Trung Quốc và “mô hình Singapore” – bài dịch

23/01/2017

Singapore là quốc gia duy nhất phát triển mạnh mẽ mà vẫn duy trì sự cai trị độc tài. Đây là một trường hợp thú vị trong khoa học chính trị, và là một thách thức lớn đối với các học giả, các nhà dân chủ phương Tây – những người vẫn luôn tin rằng phát triển đồng nghĩa với dân chủ, hoặc phát triển đến một mức nào đó sẽ chuyển đổi sang nền dân chủ.

Trung Quốc hiện đã phát triển đến cái ngưỡng mà nhiều người tin rằng dân chủ sắp đến, điều đã từng xảy ra với Hàn Quốc hay Đài Loan. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như muốn vượt qua thách thức này, tức là tạo ra một Trung Quốc phát triển song vẫn duy trì sự lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng Sản CCP. Và rõ ràng Singapore là một bài học cho họ.

Song những gì Trung Quốc nhìn thấy ở Singapore liệu có phải là tất cả? Và đâu mới thực sự là yếu tố then chốt làm nên thành công cho quốc đảo độc tài Singapore, cái mà Trung Quốc chưa với tới? Mời các bạn đọc bài báo “Trung Quốc và ‘Mô hình Singapore'” để hiểu thêm về những vấn đề này.

 

Đọc bài gốc & tải bản PDF tại: http://tinhthankhaiminh.org/trung-quoc-va-mo-hinh-singapore/ (bản dịch nằm trong dự án “Chuyển ngữ Tạp chí Dân chủ” của nhóm Tinh Thần Khai Minh)

 

Thông tin chi tiết

Bài báo: China and The “Singapore Model” (Trung Quốc và “mô hình Singapore”)

Tác giả: Stephan Ortmann và Mark R. Thompson

Tạp chí: Journal of Democracy, Issue 1, Volume 27

Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)

Hướng dẫn trích nguồn: Stephan Ortmann & Mark R. Thompson, “China and The ‘Singapore Model’” (Trung Quốc và “mô hình Singapore”, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 27 (tháng 1 năm 2016): trang 39-48.

 

TRUNG QUỐC VÀ MÔ HÌNH SINGAPORE

Tác giả: Stephan Ortmann & Mark R. Thompson

Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên [Nhóm Tinh Thần Khai Minh]

 

Stephan Ortmann là giáo sư trợ giảng [assistant professor] ngành kinh tế chính trị tại Đại học Đô thị Hồng Kông. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Politics and Change in Singapore and Hong Kong: Containing Contention (2010).

Mark R. Thompson là trưởng khoa Nghiên cứu châu Á và quốc tế và giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Đô thị Hồng Kông. Năm 2007-2008, ông là nghiên cứu sinh theo chương trình Lee Kong Chian Đông Nam Á tại Đại học Stanford và Đại học Quốc gia Singapore.

 

Với cái chết của nhà lãnh đạo sáng lập Singapore Lý Quang Diệu hồi tháng 3 năm 2015, và chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các phương tiện truyền thông quốc tế và Trung Quốc đã đưa hàng loạt câu chuyện về mối quan tâm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đối với “mô hình Singapore” về sự cai trị tốt kết hợp với chế độ độc tài. Các tờ báo chính thức của Trung Quốc đã ghi nhận những “làn sóng Singapore nóng hổi” kể từ khi “nhà cải cách vĩ đại” của Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên đến thành phố-quốc gia Đông Nam Á hồi năm 1978.

Sự mê đắm của Bắc Kinh đối với Singapore đã được minh chứng trong suốt năm 2012 tại cuộc chuyển giao quyền lực mười năm một lần bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), ở đó đề cập đến thành phố-quốc gia Singapore nổi bật. Cơ quan ngôn luận của một trường Trung ương Đảng dưới quyền Tập Cận Bình đã hết sức ca ngợi Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) vì “hiệu quả cao, tính liêm khiết, và sức sống” của đảng này qua nhiều thập kỷ cầm quyền độc đảng. Hơn nữa, khắp nơi người ta đồn đoán rằng động cơ chống tham nhũng của họ Tập là một phần trong nỗ lực thiết lập một nền công vụ dựa trên tài năng, mô phỏng theo mô hình của PAP. Theo cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo, họ Tập đã hào phóng khen ngợi Singapore hồi cuộc họp tháng 11 năm 2013, và trong bức thư chia buồn gửi tới chủ tịch Singapore Tony Tan sau cái chết của Lý Quang Diệu, họ Tập gọi ông Lý là “người bạn cố tri của nhân dân Trung Quốc.”1

