Sau những chuyện buồn vui trong chuỗi ngày lênh đênh vừa qua, bây giờ dường như lòng tôi đã tĩnh lại. Cũng tới lúc tôi biết mình cần dừng chân đôi lát và tìm lấy một phòng trọ nhỏ. Bây giờ, buổi sáng tôi thường dậy từ rất sớm, đi bộ tới quán cà phê mua một ly sô-cô-la nóng hoặc trà xanh, rồi làm việc. Chiều trở về phòng tôi sẽ nấu vài món nhẹ, nghe mấy băng nhạc cũ kỹ, rồi cầm bút loay hoay.
Từ nhiều chuyến đi trong suốt hai năm vừa qua, chất liệu để viết thật phong phú khiến tôi ứ nghẹn tới nỗi chẳng biết phải sắp xếp từ đâu. Tôi cứ viết, rồi xé, vo tròn, quăng vào sọt rác, cứ vậy cho tới khi cuốn sổ đã vơi đi một nửa mà những trang đầu tiên vẫn còn để trắng. Có lẽ do tự tôi không chịu soạn ra một dàn ý cho rành mạch rồi theo đuổi nó như cái cách người ta vẫn thường làm. Bởi nếu thế, tôi thấy ngòi bút của mình bị mất đi sự tự do hiếm hoi mà nó đang tìm kiếm.
Tôi phải bắt đầu từ đâu? Ám ảnh từ đôi mắt em bé thơ ngây ở khu người Thượng Bang Yai, ngón tay run của cụ bà khi dò dẫm ký tên lên một tờ giấy xin tị nạn dày kịt những chữ Tây xa lạ, cho tới giọng cười sang sảng vô tư của đám bạn chẳng sợ đàn áp đọa đày. Tôi phải bắt đầu từ đâu? Vốn tưởng đơn giản mà không phải vậy.
Nhưng chúng ta không ở đây để chọn làm những công việc dễ dãi. Tôi nhớ Phan Nhật Nam đã nói một câu từa tựa vậy trong một tiểu luận về Nguyễn Chí Thiện, kẻ sĩ bị bỏ tù hai mươi bảy năm vì tội làm thơ “phản tuyên truyền”. Đã mấy mươi năm rồi kể từ thời của ông, ấy vậy mà cánh cửa ngục tù vẫn sẵn sàng vồ lấy những ai chọn ngẩng cao đầu mà sống. Tôi nghĩ tới cái khí thế hiên ngang ấy của những người bạn trẻ trạc tuổi tôi, khi họ đã và đang “quyết ra tay lèo lái trận cuồng phong” dẫu “mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ”. Họ không chọn làm những công việc dễ dãi. Còn tôi, trong những ngày còn đương lang thang ở xứ tự do này, nào có thứ gì cản trở, sao không dấn bước vào những nơi đôi chân này có thể tiến tới, viết những gì mắt thấy tai nghe, để không phụ cái ý nghĩa của cuộc sống mà tôi hằng đeo đuổi: Tự do.
Song khi viết, thứ làm tôi bị ám ảnh nhất có lẽ là cái đề từ “tôi vốn ghét các chuyến viễn du và những nhà thám hiểm” của Claude Lévi-Strauss trong cuốn ‘Nhiệt đới buồn’. Trọng tâm phải là câu chuyện chứ không phải người kể, tức là, hãy bớt nói về bản thân mình. Và luôn phải nhớ rằng đằng sau mỗi câu chuyện là một phông nền văn hóa và bề dày lịch sử mà nếu ta không chịu khó nghiền ngẫm để giải thích “những chân trời chừng thật khô cằn” thì ta có khác gì một kẻ rong chơi nông cạn.
Tôi cũng loay hoay khi cố biểu đạt ý nghĩ của mình sao cho rõ ràng. Nhắc nhớ một chuyện tức cười, khi lắm nhà văn (kể cả Phan Khôi) đã mạnh dạn đến mức hồ đồ mà nhận xét rằng Lỗ Tấn là một cây bút thân cộng. Thế nhưng chính Lỗ Tấn, trong tản văn ‘Tam nhàn tập’ đã phải cẩn thận giải thích rằng mình chẳng thiên bên nào, ông lấy ví dụ bằng tờ ‘Làm gì?’ do thanh niên cộng sản chủ trương và tờ ‘Làm như thế này’ vốn có quan điểm chống cộng. Thật tình, tôi nghĩ văn Lỗ Tấn vượt ra khỏi các chủ nghĩa và ý đồ chính trị, thế nhưng ông lại bị lắm kẻ hiểu sai. Dĩ nhiên người viết phải có bản lãnh để đối mặt với các phán xét, nhưng cũng phải biết thận trọng trong từng câu chữ.
Dẫu những chất liệu hỗn độn có đôi khi làm tôi phát hoảng, nhưng ít ra tôi đã “đi vào con người” – chữ của Gorki. Có trải qua những sướng khổ buồn vui như bao người mới có thể hiểu họ, đồng cảm với họ, rồi bắt đầu viết về họ. Tôi cũng hiểu ra rằng, viết tức là tái hiện chính đời sống này. Vậy thì, hãy sống một cách chân thực trước khi nghĩ tới làm một điều gì khác, kể cả viết văn.