Đó là ngày 10 tháng Chín năm 2017. Chiều muộn, nắng nhợt nhạt hơn mọi khi. Má đứng tựa cửa, nhìn theo ba chở tôi khuất dần khỏi con đường đất đầy gai cỏ. Chắc má buồn. Cái không khí nhẹ nhàng vào buổi chiều êm ả ấy chợt gợi lên trong tôi mấy chữ “sao đầy hoàng hôn trong mắt trong” của Thâm Tâm.
Hơn ba năm trôi qua.
Tôi đã đi và làm việc tại gần hai chục quốc gia. Đã lang thang những miền biên giới xung đột ở Thái Lan và Cambodia rồi Burma, nằm ngủ trong hang động ở Malaysia, tắm mình trong tuyết lạnh Bắc Âu, bắt tàu viễn dương sang Đức, đi bộ hàng chục cây số dọc bờ biển nước Úc, và dành phần lớn thời gian đi vòng quanh các nước Đông Á, từ Đài Loan cho tới Nam Hàn. Đi tới đâu, tôi cũng không thôi nghĩ về quê nhà. Cây cối xanh mát ở Bang Kachao khiến tôi hồi tưởng mùa hè Daklak. Chợ Phnompenh rực rỡ như những khu chợ ở Sài Gòn. Đi dọc bãi biển Bondi mà tôi cứ nghĩ mình đương ở Mỹ Khê. Tuyết lạnh Oslo làm tôi da diết nhớ thương mùa đông Hà Nội.
“Người Việt Nam, khi làm nghiên cứu, cần phải bớt Vietnam-centric” – ý là bớt cái kiểu lúc nào cũng lấy Việt Nam làm trung tâm trong thế giới quan của mình – tôi nhớ có một ai đã nói với tôi như vậy, nhưng mãi cho tới lúc này tôi vẫn chưa làm được, hoặc chưa thấy có lý do nào phải làm như vậy. Và sau chừng đó thời gian học hành, làm việc, tôi càng đi tới chỗ xác quyết về cuộc sống mình khao khát. Cuộc sống đó phải gắn liền với hai chữ “Việt Nam”, dù tôi ở bất cứ nơi đâu.
“It has been a life-long ambition to strengthen the democratic transition in Vietnam, my homeland, by establishing a think-tank promoting inclusive governance in the country. That, coupled with my fervent wish to pursue higher education, made me decide to apply for the Master’s Program of Public Policy at your university.” Tôi đã mở đầu lá thư của mình như thế. “Khát vọng đời tôi là có thể củng cố tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam, quê hương tôi, bằng việc mở ra một viện nghiên cứu hòng thúc đẩy lối quản trị bao hàm. Niềm đam mê ấy, cùng với nỗi mong mỏi nhiệt thành được theo đuổi nền giáo dục cao học, đã khiến tôi quyết định đăng ký vào chương trình thạc sỹ ngành Chính sách công của trường.” Nhiều anh chị tiền bối, lúc góp ý cho tôi, đã khuyên tôi nên bỏ câu đầu đi, rằng nghe nó xa vời quá, ban tuyển sinh muốn chọn những ứng viên thực tế, đại loại vậy. Tôi không thực tế ở chỗ nào nhỉ? Và sao lại xa vời, tôi nói những gì tôi nghĩ, ngay ở trong tôi, cơ mà? Nghĩ vậy, tôi vẫn gởi đi.
Ngày nhận được kết quả từ các nơi, tôi đã thoáng mong được gặp các giáo sư mà hỏi họ rằng, có phải quý vị cũng tin tưởng vào khát vọng của tôi như tôi luôn tin tưởng? Rằng tư duy Vietnam-centric không có gì là sai cho một người nghiên cứu, có phải chăng? Mà thôi, vốn dĩ tôi đâu cần bám víu vào niềm tin của người khác, cũng giống như bấy lâu nay tôi đã luôn mặc kệ những hoài nghi và cả chê cười về sự ngây thơ non nớt vân vân. Những câu hỏi trên, tôi sẽ tự mình kiên trì tìm kiếm câu trả lời, như tôi đã luôn kiên trì vậy.
Tôi trân trọng những gì mình có, lúc này, và gần như chẳng có gì khiến tôi cảm thán trừ nỗi nhớ quê nhà. Bấy lâu nay, tôi được đi trên một con đường đủ gai góc mà cũng đủ quang đãng. Quanh tôi là nhiều người bạn chân tình, chia sẻ chung ý hướng, và họ còn thương tôi hơn là tôi thương chính mình. Tôi sống trong bầu không khí tự do, cả về tư tưởng, tinh thần, lẫn thể xác. Song quan trọng nhất, tôi được học, được đi sâu vào nghiên cứu những chuyện chính trị – xã hội Việt Nam. Chỉ thiếu một chút nữa thôi là vẹn toàn – một chút nắng gió Tây Nguyên chăng, có lẽ.