45R2aMAHKEhGSlX/view?usp=sharing

[5] https://docs.google.com/document/d/1gEDyb7PPhdIAf4-tHSsi61VRvssIMwT42GWcFf7aVl0/mobilebasic?fbclid=IwAR3poV7GFZ_ChSSgU-_6a0FNhH22gAFPcAwW3NminuUn05H66ZM4rbs1f9w

[6] https://www.facebook.com/usvietnamcenter/posts/217773256338985

[7] https://vnexpress.net/cong-thu-1958-khong-cong-nhan-chu-quyen-hoang-sa-cho-trung-quoc-2994595.html

[8] https://www.facebook.com/daisukybiendong/photos/a.1072496592771035/3123658254321515