Trung Quốc vẫn còn bị ám ảnh về Singapore, đây là quốc gia duy nhất trong khu vực đã đạt tới sự công nghiệp hóa và nền kinh tế tiên tiến mà không cần trải qua quá tình tự do hóa chính trị nào đáng kể. “Bài học” then chốt mà Trung Quốc đang cố gắng tìm hiểu là làm thế nào để kết hợp chế độ độc tài với sự “cai trị tốt” (sự cai trị độc đảng dựa trên “chế độ nhân tài”). Điều này cũng phù hợp với các mục tiêu chính trị mà họ Tập đặt ra, được gọi là “Bốn Toàn diện”, vừa tìm cách phát triển một “xã hội tương đối thịnh vượng” trong khi vẫn tăng cường cải cách kinh tế và nền pháp quyền, cũng như kỷ luật đảng. Việc đánh giá mức ảnh hưởng của mô hình Singapore đối với các quá trình này sẽ giúp làm rõ việc Trung Quốc tích cực tuyên truyền về chủ nghĩa độc tài tinh hoa như một mô hình cai trị, và chỉ rõ những thách thức mà nó gây ra đối với những người ủng hộ dân chủ hóa.

Tác động của “mô hình Singapore” đối với Trung Quốc cho thấy rằng kinh nghiệm từ các quốc gia phi dân chủ không nhất thiết là một hiện tượng “modular” ngắn hạn như một phản ứng, mà có thể là một hiện tượng dài hạn và được thể chế hóa cao độ. Giới lãnh đạo Singapore đã cẩn thận hệ thống hóa mô hình quốc gia của họ, để dạy cho hàng ngàn quan chức chính phủ Trung Quốc đang háo hức đến thăm thành phố-quốc gia này để tìm hiểu bí quyết của nó. Điều này làm cho “mô hình Singapore” trái ngược với những mong đợi thường thấy về việc “học tập chính trị”: Thay vì một cường quốc sử dụng sức ảnh hưởng để mang đi phổ biến kiểu chế độ của nó, thì ở đây một quốc gia nhỏ và khá không quan trọng lại đi dạy cách tiếp cận cai trị của nó cho các “học sinh” (các quan chức chính phủ) của một cường quốc, thông qua các khóa học được thiết kế cẩn thận, các ấn phẩm chính thức và không chính thức, những lời khuyên trực tiếp cho chính phủ, và một khu công nghiệp đặt ở Trung Quốc. Bằng cách này, Singapore tích cực khuyến khích mô hình tăng trưởng kinh tế đi cùng với sự ổn định chính trị của nó như một sự thay thế “phản bá quyền” cho cái gọi là đồng thuận về dân chủ – tự do.

Tuy nhiên, ngày càng thấy rõ rằng Trung Quốc chỉ thấy những gì nó muốn thấy ở Singapore, điều này khiến cho cái “bài học” mang tính hình thức hơn là thực tế. Chìa khóa thành công của Singapore trong việc trở thành một xã hội vừa hiện đại vừa độc tài không chỉ đơn thuần là nhờ sự hà khắc được thiết kế một cách cẩn thận, mà còn nhờ khả năng thúc đẩy chế độ nhân tài, trong khi vẫn cho phép một mức độ hạn chế về sự cởi mở chính trị và sự đối lập chính trị quy mô trong một xã hội đa văn hóa. Những cuộc đàn áp thẳng tay gần đây của Trung Quốc đối với những người bất đồng chính kiến, cùng với việc siết chặt không gian chính trị hạn chế, vốn được cho phép trong suốt giai đoạn hậu thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, thực sự đẩy Trung Quốc đi xa hơn là về phía mô hình Singapore. Là một siêu cường “cô độc” mới nổi cùng với một vài quốc gia ngang hàng để có thể tự so sánh với bản thân, Trung Quốc coi Singapore là một mô hình chính trị duy nhất có thể đưa ra những bài học áp dụng. Tuy nhiên, dù cho chiến thắng long trời lở đất của đảng cai trị lâu đời PAP trong cuộc bầu cử năm 2015, Singapore dường như lại di chuyển theo hướng ngược lại, với phe đối lập ngày càng củng cố và các ràng buộc độc đoán ngày càng nới lỏng.

Trung Quốc bắt đầu bị mê hoặc bởi hệ thống chính trị của Singapore như một mô hình quan trọng sau hậu quả của những cuộc đàn áp bạo lực đối với phong trào sinh viên Trung Quốc hồi năm 1989. Trong chuyến công du miền nam nổi tiếng vào năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã khẳng định rằng Trung Quốc nên học hỏi thành phố-quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này và rồi cuối cùng sẽ vượt qua nó. Phát biểu này đã đẩy mạnh mối quan tâm về mô hình quản trị Singapore trong các học giả và quan chức Trung Quốc. Hàng chục cuốn sách và hàng ngàn bài nghiên cứu đã được xuất bản trong hơn một phần tư thế kỷ qua, và hàng năm số lượng này lại tăng lên cả ngàn bản. Kể từ năm 1990, hơn 22.000 cán bộ trung ương và địa phương ở Trung Quốc đã đến thành phố-quốc gia Singapore để tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của việc cai trị quốc gia và địa phương, họ tham quan gần như tất cả các Bộ, cơ quan chính phủ, và hội đồng luật pháp. Thậm chí trường đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đã mở ra một chương trình phù hợp dành riêng cho các quan chức Trung Quốc, còn được gọi là “lớp học của các thị trưởng”.2

