Chuyện sách lịch sử

06/11/2013

Sách lịch sử của Bộ Giáo dục viết về vua Nguyễn Ánh có quá nhiều ý kiến chủ quan. Có phải bởi vua Nguyễn Ánh đã bị cái bóng của vua Nguyễn Huệ đè bẹp, bởi ông cầu viện quân Xiêm, Pháp, hay bởi sự cảm nhận của người viết về cái tàn ác của một vị gian hùng? Nhưng kẻ làm chính trị mà không ác sao có thể lật đổ một triều đại để đoạt ngôi?

Tôi thoáng nghĩ đến Tào Tháo, mà thôi, không cần đâu xa xôi, chỉ cần nhìn lại về con người của thái sư Trần Thủ Độ. Ông ta hẳn còn gian xảo và ác độc hơn vua Nguyễn Ánh biết bao nhiêu, ông ta cũng là một kẻ cướp ngôi, không làm vua nhưng mọi quyền hạn đều nằm trong tay ông ta, vậy mà người đời nay tôn thờ và nể phục. Vậy tại sao Bộ lại dạy cho lũ học trò chúng tôi xem Nguyễn Ánh như một vị vua đáng ghét, đáng căm thù?

Nhiều khi tôi nghĩ, nếu không có vua Nguyễn Ánh, thì đời con cháu của Nguyễn Huệ liệu có bảo vệ nổi giang sơn hay chăng, khi mà vị vua “anh hùng áo vải” qua đời, nội bộ lục đục, tướng Nguyễn Nhạc tài ba vốn bị lu mờ bởi hình ảnh của người em thì nay có đứa con Quang Bảo đầy tham vọng, Thái tử mới lên ngôi khi còn quá nhỏ, anh em bác cháu bất hòa, quân Thanh lại đang lăm le vùng biên giới, có ý định gây chiến thêm lần nữa. Chẳng phải thời cơ quá tốt để đất nước lại lọt vào tay giặc ngoại xâm đó ư.

Triều đại này mất đi, triều đại khác lên thay thế, người viết sử cần có một sự nhìn nhận khách quan và rõ ràng. Chúng tôi đã không được học về những gì vua Nguyễn Ánh làm cho dân tộc, cách ông cải cách, thay đổi đất nước, mà chúng tôi chỉ được học về những hành động tàn ác của ông như là giết chết cả dòng tộc của triều đại trước, đem quân ngoại bang về “cõng rắn cắn gà nhà”.

Lịch sử (mà chúng tôi được học) của vài chục năm trước đây cũng thế. Chúng tôi không được phép biết về sự thật, thầy nói gì chúng tôi nghe theo đó, tự hỏi đến bao giờ thì cái áp đặt mới dần phai nhạt để cho sự thật lên ngôi?