Chính quyền Việt Nam đối đãi với Facebook hệt như cái cách bà phó chủ tịch phường Bãi Cháy cư xử với chị gái bán rau: muốn chặn thì chặn, muốn thả thì thả. [1]
Bấy lâu nay người dùng mạng vẫn không hiểu lý cớ gì mà Facebook chậm chạp hẳn đi. Hôm qua, Reuters mới tiết lộ rằng do phía Việt Nam đóng các máy chủ của Facebook trong một thời gian dài, buộc Facebook phải đồng ý đẩy mạnh việc kiểm duyệt các bài viết “chống đối nhà nước” để băng thông bình thường trở lại. [2]
Đối với mỗi người dùng mạng, việc bóp băng thông Facebook đồng nghĩa mỗi người mất đi mấy mươi giây hoặc vài phút để phàn nàn trong lúc chờ đợi. Song, đối với cả quốc gia, chúng ta còn đang tự đánh mất đi một lực lượng kinh doanh lớn đang xem xét bước chân vào thị trường Việt Nam. Sau sự vụ này, thử hỏi doanh nghiệp mạng nước ngoài nào còn muốn làm ăn ở nơi mà chính quyền có thể thò tay vào nội bộ doanh nghiệp, đóng cái này, tắt cái nọ, đòi kiểm duyệt cái kia?
Một trong những lý do khiến cho Luật An ninh mạng của Việt Nam dậy sóng trên trường quốc tế hồi giữa năm 2018 là bởi nó đặt ra những quy định siết chặt không gian kinh doanh. Thấy trước tác hại của Luật An ninh mạng đối với nền kinh tế quốc gia, các chuyên gia của mười ba hội và hiệp hội ngành công nghệ thông tin đã đồng loạt đề nghị Quốc hội hoãn thông qua luật này, song bất thành. [3]
Hiện nay, theo số liệu của We Are Social, trong số hơn 96 triệu dân, có khoảng 65 triệu người Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội. [4] Facebook hiện là doanh nghiệp mạng xã hội lớn nhất mà còn bị chính quyền Việt Nam chèn ép bằng đủ cách từ luật pháp cho tới luật rừng. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi những ông lớn như Facebook, Google, Microsoft lại chọn đặt dữ liệu ở các nước như Singapore, Đài Loan, Hongkong, thay vì Việt Nam.
Còn nhớ, mới cách đây nửa năm, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết số 52 về cách mạng 4.0, với mục tiêu “kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025”, và “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á vào năm 2045”. [5]
Vậy mà ngay lúc này, chính quyền Việt Nam đã ưu tiên đặt mục tiêu kiểm duyệt không gian tự do trên mạng xã hội nhằm dẹp bỏ những ý kiến bất đồng đang thách thức sự tồn vong của chế độ, lên trên mọi thứ khác, kể cả thịnh vượng quốc gia. Đúng như những gì ông Trọng đã tuyên bố khi nhắc tới việc thông qua Luật An ninh mạng, rằng “cần luật này bảo vệ chế độ này, không thể để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.” [6]
Song chính quyền cũng nên nhớ, nếu không có những tiếng nói trên Facebook, có lẽ giờ này chị gái bán rau vẫn còn đang bị nhốt trong đồn công an phường Bãi Cháy. Và, bị gỡ bài trên Facebook, không có nghĩa người dân sẽ hết giận dữ trước một chế độ luôn đặt nặng lợi ích của chính nó lên trên chuyện quốc gia.
—
Chú thích: