Con chuột nhắt của Dostoievsky

Những ngày sống trôi nổi với văn chương đã qua từ lâu. Hôm nay lần giở cuốn “Trái tim yếu mềm” của Dostoievski, đọc lại Bút ký dưới hầm, thấy một bầu trời khác lạ.

Có phải khi con người lớn lên, thế giới quan cũng trở nên cằn cỗi hơn để từ đó biết gạn lọc tinh hoa mà hấp thụ theo cái cách thấm đẫm hơn chăng?

“Cái giả thuyết đó tôi cho có vẻ càng đúng hơn nếu ta xét cái phản đề của con người bình thường, nghĩa là của con người có ý thức sáng suốt, con người không phải sinh ra từ lòng bà mẹ thiên nhiên, mà từ một sự bóp méo nào đó (nói thế nghe có vẻ thần bí, nhưng tôi vẫn ngờ đúng như vậy); cái con người bị bóp méo đó khi đứng trước phản đề của hắn bỗng nhiên phải nép mình lại và nhường bước, đến độ chính hắn phải tự coi hắn là một con chuột nhắt chứ không phải một con người.” (Dostoievski)

Rõ ràng mình đã hiểu khác đi rất nhiều so với xưa kia. Cái nào mới là đúng đắn, là cô nhỏ ngây thơ đã đón nhận câu từ bằng một tấm lòng tử tế, hay là một con người già nua lần dở triết lý bằng sự xét nét đay nghiến của hắn ta?

Lại nói chuyện văn chương.

Thì quá lâu rồi mình có đọc gì đâu. Ngày cấp 3, cứ mấy ngày lại chạy ra tiệm để in một tập sách dày chữ nhỏ chi chít. Mình cứ dặn chú là in hai trang pdf trên một mặt A4 cho tiết kiệm.

Đọc hết cuốn này tới cuốn kia, nói chính xác là hơn ngàn cuốn từ truyện tây truyện ta tới kiếm hiệp của tàu. Trước còn nghĩ là sẽ không thi đại học mà đi lang thang như VanGogh, phiêu bạt chơi bời với chữ nghĩa, hoặc cùng lắm thì “ra bắc vào nam, trăng gió đề huề thơ một túi” như vợ chồng quan Phó Sứ giữ lăng.

Thế mà chẳng hiểu sao lại trôi nổi tới đây. Nghĩ thấy mới hai mấy tuổi đầu mà cứ dạt hết chỗ này tới chỗ khác, cũng nực cười. Biết rồi mai mốt lại đi đâu?