Thơ ba

Cữ này, Mang Chủng giữa hạ, đêm sương, ba tôi cởi trần ngồi trước hiên kéo một điếu dài, chập chờn.

Thường ngày ông nói cười vô lo ngạo nghễ, mà sao cứ tháng Sáu về, thảng hoặc tôi lại thấy ông trầm ngâm nhẩm lại đôi câu thơ cũ:

“Ta khao khát một chiều đông mưa dội
Ngọn triều dâng phủ lấp bờ dương
Ta thèm nghe gió cuốn chéo mặt đường
Tiếng rít, tiếng gào hú dài trên tàn lá…”

Ba tôi viết không nhiều thơ, tự trẻ tới nay đếm lại đâu tầm vài trăm bài. Ngày nhỏ, tôi lấy mấy cuốn tập ố vàng nhàu nhĩ của ông để học đánh máy. Bởi đó mà thuộc làu từng chữ. Và cũng bởi đó mà tôi cảm ông, có lẽ còn nhiều hơn cả chính tôi.

“…Dẫu em hát giọng thăng trầm
Du dương
nhún nhảy
Ta vẫn nghe lợm giọng chua nồng
Những lời dối trá
Không trách em bán tiếng hát cho đời
Không trách anh mỗi dòng tính từng chén gạo
Mỗi nốt nhạc bay ra
cứa lòng người biết nghĩ
Thương quê mình nghèo
Thương trẻ đói cơm…”

Cái hôm lật tới trang thơ nầy, cuốn thứ hai, cái cuốn có đề một câu tựa ngắn “những bước chai sần, một thời lưu lạc”, dưng bầu trời thơ trẻ non nớt trong tôi bỗng trở nên cuồn cuộn bão dông, tơi tả, bịt bùng.

Hôm bữa, trong cuộc gọi nửa đêm đệm dăm tiếng ễnh ương vẳng lại từ thửa ruộng ngập nước sau nhà, ba tôi buồn buồn mà nói rằng ông phiền muộn vì “má ba kể con nghe chuyện đời sớm quá”. Tuổi thơ, rồi tuổi trẻ, ông thấy tôi chẳng được mấy lúc hồn nhiên.

Ba tôi đâu biết, có không kể dạy gì chăng nữa thì tâm tính tôi cũng đã lỡ sôi sục sự đời theo giọng thơ ông. Để rồi trong những ngày này, mỗi bước đi tưởng nhiều toan tính mà hóa ra lại bất cần, tưởng cẩn trọng mà xem chừng bất chấp.

Tôi cười nói, thôi thì đành vậy, lỡ làm con của má ba.