Luật An ninh mạng lọt top 4 được tìm kiếm nhiều nhất trên Google

Báo cáo vừa ra mắt của Google cho thấy Luật An ninh mạng đã lọt vào Top 4 tin tức được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam năm 2018. [1]

Luật An ninh mạng bắt đầu gây bão kể từ những ngày đầu tháng Sáu, khi hàng loạt hội nhóm lên tiếng phản đối dự luật này. Những kết quả tìm kiếm trên Google về Luật An ninh mạng lên tới đỉnh điểm vào ngày 10/6, khi các cuộc biểu tình toàn quốc nổ ra nhằm phản đối dự luật Đặc khu và dự luật An ninh mạng đã thu hút hàng chục ngàn người xuống đường.

Song song với đó, những chiến dịch trên Internet cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Trong khi các bản kiến nghị phản đối Luật An ninh mạng của nhóm Hate Change và Save NET thu hút hơn 110,000 chữ ký [2], thì các tờ báo lớn như VOA, RFA, và BBC cũng liên tục đưa tin về luật an ninh mạng với mật độ dày trong nhiều tháng liền.

Bên cạnh đó, cư dân mạng cũng đã được chứng kiến một làn sóng phản đối Luật An ninh mạng rầm rộ, từ hàng loạt nhân vật nổi tiếng như Vlogger Dưa Leo, Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, chuyên gia Dương Ngọc Thái, hay giới nhân sỹ trí thức nhóm Lão Mà Chưa An, cho tới hàng trăm fanpage của các họa sỹ, các nhà nghệ thuật, giới phóng viên, và cả giới giải trí. [3] Thậm chí, phải kể tới tiếng nói phản đối của rất nhiều cá nhân hầu như trước đó chưa bao giờ lên tiếng về các vấn đề chính trị.

Có lẽ nhờ vậy mà đây là lần đầu tiên có một luật lọt vào top 10 tin tức Việt Nam được tìm kiếm trên Google, theo thống kê bắt đầu từ năm 2012, khi Google bắt đầu công khai các báo cáo về xu hướng tìm kiếm tại Việt Nam.

Trong suốt 4 năm đầu, thống kê của Google cho thấy các sự kiện thể thao – giải trí chiếm đến 8 tin trong số Top 10 tin tức, như ca khúc Gangnam Style, chương trình giải trí Giọng hát Việt, hay SEA Games. Số còn lại chủ yếu là các tin về công nghệ.

Mãi cho tới năm 2016, danh sách “xu hướng tìm kiếm trên Google” mới bắt đầu xuất hiện các tin tức về chính trị – xã hội. Đó là sự kiện Obama đến Việt Nam, và thông tin danh sách bộ chính trị khóa 12 sau Đại hội đảng cộng sản diễn ra vào tháng Một. [4]

Nhìn lại các thống kê của Google, có thể thấy rằng những vấn đề chính trị – xã hội ở Việt Nam đang dần có chỗ đứng trong mối quan tâm của người dân.

Điển hình, theo kết quả công bố của Google cuối năm ngoái, câu chuyện BOT Cai Lậy đã dành vị trí số 1 trong danh sách “Top 10 tin trong nước”. Thậm chí, cách đây 4 năm, thông tin World Cup từng xếp thứ 1, thì tới nay nó chỉ xếp thứ 6, thua hai bậc so với Luật An ninh mạng.

Đây hẳn là một kết quả đáng chú ý, và cũng là một chỉ dấu đầy tính cảnh báo dành riêng cho tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Trong vai trò Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông và cũng là nhân vật tích cực bậc nhất trong việc thúc đẩy thực thi Luật An ninh mạng, tướng Hùng cần phải biết rằng ông đang được quan sát bởi một lượng người dùng mạng không hề nhỏ.

[1] Kết quả thống kê của Google: https://trends.google.com.vn/trends/yis/2018/VN/

[2] Xem 3 bản kiến nghị của nhóm Hate Change và Save NET: https://www.change.org/o/hate_change

[3] Một vài nội dung về Luật An ninh mạng được chia sẻ và lan truyền rộng rãi:

– Video của Dưa Leo thu hút hơn 260,000 lượt xem: https://www.youtube.com/watch?v=XRRzcMGsGtc

– Status của Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai với hơn 10,000 lượt chia sẻ: https://www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai/posts/10215966894547536

– Bình luận của MC Phan Anh: https://www.facebook.com/phananhmc/posts/10155529243921198

– Bài viết của chuyên gia Công nghệ Thông tin Dương Ngọc Thái: https://vnhacker.blogspot.com/2018/10/nhat-ky-co-mo-40-ve-du-thao-03102018.html 

[4] Thống kê xu hướng tìm kiếm trên Google năm 2016: https://trends.google.com.vn/trends/yis/2018/VN/

#savenet
#phandoiluatanninhmang

48360004_2755603771331834_400400529487822848_n