Vi Yên; “Nền dân chủ ở Cambodia đang hấp hối hay nó vốn chưa bao giờ tồn tại?”; bài đăng trên Luật Khoa Tạp chí vào 26/9/2017 tại https://www.luatkhoa.org/2017/09/nen-dan-chu-cambodia-hap-hoi-hay-von-chua-bao-gio-ton-tai/
Những cuộc trấn áp và bắt bớ lãnh đạo đảng chính trị đối lập, cùng việc đóng cửa các tờ báo và cơ quan truyền thông độc lập, đã xảy ra dồn dập trong vòng một tháng qua ở Cambodia.
Những sự kiện này đã khiến cho nhiều người tuyệt vọng về nền dân chủ tại đây. Họ cho rằng nó đang chết dần chết mòn trong bàn tay đàn áp của đảng cầm quyền.
Mọi việc dường như bắt đầu trở nên rất tồi tệ gần một năm trước, khi vị cựu chủ tịch phe đối lập – Đảng Cứu nguy Dân tộc Cambodia (Cambodia National Rescue Party – gọi tắt là CNRP) – đã chính thức bị trục xuất khỏi đất nước.
Đến đầu tháng 9 năm nay, lãnh đạo đương nhiệm của CNRP, Kem Sokha, đã bị chính quyền Hun Sen bắt giữ tại gia với cáo buộc phản quốc.
Một ngày sau khi bắt giữ Sokha, thì tờ báo độc lập The Cambodia Daily cũng bị đóng cửa vì cáo buộc biển thủ thuế vô căn cứ.
Và vì thế, có lẽ là cũng có lý cho người ta cảm thán về cái chết đang được dự đoán trước của nền dân chủ Cambodia. Thế nhưng, nếu tìm hiểu sâu hơn, thì ta phải đặt lại câu hỏi, là liệu ở Cambodia đã bao giờ tồn tại một nền dân chủ thực thụ hay chưa?
Nền dân chủ ở Cambodia đã được thiết lập do can thiệp từ bên ngoài
Năm 1993, khái niệm dân chủ mới bắt đầu xuất hiện ở Cambodia. Cơ quan Chuyển tiếp Liên Hiệp Quốc (UNTAC) can thiệp vào nền chính trị nước này, và tổ chức một cuộc bầu cử tự do, công bằng đầu tiên.
Trong những năm 1980, Cambodia lún sâu trong cuộc nội chiến. Tới tháng 10 năm 1991, cộng đồng quốc tế gặp nhau tại Paris để vạch kế hoạch can thiệp và thiết lập hòa bình ở Cambodia. Và thế là Hiệp định Hòa bình Paris 1991 đã được các bên ký kết
Hiệp định này xác lập nhiệm vụ của UNTAC trong các vấn đề sau:
- Giám sát các cuộc bầu cử tự do và công bằng;
- Thúc đẩy tôn trọng nhân quyền;
- Tái định cư cho người tị nạn;
- Giải giáp các phe phái tham gia cuộc nội chiến;
- Thiết lập hệ thống luật pháp;
- Tái thiết các cơ sở hạ tầng.
Công bằng mà nói, đúng là UNTAC đã tổ chức được một cuộc bầu cử tự do, công bằng ở Cambodia, cũng như đã hỗ trợ tái định cư cho những người tị nạn. Song đến cuối cùng, nó vẫn không thể làm tròn vai trò đối với các vấn đề giải giáp các phe phái, tái thiết cơ sở hạ tầng và thiết lập hệ thống luật pháp.
Giấc mộng của UNTAC về tương lai cho Cambodia vốn là quá không tưởng và viễn vông. Nó đã nuôi hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến, xây dựng một chế độ nhân quyền bình đẳng với một bản hiến pháp mới. Tuy nhiên, UNTAC chỉ bỏ ra có tổng cộng 19 tháng để cố gắng thực hiện tất cả các điều đó ở Cambodia.
UNTAC mang một ý nguyện rõ là tốt đẹp đến Cambodia, nhưng cách thực thi lại sai lầm. Rốt cuộc, những nỗ lực can thiệp ấy đã không thành công như mong đợi.
Trái lại càng về sau, Hun Sen càng nhanh chóng tập trung quyền lực về tay mình. Đỉnh điểm là cuộc đảo chính đẫm máu lật đổ hoàng thân Norodom Ranariddh và toàn bộ giới hoàng gia năm 1997.
Từ đó đến nay, Hun Sen và đảng của ông – Đảng Nhân dân Cambodia (Cambodia People’s Party – CPP) – hoàn toàn chi phối nền chính trị Cambodia.
Văn hóa độc tài vốn luôn thắng thế ở Cambodia
Tất cả những sự kiện kể trên chỉ cho thấy Cambodia đang dần dần dịch chuyển trở lại mô hình lãnh đạo độc tài truyền thống, bất chấp những nỗ lực can thiệp từ quốc tế.