Nhiều học giả và quan chức Trung Quốc sau khi đến thăm đảo quốc này đã bắt đầu bị ám ảnh bởi vấn đề về cách mà Singapore đã thành công trong việc chống lại dân chủ hóa, bất chấp những áp lực của sự hiện đại hóa.3 Báo cáo tháng 11 năm 2008 của tờ Straits Times của Singapore nói rằng có “một lượng ngày càng tăng các học giả Trung Quốc đã bộc lộ rõ mối quan tâm đối với việc nghiên cứu sự phát triển nhanh chóng của Singapore về kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội hài hòa trong những năm gần đây.” Ví dụ, giáo sư lịch sử Lu Zhengtao của Đại học Nam Kinh lập luận trong cuốn sách mà ông xuất bản năm 2007 Singapore – Modernization Under Authoritarianism (Xinjiapo weiquan zhengzhi yanjiu) rằng thành phố-quốc gia Đông Nam Á này đã chứng minh rằng các quốc gia có thể hiện đại hóa thành công dưới sự cai trị độc tài, và CCP (Đảng Cộng sản Trung Quốc) cũng có thể phỏng theo cách thức này một cách thành công.4 Cuốn sách Why Singapore Can Do It (Xinjiapo weishenme neng) của Lü Yianli, với lời mở đầu do thủ tướng hiện tại của Singapore là Lý Hiển Long chắp bút, đã được tái bản đến 8 lần vào năm 2009.5 Lü cũng thành lập một trung tâm nghiên cứu Singapore tại Đại học Thâm Quyến.

Bắc Kinh tích cực khuyến khích việc nghiên cứu về Singapore, điều này được phản ánh ở thực tế là các dự án liên quan đến Singapore dễ dàng kiếm được nguồn tài trợ hơn các dự án về bất kỳ nước nào khác. Trên China Academic Journals Full-Text Database (Cơ sở dữ liệu các tạp chí học thuật của Trung Quốc) người ta chỉ tìm thấy 230 bài báo với cụm từ Xinjiapo (Singapore) được xuất bản trước năm 1992. Từ năm 2008, đã có hơn 800 bài báo đã được xuất bản mỗi năm, đưa tổng số lên 16.965 vào năm 2015.

Dường như Singapore đã chứng minh được rằng nền văn hóa châu Á có thể cung cấp một phương pháp thay thế cho nền dân chủ cạnh tranh. Các nhà quan sát Trung Quốc coi Khổng giáo, vốn nhấn mạnh rằng sự lãnh đạo về mặt đạo đức hơn là sự cạnh tranh chính trị, là thứ có ảnh hưởng lớn trong giới cầm quyền Singapore. Trong quá trình hình thành ý thức hệ, cái mà Jonathan London gọi là một chế độ “Leninist – thị trường”, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thử nghiệm một sự diễn giải ủng hộ cho chế độ dựa trên Khổng giáo.6 Rất lâu trước khi các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc tìm về giá trị Khổng giáo, chính phủ Singapore đã ban hành một bản tuyên truyền về “giá trị chung” dựa trên các nguyên lý Khổng giáo. Điều này đã trở thành một phần trong diễn ngôn về “giá trị Á Châu”, vốn tạo nên một chiến dịch chống lại việc áp đặt nền dân chủ tự do cho các xã hội châu Á trên cơ sở rằng những người dân không phải phương Tây (non-Western) vốn là những người có khuynh hướng độc đoán cố hữu.

Các lập luận về tính ưu việt của các giá trị châu Á phần lớn đã mất uy tín về mặt quốc tế trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi một số nhà phê bình phương Tây đã đổ lỗi cho thứ “văn hóa thân hữu” liên quan đến các giá trị châu Á rằng nó là một nguyên nhân của cuộc khủng hoảng.7 Tuy nhiên, đối với các nhà quan sát đồng tình với đại lục, thì phiên bản Khổng giáo của Singapore dường như củng cố sự thành công của PAP trong việc duy trì sự cai trị độc đoán, mà ở đó đảng cầm quyền được dẫn dắt bởi một tấm gương đạo đức, và hợp nhất cách hiểu gia trưởng về các quyền cá nhân như là thúc đẩy sự đồng thuận thay vì xung đột. Như một hệ quả của quá trình học tập này, các nhà cải cách của Trung Quốc đang sử dụng những bài học từ mô hình của Singapore trong những nỗ lực củng cố tính hợp pháp về mặt ý thức hệ của CCP, và tăng cường năng lực quản trị của độc đảng cầm quyền, từ đó làm giảm áp lực dân chủ hóa. Vào năm 2014, CCP đã ra lệnh cho các quan chức Trung Quốc tham dự các bài giảng về Khổng giáo, thứ vốn bị chửi rủa thậm tệ dưới thời Mao Trạch Đông. Chiến dịch này đã được mô tả như một nỗ lực nhằm chống lại sự khuếch tán của tư tưởng dân chủ phương Tây.

