Nghĩ về “hạnh phúc”

21/01/2014

Nhớ Lev Tolstoi từng nói rằng, “một trong những sai lầm kỳ quặc nhất là cho rằng hạnh phúc của con người là cảnh an nhàn.”

Không, với tôi thì điều đó nào phải là sai lầm đâu? Sao có thể quyết định hạnh phúc chính xác là điều gì đối với mỗi con người, khi mà sự thỏa mãn trong tâm hồn của mỗi người mỗi khác, bởi cái cách mà họ được sinh ra, cách mà họ sống, làm việc, vốn đã quá khác nhau rồi?

Nhiều khi tôi tự hỏi, hạnh phúc là gì. Có phải đạt được những ước vọng là hạnh phúc hay không, nếu vậy tại sao những người tự nhận mình thành đạt đôi khi lại ước ao một cuộc sống giản dị, bình thường, chán chường với những gì mình đã có, để rồi không còn cảm thấy trong tâm cái sự thanh thản cần có nữa. Và tại sao người có cuộc sống bình thường thì lại thèm muốn với những gì mình chưa có, để rồi không tìm thấy hạnh phúc ở nơi đâu?

Vậy tự làm cho mình cảm thấy đủ, có phải là điều tốt hay không? Khi ấy, tâm hồn sẽ nhẹ nhõm biết bao, như ta là kẻ hạnh phúc nhất trần đời. Nhưng như vậy, con người lại chạm đến cái ngưỡng tự mãn cho chính mình, và cảm thấy không cần phải phấn đấu tiếp vì những điều tốt đẹp. Vậy cuộc đời, liệu có còn đáng để sống nữa không?

Tự nghĩ, cái đích của cuộc sống vẫn là hướng tới sự hạnh phúc một cách tổng thể, và anh phải luôn làm việc trong sự đam mê của anh để gìn giữ sự hạnh phúc ấy, và nhân rộng nó ra, để niềm hạnh phúc không chỉ còn là cho riêng một cá nhân nữa. Nhưng đôi lúc người ta không cảm nhận được chính xác nó là gì, đành phải đi chệch đường, anh không đam mê, không khao khát, dù anh thành đạt trong mắt người khác nhưng vẫn chẳng thể nào tìm thấy sự thoải mái cho tâm hồn anh.