Thí nghiệm Asch: quy phục và dũng cảm

Mới tuần trước, mười bảy vị thẩm phán còn “đồng thanh tương ứng” gieo lá bài tử trong một vụ án còn nhiều khuất tất, thì tuần này, một người từng là đảng viên làm việc tại Sở Giáo dục Hòa Bình đã tuyên bố trước tòa rằng “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
 
Cái thói theo thời thuận thế mà lẩn khuất trong đám đông, bất chấp chân lý lẫn lẽ phải, hòng né tránh sự dòm ngó hoặc trục lợi cho bản thân là điều dễ thấy trước nay.
 
Vào những năm 1950, nhà tâm lý học Solomon Asch đã thực hiện một thí nghiệm tâm lý liên quan tới trải nghiệm này. Ông mời 50 nam sinh viên từ Đại học Swarthmore, Mỹ, tham gia một “bài kiểm tra thị lực”.
 
Đầu tiên, ông vẽ lên bảng một cột mốc X và ba cột A, B, C. Câu hỏi của ông là, hãy so sánh xem trong ba cột A, B, C thì cột nào cao bằng X. Nghe có vẻ khá dễ dàng cho các sinh viên đại học.
 
Tuy nhiên, ông đã mướn riêng bảy người khác hợp tác với ông, bảy người này sẽ trả lời theo chỉ định sẵn bất chấp đúng sai. Các sinh viên ngây thơ sẽ lần lượt ngồi ở vị trí thứ tám – để đưa ra câu trả lời sau cùng – và họ hoàn toàn không hay biết gì.
 
Qua hàng loạt các lần thử nghiệm, trong đó có nhiều lần bảy vị cộng tác viên đồng loạt đưa ra các kết quả sai để “thử lòng” anh sinh viên ngồi ghế sau cùng, Asch đã đo đạc và cho ra một kết quả bất ngờ: trung bình, gần một phần ba số sinh viên bị “lung lay” để rồi trả lời sai.
 
Tại sao họ lại có thể phạm một sai lầm ngớ ngẩn như vậy?
 
Khi Asch phỏng vấn những người này sau cuộc thí nghiệm, hầu hết nói rằng họ không thực sự tin vào câu trả lời của chính họ, nhưng họ không dám chống lại cả nhóm vì sợ bị chế giễu hoặc bị cho là “kỳ cục”. Thậm chí, một số người còn nói họ thực sự tin rằng câu trả lời của bảy vị đầu tiên là chính xác.
 
Thí nghiệm này về sau được gọi là “Thí nghiệm Phù hợp Asch”, thể hiện tâm lý con người mong muốn mình hòa hợp với cả nhóm hơn là đi ngược lại số đông.
Hai nhà khoa học khác là Perrin và Spencer cho rằng thí nghiệm Asch là “đứa con của thời đại”. Vào năm 1980, họ đã tái lập thí nghiệm Asch, ở đó họ mời các sinh viên từ nhiều ngành khác nhau tham gia. Trong số 396 thử nghiệm, chỉ có duy nhất một người hùa theo đám đông và đưa ra kết quả sai. Theo lý giải của hai nhà khoa học này, vào những năm 1950 ở Mỹ, giới sinh viên chưa có được sự tự do để chất vấn và phản biện. Thời cuộc đã thay đổi, khiến cho những sinh viên tham gia thí nghiệm đã bớt đi nhiều gánh nặng tâm lý và trở nên dũng cảm hơn khi đưa ra chủ kiến.
 
Việt Nam từ xưa tới nay vốn là một môi trường khắc nghiệt cho những tiếng nói bất đồng, khi người dân không chỉ gặp áp lực tâm lý từ xã hội với thứ quyền lực mềm cố hữu như trong thí nghiệm của Asch, mà còn từ một hệ thống chính quyền độc đoán với đủ các phương tiện vốn khiến người ta dễ chọn đánh đổi phẩm giá mà uốn gối khom lưng.
 
Nói như vậy không phải để bào chữa cho những hành động đi ngược chân lý và lẽ phải, mà để thấy rằng, giữa sự nhiễu nhương này, những ai dám lên tiếng bất kể bị dư luận bài bác hay chính quyền trừng phạt quả đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và lòng dũng cảm.
 
“Con mắt họa xanh đầu dễ bạc
Lưng khôn uốn lộc nên từ
Ai ai đều đã bằng câu hết
Nước chẳng còn có Sử Ngư!”
 
Cụ Nguyễn Trãi đã viết mấy câu trên trong Quốc âm thi tập, rằng nếu ai cũng cúi đầu khom lưng như lưỡi câu, thì quốc gia làm gì có được người như ông Ngư, vị quan chép sử nổi danh chính trực người nước Vệ?
 
Sáu trăm năm đã đi qua, tinh thần Nguyễn Trãi vẫn còn đây: chúng ta thấy đâu đó vẫn còn những Đại biểu Quốc hội đang nỗ lực làm tròn phận sự đại diện người dân, chúng ta thấy nhiều vị nhân sĩ trí thức chủ động bước ra khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản trong hành trình đứng về phía tri thức, chúng ta thấy hàng loạt nhà hoạt động vẫn kiên trì công việc đấu tranh cho tự do dẫu bị đàn áp đánh đập, và chúng ta thấy người người ở khắp nơi mạnh dạn lên tiếng cho việc quốc gia.
 
Nếu có cúi đầu, hãy cúi đầu trước họ, những con người giàu lòng dũng cảm.
image1