Các nhà quan sát Trung Quốc ngưỡng mộ cách ra quyết định ở Singapore, trong tinh thần của một nhà lãnh đạo Khổng giáo khôn ngoan, được đưa ra theo kiểu từ trên xuống vì lợi ích lâu dài của người dân. Họ cũng nhấn mạnh vai trò gương mẫu của Lý Quang Diệu.8 Các “nhà quan sát Singapore” của Trung Quốc đã tiếp tục lập luận rằng điều này chứng tỏ sự cai trị độc đảng tập trung tương thích với sự cai trị hiệu quả, đi ngược lại cái quan điểm toàn cầu vốn cho rằng sự quản trị tốt phải được phi tập trung và có sự tham gia của người dân. Điều này được CPP đặc biệt quan tâm, vì họ mong muốn củng cố thể chế chính trị của Trung Quốc song lại không muốn từ bỏ vai trò chủ đạo của Đảng. Thành công rõ rệt của Singapore trong việc diệt trừ tham nhũng đã là một nguồn cảm hứng lớn cho công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc hiện nay. Đặc biệt, việc thực hành trừng phạt tất cả mọi người như nhau và không dung thứ cho các quan chức cấp cao đã được rút ra từ kịch bản Singapore. Sự quản lý chặt chẽ và chuyên nghiệp xuyên suốt hệ thống cấp bậc đã đảm bảo thực hiện chính sách một cách nhanh chóng. Mục tiêu này rất có thể ẩn sau những nỗ lực gần đây của Tập Cận Bình trong việc tập trung sự kiểm soát chính trị của riêng mình.

 

Giữa ảo tưởng và thực tế

Mặc dù đã nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của Singapore trong hơn hai thập kỷ, nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã diễn giải sai lệch khi tìm kiếm đâu là những bài học kinh nghiệm thực sự mà thành phố-quốc gia Singapore dành cho Trung Quốc. Những điểm tương đồng ở bề nổi – rằng dân số của Singapore chủ yếu là người Hoa và rằng đảng cầm quyền PAP có một số đặc tính kiểu Leninist – đã che lấp những khác biệt quan trọng về thể chế, mà nhiều trong số này là di sản từ chế độ thuộc địa của Anh. Điều này một phần là do lối diễn giải lý tưởng của riêng PAP về lịch sử Singapore – cái gọi là sự đồng thuận Singapore, vốn đánh giá quá cao mức độ thành công thực tế của PAP và hạ thấp tầm quan trọng của thực dân Anh. Có một giai thoại phổ biến là khi PAP giành được chính quyền, thì Singapore vẫn đang là một đất nước tụt hậu về mặt kinh tế. Trên thực tế, vùng thuộc địa do Anh cai trị này là một trong những vùng lãnh thổ tiên tiến nhất thuộc Đế quốc Anh. Thay vì thay đổi Singapore, PAP đã dẫn dắt nó về phía tiến bộ hơn nữa theo quỹ đạo có sẵn từ trước.9

Một quan niệm sai lầm khác liên quan đến mức độ mà tài năng quy định địa vị của những người có tài trong chính phủ của Singapore: Mặc dù PAP có mức độ cạnh tranh dữ dội và trọng dụng nhân tài, song các nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền, theo sau kiểu mẫu thực dân, đã lựa chọn để thúc đẩy những người giống họ, với tỷ lệ không cân xứng thiên về nam giới, dân tộc Hoa, và thuộc tầng lớp thượng lưu, và những người này thường được chọn từ một nhóm nhỏ của các trường học tinh hoa và các gia đình có mối quan hệ tốt. Việc tuyển mộ trong phạm vi tinh hoa chật hẹp này hàm ý rằng “những người Singapore còn lại sẽ bị loại trừ ngay từ đầu theo định nghĩa [từ nhóm tinh hoa].”10

Mặc dù sự hạn chế về tự do dân sự khiến cho Singapore trở thành một chế độ phi tự do, song hệ thống chính trị Singapore vẫn giữ lại một vài đặc điểm của chủ nghĩa tự do gắn liền với thể chế. Jothie Rajah mới đây đã khẳng định rằng thực tế nền “pháp quyền” tại Singapore đang che giấu việc kiểm soát chặt chẽ đối với các quyền dân sự và chính trị. Những kiểm soát về mặt pháp lý này có thực hơn là chỉ mang tính hình thức, và đôi khi một số thẩm phán đã viện dẫn chúng để đưa ra những quyết định tỏ rõ sự sẵn sàng bất chấp ý kiến của đảng cầm quyền.11 Ví dụ, trong một trường hợp nổi tiếng vào năm 2014, Tòa án Tối cao đã bãi bỏ việc kết án giáo sư luật Tey Tsun Hang của Đại học Quốc gia Singapore, người từng viết một cuốn sách chỉ trích hệ thống tư pháp.12

