Gửi chị Mị: Một đêm Đài Bắc, mùa thu

Chị mến,

Nhận được thư chị, em thấy thực biết ơn.

Được tin chị sẽ đăng ký học bổng, em thấy vui. Có thể chị em mình sẽ gặp nhau ngoài này, biết đâu đấy. Những chuyện vụn vặt miễn cưỡng bên lề, mong là chúng không làm chị khắc khoải nhiều. Nhưng nỗi buồn luôn là một điều đẹp đẽ và cần thiết, chị có nghĩ vậy không, khi chúng làm cho thế giới xúc cảm trong mình trở nên đa thanh đa sắc và đời sống tinh thần cũng phong phú hơn. Và chúng cho mình một trải nghiệm rõ ràng để quyết rằng ta nên chọn điều gì.

Em hiểu rằng việc đối mặt với những điều phiền nhiễu quả là đáng ngán, nhất là khi tầm vóc con người mình đã lớn hơn cái bầu trời chật chội mà mình cố rúc vào vì nhiều lẽ. Đó là một bầu trời không có những cơn gió lồng lộng và thảm rừng thẳm xanh, không có nắng ấm tràn trề và mưa giăng phóng khoáng, thực không có hương vị của tự do và man dại. Em tin, dù chị có chọn con đường nào chăng nữa, thì cái tâm hồn vốn rất wild and free một cách mạnh mẽ của chị rồi cũng sẽ thôi thúc chị sống nhiệt thành. Nguyện rằng điều ấy sẽ khiến chị luôn được hạnh phúc.

Còn chuyện của em thì, vậy là em đã đặt chân tới Đài Loan (và lại sắp quay trở lại Băng Cốc để hoàn thành cái thủ tục visa rắc rối hết sức). Thời tiết bên này dễ chịu, về chiều trời sẽ lành lạnh giống như cái không khí đầu đông ở Hà Nội mình. Lại còn có những cơn mưa phùn, rất nhẹ.

Lần này đi, em biết sẽ còn rất lâu sau mình mới trở về. Chọn làm một người hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là một lựa chọn mang nhiều rủi ro, chị biết đó. Và trong số những rủi ro đó, có một khả năng là em sẽ khó lòng đi ra ngoài lần nữa nếu em quay lại Việt Nam, em e rằng như vậy. Vậy nên em phải đi, phải học, cho đến khi nào thấy đủ để không cần phải đi tiếp nữa. Để khi trở về, em có thể dùng hết sức mình – một cách hiệu quả – mà gầy dựng một Việt Nam đáng sống hơn.

Trước nay em vẫn chọn con đường ấy, nhưng quả thực đã cứ để cho mình được thoải mái với những phương án B và phương án C và D và E, tức là vẫn có đường lùi. Nhưng bây giờ em đã cắt mọi ngả rẽ của mình rồi, chị ạ. Bắt đầu, như chị nói về cái hình ảnh của một mũi tên khi ra khỏi cung, chỉ có thể lao tới mà thôi.

Biết vậy nên trong em dần cảm thấy chấp nhận, tuy rằng không được thoải mái cho lắm, với cuộc sống hiện tại. Thì, dẫu có đang sống trong một quốc gia dân chủ với bầu không khí sôi nổi đến mấy chăng nữa, thì vẫn thiếu cái vị của quê nhà.

Nhưng nỗi nhớ và niềm thương chỉ thoảng đến trong em khi em lọ mọ gõ những dòng này, ngồi lẩn khuất trong bóng tối của văn phòng lúc nửa đêm, và ngoài kia trăng sáng rực trên nền trời trong vắt. Còn ngày thường, em đắm chìm trong công việc đến nỗi quên mất những xúc cảm cá nhân có đôi phần vụn vặt. Em thật yêu cái nghề này, nó gắn chặt với những giá trị mà em tin yêu về sự tự do và lẽ công bằng. Mỗi bài báo em viết ra, mỗi án lệ mà em đọc ngẫm, mỗi thiết chế dân chủ mà em khám phá, tất cả đều khiến em rạo rực. Như thể trong huyết mạch có một niềm sôi nổi dâng trào, nhất là khi nghĩ rằng cái công việc mình đang làm nó giúp cho nước mình trở nên ngày một đáng sống hơn.

Hiện giờ em chỉ còn gặp đôi chút khó khăn trong việc phải đối mặt với một (vài) mối quan hệ khó gọi tên. Nhưng em sẽ chóng giải quyết được nó, bởi ưu tiên số một lúc này của em là công việc. Em sẽ ổn mà, phải không chị?

Mà, chị có thường gặp bác Bạch Châu không? Em nhớ bác ấy quá. Những câu chuyện về thời trẻ của bác, mấy con búp bê Nga trên kệ tủ, lọ hoa thơm, và căn nhà trong hẻm vắng. Hôm rồi em thấy chị có chụp ảnh cùng bác ấy. Bác vẫn khỏe và vẫn hăng say với cuộc sống chứ, phải không chị. Thật mong một lúc nào đó được gặp bác và chị, nhưng biết rằng cơ hội có hơi mong manh. Nhưng có làm sao, những lá thư như này cũng đã làm em hạnh phúc.

Thật mong thư chị.

Đài Bắc, ngày 6 tháng 11 năm 2017
Em Vi Yên