Tháng Mười này là bước sang năm thứ bảy mình chưa quay lại Việt Nam.
Mình chưa thể về, và có lẽ sẽ còn trong tình trạng lang thang này lâu lâu nữa, cho đến khi nào mình cảm thấy sẵn sàng từ bỏ cuốn hộ chiếu, hoặc để trở về quê nhà hẳn, hoặc trở thành một người lưu vong. Thái độ dứt khoát và hành xử gay gắt của an ninh Việt Nam đã đưa mình, một người có quá nhiều sự tự vấn trong tâm trí cũng như luôn bồn chồn mỗi khi bắt tay vào làm cái gì đó, đến chỗ phải quyết đoán hơn để thích ứng với hoàn cảnh đồng thời phải trở nên kiên nhẫn hơn với cuộc đời.
Một cách kỳ khôi, mình thấy biết ơn tình trạng lưng chừng của những năm qua. Nó thôi thúc mình đi khám phá những câu hỏi rằng quốc gia là gì, hai chữ ấy có ý nghĩa như thế nào và ý nghĩa ấy được hình thành từ đâu, và, về mặt lý thuyết, liệu con người có nên để cuộc đời phụ thuộc vào những đường biên và cột mốc địa lý.
Khi còn nhỏ, mình bị ảnh hưởng sâu sắc bởi ý thức về quốc gia và dân tộc. Một bài văn trong cuốn tập đọc hồi xưa, bắt đầu bằng “lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà…”, đã luôn khiến mình xúc động mỗi khi đọc, cho đến khi mình biết rằng Ilya Ehrenburg, tác giả của tiểu luận trên, cũng là người đã viết rằng “người Đức không phải là con người… Hãy giết.” Thái độ ấy của ông chỉ là một trường hợp điển hình của một lớp người tương tự, cả ngày xưa lẫn ngày nay. Thế hệ của mình, xung quanh mình đây, cũng đâu ít người như thế – những người xem bất cứ ai chống lại dân tộc của họ thì đều không phải là người, hay, nói rộng hơn, những người tự cho bản thân thẩm quyền xem ai đó là người còn ai đó thì không.
Trong những ngày còn trăn trở về lòng yêu nước, mình tìm thấy Camus viết trong tập Những lá thư gởi người bạn nước Đức rằng “tôi xin lặp lại nhận xét của một người nọ, rằng tôi yêu đất nước tôi quá nhiều để mà làm một kẻ dân tộc chủ nghĩa.” Mình đã rất tâm đắc câu nói ấy, nhưng đồng thời, tự hỏi “Tôi có yêu Việt Nam đủ nhiều để không trở nên thế này mà trở thành thế khác hay không?”. Đó là một câu hỏi khó, cho đến khi chiến tranh xảy ra ở Ukraine, những người thanh niên bị chính quyền mà họ bầu ra ép phải ở lại quốc gia để chiến đấu chứ không được chối từ nguy cơ bước vào chỗ chết lẫn chối từ việc tước đi mạng sống của kẻ khác. Nhiều người bạn thân thiết của mình, những người yêu nước, đồng tình với điều đó. Riêng mình cảm thấy giận dữ: thà tự sát còn hơn để kẻ khác yêu cầu mình phải sống hay chết vì một điều gì đó, ngay cả khi đó là điều mình cảm thấy sẵn sàng chết vì nó. Và cũng chính vào thời điểm ấy, mình mới nhận ra mình yêu sự tự do trên hết, trên quốc gia, trên cả chính mình.
Trở về Việt Nam vào thời điểm này đồng nghĩa với việc từ bỏ phần nhiều sự tự do mà mình đang có. Không, mình không làm vậy. Hai chữ lưu vong, tuy khắc nghiệt, trở nên quyến rũ. Mình tìm đọc Arendt, Brodsky, Camus, và tất cả những tác giả mà mình tìm được, về lưu vong. Thế nhưng, đọng lại trong tâm trí mình lại là hình ảnh con chó bị ném ra không gian trong một khoang tàu vũ trụ, “và khoang tàu của anh chính là ngôn ngữ của anh,” như Brodsky viết. Mặc dù Brodsky có lẽ nói về hoàn cảnh lưu vong như một điều kiện cho sự viết, nhưng thứ ám ảnh mình lại là cảm giác về một chiếc tàu vun vút lao đi giữa không trung. Việc không thể trở lại không bất hạnh bằng việc không thể dừng lại. Như những người rời khỏi quê hương nhưng quê hương không rời khỏi họ, lấy lý do lưu vong làm động lực sống, tức là sống trong tư cách một con người lưu vong. Chỉ nghĩ tới thôi đã thấy mệt nhừ.
Sau một vài năm lang thang nghĩ suy như thế, mình dần trưởng thành khỏi những tình yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng dũng cảm, và cả sự tha thiết. Khỏi những ranh giới địa lý đã từng ràng buộc không chỉ ý hướng mà còn cả tình cảm của mình. Mình thấy tự do hơn. Và việc bước ra khỏi cuộc đời của chính mình, nhìn nó như một mảnh gương nhỏ phản chiếu đôi ba vấn đề của thế giới xung quanh, tiêu khiển bằng cách quan sát phân tích nó như một “trường hợp thí dụ”, có lẽ là thái độ đã giúp mình bình thản sống những năm qua, giữa những trúc trắc mà thế giới hỗn độn này đem lại.