Hơn nữa, trong việc đối phó với nạn tham nhũng, chính quyền Singapore đã áp dụng một quy trình pháp lý rõ ràng và minh bạch được thực hiện bởi một cơ quan độc lập là Cục Điều tra Tham nhũng, vốn bắt nguồn từ ủy ban chống tham nhũng lần đầu được thành lập vào năm 1952. Những ví dụ về sự độc lập tư pháp vừa nêu thường bị các quan chức Trung Quốc phớt lờ, họ đến Singapore chỉ để tìm kiếm sự chứng thực cho cái phiên bản về nền “pháp trị” của riêng họ. Cách tiếp cận của Trung Quốc chỉ đơn thuần là hệ thống hóa những thực tiễn độc tài vào trong luật, như việc diễn giải luật chống lại hành vi “cãi vã và gây rối” đã được viện dẫn để bắt bớ một loạt các nhà bất đồng chính kiến.13

Một điểm khác biệt quan trọng thường bị các nhà quan sát Trung Quốc xem nhẹ là hệ thống bầu cử của Singapore. Mặc dù không đạt được các nguyên tắc của nền dân chủ tự do, song nó vẫn khiến nền độc tài của Singapore mang tính cạnh tranh hơn nền độc tài của Trung Quốc.14 Các cuộc bầu cử ở Singapore có tính chất quan trọng vì nó buộc đảng cầm quyền phải bảo vệ chính sách của mình và đáp ứng các nhu cầu của công dân. Điều này đã trở nên cấp bách hơn khi sức mạnh của các đảng đối lập ngày càng tăng từ những năm 1980; sức mạnh của họ thể hiện trong các cuộc bầu cử năm 2011 đã lần đầu tiên đe dọa vị trí thống trị của đảng cầm quyền kể từ khi độc lập hồi 1965.

Thay vì đưa ra những cải cách lớn về mặt pháp lý hoặc bầu cử, Tập Cận Bình đã gạt bỏ rằng việc phân chia quyền lực và bầu cử cạnh tranh là “các ý tưởng phương Tây”. Ông đã tập trung quyền lực bằng cách nắm quyền điều khiển “các Tiểu ban Lãnh đạo” có ảnh hưởng nhất – các cơ quan thuộc đảng có trách nhiệm hoạch định chính sách. Mặc dù Singapore đã cho thấy việc quản trị tập trung là điều hiệu quả cho thành phố-quốc gia này, song hầu như không thể sao chép lại cách tiếp cận tương tự cho một đất nước rộng lớn và phức tạp như Trung Quốc. Theo Andrew Browne của tờ Wall Street Journal, việc ra quyết định dưới thời Tập Cận Bình đã trở nên gấp gáp hơn và khó dự đoán hơn, dẫn đến những đảo lộn chính sách chưa từng thấy.15

Thay vì cân bằng giữa cưỡng chế và kết nạp, họ Tập đã thắt chặt kiểm soát đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự, ngay cả khi họ không đưa ra thách thức trực tiếp tới sự cai trị của ông. Cuộc đàn áp gồm việc bắt giữ các nhà hoạt động về quyền phụ nữ, các luật sư nhân quyền, và các blogger. Mặc dù quan điểm chính thức của chính quyền Trung Quốc là ủng hộ quyền tự do tôn giáo, song nó đã buộc các nhà thờ Kitô giáo di dời thánh giá trong một nỗ lực rõ rệt nhằm làm giảm bớt sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Kitô giáo. Ngược lại, chính phủ Singapore đã đưa ra một cách tiếp cận được căn chỉnh tốt hơn. Lần cuối cùng các nhà đối lập bị bắt giữ theo Đạo Luật An ninh Nội bộ, vốn cho phép giam giữ không xét xử, là vào năm 1987. Sự náo động diễn ra sau đó đã khiến PAP phải sử dụng các phương pháp hợp pháp hơn trong việc ngăn cản phe đối lập và nuôi dưỡng một nền văn hóa của sự tự kiểm duyệt thay vì phải dùng đến sự đàn áp trực tiếp. Điều này đặc biệt rõ ràng trong cách tiếp cận của Singapore đối với việc kiểm duyệt Internet – chỉ có một vài trang web bị ngăn chặn.

Các nhà quan sát Trung Quốc đã diễn giải “khuynh hướng Khổng giáo” của Singapore theo cái nhìn một chiều. Dù được cổ võ bởi chính phủ Singapore, “các giá trị chung” đã thất bại trong việc tạo được sự đồng thuận ý thức hệ về xã hội đa sắc tộc xung quanh nền văn hóa Khổng giáo bảo thủ. Phần lớn các cuộc đàm luận bị hạn chế, chỉ giữ lại một vài “học giả chính thức của chính quyền”, đáng chú ý nhất là Kishore Mahbubani, Tommy Koh, và Bilahari Kausikan, thường được gọi chung là “trường phái Singapore”.16Trong khi đó, sự khôi phục Khổng giáo ở Trung Quốc đã trở nên phức tạp bởi cái thực tế rằng vẫn còn một phe theo chủ nghĩa Mao trong CCP đang tiếp tục chống lại việc đưa Khổng giáo du nhập vào trong xã hội Trung Quốc (tượng trưng bởi một hành động bí ẩn là di dời bức tượng lớn của Khổng Tử ở gần quảng trường Thiên An Môn giữa đêm khuya hồi năm 2011).