Thực tế, mô hình quản trị của Cambodia xưa nay vẫn tập trung vào các cá nhân – các nhà lãnh đạo độc tài mạnh mẽ.
Từ thời cổ xưa của vị vua Jayavarman VII huyền thoại, cho tới Quốc vương Norodom Sihanouk người giữ nhiều chức vụ nhất trong lịch sử Cambodia, và giờ đây là thủ tướng Hun Sen – người đã nắm giữ quyền lực đến hơn 30 năm.
Tất cả những ví dụ này là minh chứng cho truyền thống độc tài ấy. Rõ ràng là lịch sử, văn hóa, và truyền thống vẫn đang tiếp tục định hình quỹ đạo chính trị của Cambodia.
Thậm chí, ngay cả phe đối lập cũng chẳng thể hiện tinh thần dân chủ gì cho cam.
Trong nội bộ đảng chính trị đối lập lớn nhất, CNRP, quyền lực tập trung vào các cá nhân lãnh đạo như Sam Rainsy và Kem Sokha, hơn là vào các thiết chế đảng phái và lý tưởng của chính nó.
Có lẽ sẽ chẳng có gì bất ngờ – giả định là phe đối lập sẽ có cơ hội cầm quyền – khi chính những người này cũng sẽ thiết lập một kiểu cai trị độc đoán y như chính quyền Hun Sen.
Chính truyền thống độc tài đó đã khiến cho một nền dân chủ không thể vận hành thực sự ở Cambodia.
Mặc dù về mặt hình thức, Cambodia có mô hình nghị viện, đa đảng, và bầu cử. Thế nhưng, trong thực tế, Hun Sen đã tận dụng quyền lực của mình để “qua mặt” các thủ tục hiến pháp. Cho dù các thủ tục này được thiết kế ra để ngăn chặn độc tài, nhưng khi đặt vào trong bối cảnh người dân thờ ơ với dân chủ, thì chúng cũng chẳng còn hiệu lực gì nữa.
Để dân chủ vận hành, thì người dân cần phải ủng hộ nó.
Giáo sư Larry Diamond đã chỉ ra: “Một nền dân chủ chỉ thực sự được củng cố khi các công dân của nó tin rằng. một hệ thống chịu tuân thủ theo hiến pháp (hợp hiến) là điều phù hợp nhất cho đất nước. Bất kể là hệ thống đó hoạt động ra sao, hay ở trong bất cứ một khoảng thời gian nào.”
Liệu có giải pháp nào cho nền dân chủ Cambodia?
Muốn nền dân chủ có thể thực sự vận hành tại Cambodia, thì văn hóa đại chúng cần phải chuyển đổi trước.
Đất nước này nhất định phải từ bỏ nếp văn hóa phục tùng xưa nay, mà ở đó người dân coi mình là thần dân của một chế độ cai trị. Sau đó, dứt khoát chuyển hẳn sang một nền văn hóa dân chủ, nơi người dân coi họ là công dân của một quốc gia.
Chỉ có như vậy thì người dân mới tích cực tham gia vào đời sống chính trị, giám sát chính quyền, củng cố nhà nước pháp quyền, cũng như kiên quyết chống lại các khuynh hướng độc tài.
Lịch sử Cambodia đã chứng minh quá rõ rằng, quyền lực nước ngoài không bao giờ là câu trả lời cho những cải cách đúng đắn và thay đổi tích cực cho đất nước. Bới vì các cường quốc nước ngoài chỉ thường đến rồi đi, chứ không mấy gì bận tâm cho tương lai của Cambodia.
Chính vì vậy, điều cần thiết lúc này ở Cambodia không phải là những lời kêu gọi can thiệp thêm từ bên ngoài nữa. Mà ngược lại, điều kiện tiên quyết là phải có một nền văn hóa dân chủ trong nước.
Thế nhưng, để làm được điều này thì không phải là chuyện một sớm một chiều. Cambodia vẫn còn phải trải qua một con đường rất dài, thì mới có thể mong đạt được văn hóa dân chủ.
Những nỗ lực thiết lập một nền dân chủ bằng cách can thiệp từ bên ngoài, như câu chuyện của năm 1993, sẽ lại một lần nữa thất bại nếu người dân không ủng hộ dân chủ hóa.
Kỳ cùng của vấn đề nằm ở chính bản thân người dân Cambodia, ở sức mạnh tiềm tàng đến từ niềm mong muốn dân chủ tự do từ mỗi một người họ.
Tham khảo và bổ sung từ:
- Sothie Keo, Democracy in Cambodia did not die, it has yet to exist, The Diplomat, 17/9/2017.
- Cambodia Democracy Betrayed, New York Times, 11/9/2017.