“Ba cán bộ chiến sỹ công an hy sinh, một đối tượng chống đối chết”.
Đó là những gì chúng ta đọc được từ tờ Công an Nhân dân. Vỏn vẹn vài dòng tin. Trên Facebook xuất hiện thêm mấy lời đồn như “thiêu sống”, “lựu đạn”, “3000 quân sao lại là anh”. Rồi VTV đúc kết sự việc bằng cách phát một bản tin kết tội, như thể làm thay nhiệm vụ của toà án.
Trong một trận càn khốc liệt như thế này, báo chí ở đâu? Các trang tin vốn săn tin nhanh như chớp, lúc này sao không xuất hiện? Người ta đang phải truyền tai nhau những tấm ảnh chụp màn hình gởi từ một trang Facebook nào đó, tin tuồn ra không được xác thực từ những người “trong cuộc”, một vài cuộc gọi được ghi âm – tất cả mơ hồ như thể ta đang trong phải sống giữa thập niên 80 hay là trước đó.
Tiếp cận lấy vài dòng tin ít ỏi ấy, chúng ta lấy tư cách gì mà tranh luận rằng người dân không nên dùng bạo lực, hoặc nên. Chúng ta có thông tin gì mà nhận định về họ, lên án họ, hay thậm chí là hướng dẫn họ? Chúng ta chẳng biết gì để lạm bàn, và mớ lý thuyết về phi bạo lực, dù có cao siêu đến mấy, cũng không bao giờ áp dụng được nếu anh không rõ bối cảnh thực tế là gì.
Khi thiếu vắng thông tin, những người có lương tâm trở nên ngập ngừng với chính quan điểm của mình (“người dân làm thế có chấp nhận được hay không, đó có gọi là tự vệ chính đáng?”), hoài nghi lòng trắc ẩn của mình (“những người công an đó có chết thật không hay chỉ là dàn dựng?”), và rồi trăn trở đi tìm câu trả lời cho hàng chục hàng trăm câu hỏi khác – một cách bất lực.
Không chỉ người dân Đồng Tâm cùng những người đã chết trong trận càn hôm qua, những người có thể đang bị tra tấn trong đồn hôm nay, những người sẽ bị kết án mười mấy năm tù ngày mai, là nạn nhân của chế độ này. Sự bưng bít thông tin biến tất cả những ai có lương tâm trở thành nạn nhân của nó. Không loại trừ chúng ta.