Chiến thắng vang dội của PAP trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9 năm 2015 của Singapore, giành 69,9% số phiếu phổ thông và 83 trong số 89 ghế trong quốc hội, có thể đã làm dấy lên những hy vọng cho các nhà quan sát Trung Quốc rằng thành phố-quốc gia khu vực Đông Nam Á này đã tìm thấy công thức thần kỳ để duy trì sự cai trị độc đảng. Tuy nhiên, ít ra phần nào các thành tựu bầu cử của PAP – ở năm 2015 nó đã giành được nhiều hơn gần 10% số phiếu phổ thông so với năm 2011 – đến từ một thực tế rằng năm 2015 đánh dấu cái chết của Lý Quang Diệu và kỷ niệm 50 năm độc lập của Singapore. Dù đạt được nhiều phiếu bầu, song PAP không thể giành lại các nhóm đại diện cử tri (GRC) mà nó lần đầu bị mất vào tay phe đối lập trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, vốn được coi là một thành tựu mang tính bước ngoặt cho những lực lượng chống đối chính quyền.17

Quan trọng nhất, PAP đã không còn ánh hào quang bách chiến bách thắng, điều này tạo ra một phe đối lập mạnh mẽ không thể tưởng tượng. Dù bị thất bại trong cuộc bầu cử năm 2015, các đảng đối lập vẫn có địa vị quan trọng trong bức tranh chính trị Singapore, với triển vọng thực tế về việc chiến thắng bầu cử trong tương lai. Sau sự nổi lên mạnh mẽ của phe đối lập vào năm 2011, PAP đã trở nên nhạy cảm hơn, Thủ tướng Lý Hiển Long đã công khai xin lỗi vì những sai lầm của đảng cầm quyền và hứa hẹn những cải thiện. Kể từ đó, PAP đã tăng cường sự tham gia của cộng đồng và đưa ra thêm nhiều chương trình xã hội để giải quyết các khiếu nại của người dân. Hơn nữa, việc không còn trực tiếp kiểm duyệt (cùng với bản chất đa nguyên hơn của các phương tiện truyền thông chính thống liên kết với chính phủ) đã hàm ý rằng diễn đàn công cộng ở Singapore sống động hơn song lại ít kiểm soát hơn so với những thứ mà ta nhìn thấy ở Trung Quốc.

Các cuộc bầu cử định kỳ ở Singapore, gồm các chiến dịch mạnh mẽ ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền, rõ ràng tương phản với Trung Quốc nơi thiếu vắng các chiến dịch trong bầu cử như vậy. Trung Quốc bắt đầu các thí nghiệm bầu cử cạnh tranh tại xã vào năm 1987, nhưng không áp dụng cho các cấp cao hơn. Ngoài ra, chất lượng của các cuộc bầu cử tại xã đã bị đặt vấn đề một cách nghiêm túc, về việc mua bán phiếu bầu và các hình thức vận động mánh khóe làm lệch tiến trình bầu cử.18 Hơn nữa, trung ương không hề giảm mức kiểm soát đối với các địa phương, và do đó phủ nhận quyền tự chủ cần thiết để quản trị hiệu quả của địa phương.

 

Một siêu cường cô độc

Gần đây, với lập trường ngày càng gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, quan hệ địa chính trị của Singapore với Trung Quốc đã nguội lạnh hơn. Nhưng ngay cả trong quá khứ, dù có quan hệ thân cận với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, song cựu thủ tướng Lý Quang Diệu đã làm rõ rằng thành phố-quốc gia này cần phải thận trọng với Trung Quốc hơn là so với Mỹ.19 Trong những bí mật mà Edward Snowden hé lộ về sự giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã xuất hiện những tài liệu hợp tác tình báo rộng rãi giữa Singapore và Mỹ.20 Singapore vẫn không ngừng ủng hộ vai trò của Mỹ trong khu vực, gần đây nhất là bằng cách quyết định cho phép bốn tàu chiến hải quân của Mỹ hoạt động tại quốc đảo, có lẽ bởi mối lo tiềm ẩn về tác động của sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Singapore còn bận tâm rằng sáng kiến “một con đường, một vành đai” (hay “Con đường tơ lụa mới”) của Trung Quốc có thể làm giảm tầm quan trọng tương đối của Singapore đối với thương mại châu Á. Dù được quảng cáo rằng đây là một cơ hội cho Singapore, song các tuyến đường đất ngắn hơn nhiều có thể khiến nền thương mại Singapore bị chệch hướng đáng kể khỏi vùng eo biển Malacca. Những căng thẳng giữa hai nước có thể là nguyên nhân của những chỉ trích ngày càng tăng của Singapore về Trung Quốc. Điều này hiển nhiên là từ một số ý kiến tiêu cực của các blogger Trung Quốc bình luận về tầm vóc của Lý Quang Diệu ngay sau cái chết của ông (họ gọi ông “chỉ là một tên thị trưởng”), cũng như từ những câu hỏi được đặt ra về việc Singapore thực sự “Trung Quốc đến mức nào”.

Tuy nhiên, không hẳn nỗi ám ảnh của CPP về Singapore sẽ giảm sớm, dù cho Trung Quốc vẫn còn những nhận thức sai lầm về các yếu tố khiến Singapore thành công. Trung Quốc sẽ còn gặp khó khăn trong việc kiếm tìm một ý thức hệ, để củng cố cho công cuộc kết hợp sự cai trị độc tài tập trung với chính phủ hiệu quả và không tham nhũng, ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngày nay. Trung Quốc là một “siêu cường cô độc”, và điều này không chỉ vì sự cô lập chính trị ngày càng tăng trong khu vực do chính sách đối ngoại hiếu chiến của nó. Nó đang dịch chuyển vào một miền đất chưa ai biết tới, bằng cách nỗ lực hiện đại hóa trong khi vẫn duy trì nền độc tài, là cường quốc kinh tế duy nhất đang nổi lên trong thế kỷ 21 theo đuổi chiến lược này một cách nghiêm túc. Thay vì tìm kiếm sự ủng hộ của người dân thông qua các cuộc bầu cử, CCP đang ngày càng dựa vào lời kêu gọi chủ nghĩa dân tộc. Giới chóp bu cầm quyền nhấn mạnh “thế kỷ sỉ nhục” của Trung Quốc và vận mệnh lịch sử của nó; họ tìm cách phục hưng lại tư tưởng Khổng giáo bảo thủ, đưa ra những tuyên bố mở rộng lãnh thổ, và tiến hành phô trương sức mạnh quân sự. Những chính sách của nó gợi nhớ đến “con đường của Phổ” để trở nên hiện đại hóa và trở thành siêu cường hơn so với bất cứ mô hình chính trị nào ngày nay.

 

CHÚ THÍCH

  1. Cary Huang, “Communist Party Journal Suggests It Could Learn from Singapore’s PAP,” South China Morning Post, 23 tháng 10 năm 2012, scmp.com/news/china/article/1067561/communist-party-journal-suggests-it-could-learn-singapores-pap; “China’s Love of Lee’s ‘Singapore Model’ Ran Deep for Decades,” Bloomberg News, 23 tháng 3 năm 2015, www.bloomberg.com/news/articles/2015-03-23/china-s-love-of-lee-s-singaporemodel-ran-deep-for-decades; “How ‘Old Friend’ Lee Kuan Yew Influenced China,” China Real Time Report, Wall Street Journal, 23 tháng 3 năm 2015, http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2015/03/23/how-old-friend-lee-kuan-yew-influenced-china.
  2. Stephan Ortmann và Mark R. Thompson, “China’s Obsession with Singapore: Learning Authoritarian Modernity,” Pacific Review27 (May 2014): 433–55. Nicholas Kristof, “China Sees Singapore as a Model for Progress,” New York Times, 9 tháng 8 năm 1992.
  3. Hou Zanhua, “Xinjiapo Weiquan Zhengzhi Jiqi Zhuanxing” [Nền chính trị độc tài và sự biến đổi của nó tại Singapore], Wan xi Xueyuan Xuebao [Tạp chí Đại học Tây An Huy] 1 (2007): 9–13; Wang Wenzhi, Zhao Huibing và Cui Shouquan, “Xinjiapo yu “Minzuhua” Cajian Erguo Yuanyin Touxi” [Một phân tích toàn diện về việc Singapore gạt bỏ “làn sóng dân chủ hóa thứ ba”], Dongnanya zhi Chuang [Cửa sổ Đông Nam Á] 1 (2008): 26–31.
  4. Lu Zhengtao, Xinjiapo Weiquan Zhengzhi Yanjiu [Singapore: Hiện đại hóa dưới chủ nghĩa độc tài] (Nanjing: Nanjing University Press, 2007). Một ví dụ khác về thể loại này, xem Xia Guowei, “Xinjiapo Zhengzhi Tizhi Tanwei” [Tìm hiểu sự phát triển của hệ thống chính trị ở Singapore], Guangdong Nongdongshan Zhiye Jishu Xueyuan Xuebao [Tạp chí Đại học Bách khoa Quảng Đông AIB] 3 (1995): 18–22.
  5. Lü Yuanli, Xinjiapo Weishenme Neng [Vì sao Singapore có thể làm được], 2 quyển. (Nanchang: Jiangxi Renmin Chubanshe, 2007).
  6. Jonathan London, “Viet Nam and the Making of Market Leninism,” Pacific Review 22 (tháng 7 năm 2009): 373–97; Chen Jie, “The Impact of Reform on the Party and Ideology,” Journal of Contemporary China 4, số 9 (1995): 22–34; Daniel Bell, China’s New Confucianism: Politics and Everyday Life in a Changing Society (Princeton: Princeton University Press, 2010); Shufang Wu, “The Revival of Confucianism and the CCP’s Struggle for Cultural Leadership: A Content Analysis of the People’s Daily, 2000–2009,” Journal of Contemporary China 23, số 89 (2014): 971–91.
  7. Mark R. Thompson, “Whatever Happened to ‘Asian Values’?” Journal of Democracy 12 (tháng 10 năm 2001): 154–165.
  8. Benjamin Ho, “Learning from Lee: Lessons in Governance for the Middle Kingdom from the Little Red Dot,” East Asia, xuất bản trực tuyến vào ngày 5 tháng 10 năm 2015, tại http://dx.doi.org/10.1007/s12140-015-9248-0.
  9. Donald Low và Sudhir Thomas Vadaketh, Hard Choices: Challenging the Singapore Consensus (Singapore: National University of Singapore Press, 2014).
  10. Thum Ping Tjin, “Living with Myths: Silent Spaces of History,” Online Citizen Talk, 19 tháng 8 năm 2014, http://youtu.be/31b8WeqasQs; tương tự, xem Michael D. Barr, The Ruling Elite of Singapore: Networks of Power and Influence(London: I.B. Tauris, 2014).
  11. Jothie Rajah, Authoritarian Rule of Law: Legislation, Discourse and Legitimacy in Singapore (Cambridge: Cambridge University Press, 2012).
  12. Tey Tsun Hang, Legal Consensus: Supreme Executive, Supine Jurisprudence, Suppliant Profession of Singapore (Hong Kong: Hong Kong University Press, 2011).
  13. Andrew Nathan, “The Authoritarian Resurgence: China’s Challenge,” Journal of Democracy 26 (tháng 1 năm 2015): 156–170.
  14. Minxin Pei, “The Real Singapore Model,” Project Syndicate, 26 tháng 3 năm 2015, project-syndicate.org/commentary/china-misappropriates-singapore-model-byminxin-pei-2015-03.
  15. Cary Huang, “How Leading Small Groups Help Xi Jinping and Other Party Leaders Exert Power,” South China Morning Post, 20 tháng 1 năm 2014, scmp.com/news/china/article/1409118/how-leading-small-groups-help-xi-jinping-and-other-partyleaders-exert; Andrew Browne, “The Whiplash of Xi Jinping’s Top-Down Style,” Wall Street Journal, 23 tháng 6 năm 2015, www.wsj.com/articles/the-whiplash-of-xis-top-downstyle-1435031502.
  16. Beng-Huat Chua, Communitarian Ideology and Democracy in Singapore (London: Routledge, 1995); Ian Buruma, “Ian Buruma Replies” (to Kishore Mahbubani, “The Singapore Difference”), New York Review of Books, 23 tháng 9 năm 1999, nybooks.com/articles/archives/1999/sep/23/thesingapore-difference; Donald K. Emmerson, “Kishore’s World,” Journal of Democracy24 (tháng 7 năm 2013): 166–177. Nhưng đạo Khổng ở Trung Quốc vẫn áp đặt từ dưới lên trên; chính quyền địa phương trong vai trò “các nhà cải cách ý thức hệ” đã chuyển sang cộng tác với nó nhằm củng cố tính hợp pháp của các cơ quan địa phương; xem Pan Qin, “StateSociety Relations and Confucian Revivalism in Contemporary China” (PhD diss., City University of Hong Kong, 2013), 33.
  17. Stephan Ortmann, “Singapore: Authoritarian but Newly Competitive,” Journal of Democracy 22 (tháng 10 năm 2011): 153–164.
  18. Tonglong Zhang, Linxiu Zhang, và Linke Hou, “Democracy Learning, Election Quality and Voter Turnout: Evidence from Village Elections in Rural China,” China Agricultural Economic Review 7, số 1 (2015): 143–155.
  19. Lý Quang Diệu, Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China, the United States, and the World, biên tập bởi Graham Allison, Robert D. Blackwill, và Ali Wyne (Cambridge: MIT Press, 2013).
  20. Tan Teck Boon, “Revelation of U.S.-Singapore Intelligence Cooperation Won’t Hurt Regional Ties,” International Policy Digest, 15 tháng 1 năm 2014, international-policydigest.org/2014/01/15/revelation-of-u-s-singapore-intelligence-cooperation-wonthurt-regional-ties, và Murray Hunter, “Is Singapore Western Intelligence’s 6th Eye?” Asia Sentinel, 9 tháng 12 năm 2013, www.asiasentinel.com/politics/singapore-western-intelligence.

 

Nguồn: Stephan Ortmann & Mark R. Thompson, “China and The ‘Singapore Model’” (Trung Quốc và “mô hình Singapore”, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 27 (tháng 1 năm 2016): trang 39-48.