Gửi chị Vân: Văn phòng Chris những ngày cuối thu đầu đông

Chị mến,

Cũng giống như chị vậy, mỗi lần nhận được thư chị, em cảm thấy mình được an ủi, được vỗ về. Ngày của em trở nên trong trẻo hơn, ánh nắng mùa thu cũng dịu dàng hơn. Thấy như mình thực sự sống trong chính thời khắc đương đi qua, chứ không còn say sưa đắm chìm nơi hoài niệm. Em thích lối sống của chị, rằng dù đang làm gì, cũng đặt toàn tâm toàn ý mình ở đó. Đó là điều em đang tập cho mình, để biết yêu thêm cuộc sống vốn rất đáng để tận hưởng này.

Trưa nay, trời ở miền Tây Sydney vừa trở lạnh. Lúc Alex đem cà phê về văn phòng, cậu đã hào hứng hỏi xem mọi người có mang áo lạnh không, vì ngoài kia mưa đương bắt đầu rơi.

Sớm nay Louis đã nói với em về chuyện thời tiết rồi (sớm nào anh bạn ấy cũng lái xe chở em lên văn phòng, và thường cho em hay hôm nay ngày mấy, nhiệt độ thế nào, tình hình thời sự Sydney có gì mới, rồi hỏi thăm dăm ba câu về chuyện chính trị Việt Nam). Nhưng em vẫn hồ nghi, vì trời mấy hôm rồi hãy còn nóng nực. Ví như trưa hôm thứ Bảy, khi em ra Quảng trường Tự do dự buổi Chợ phiên Pháp lý của VALA, nắng vẫn chói chang, bà con đứng quảng bá dịch vụ của mình ở từng quầy hàng mà mồ hôi nhễ nhại. Hoặc như hôm qua đây thôi, em trở mình thức dậy lúc mười giờ rưỡi rồi giặt đồ, phải tới tầm quá trưa mới đem phơi, ấy vậy mà xế chiều áo quần đã khô cong để em kịp thu đồ trước khi sương xuống.

Sera thích chí với cái thời tiết này lắm. Cô ấy và Sandy cứ đứng ở cửa sổ văn phòng chỉ chỏ mấy đám mây đen kịt đằng xa. Từ ô cửa kính nhìn ra, thấy bãi xe tầng thượng tòa nhà bên lấm tấm ướt mưa, vài cô cậu nép vào nhau dưới những chiếc dù đen nhỏ, mây đen kéo tới phủ kín cả một vùng trời. Cái không khí âm u dịu dàng này làm phút chuyển mùa bỗng dưng rạo rực.

Vậy là Sydney đã vào đông.

Xẩm chiều em hơi đói vì ban trưa chỉ ăn mấy miếng sushi, bèn khui hộp kem que mà hồi hôm Tulee, Grace và em ghé mua dưới hàng. Mùa đông đứa nào cũng thích ăn kem. Vừa ăn, em vừa giải lao bằng cách ngồi giúp Tulee xếp danh mục và chuẩn bị mấy lá thơ cảm ơn để Chris gởi cho hơn hai trăm tình nguyện viên đợt bầu cử vừa rồi. Mùa bầu cử Liên bang đã qua, công việc không còn quá bận rộn, em cũng có thêm thời giờ cho việc nghiên cứu, viết luận, và làm báo cáo.

Đúng như chị nói, nỗi lo sợ “trở nên cực đoan” vẫn thường trực trong em, khi em chọn làm một công việc liên quan mật thiết tới đời sống chính trị Việt Nam. Mỗi tuần lại có vài tin xấu xảy ra, những đau khổ bộn bề tràn lan khắp nơi trên quê hương mình. Người dũng cảm lên tiếng thì chịu nhiều khổ ải. Suốt hai năm nay, đã bao lần em nén tiếng khóc và nuốt cả cơn giận uất vào trong, để gắng điềm tĩnh soi xét sự việc và hỗ trợ bè bạn khi cần. Phải lý tính, đó là điều em đã nhấn mạnh trong lá thư trước. Phải lý tính, giữ cho mình thái độ nhân văn, song cũng phải biết trân trọng những xúc cảm của bản thân dù là đớn đau, dù là chua xót.

Em học theo chị, bỏ dùng Facebook một thời gian, độ ba tuần. Tuy thời gian không dài, song lòng em dần tĩnh lại. Không phải em đang bịt tai trước những sự biến đang diễn ra hàng ngày, cũng không phải em né tránh xã hội. Chỉ là em chọn bước ra một cuộc sống ‘thực’ hơn, nhìn mọi sự một cách tự nhiên hơn, lắng nghe bản thân một cách lắng đọng hơn, và cũng là để chuyên tâm vào công việc.

Song phải công nhận rằng mấy việc em đang làm hiện nay lại không thể nào giúp em sống thoải mái về tiền bạc. Nhờ vào nghề dịch thuật nên bấy lâu nay em không phải lo lắng chuyện mưu sinh. Mỗi tối, em ráng thức thêm một vài tiếng, dịch vài bài hay vài chương, thì cũng được độ mấy mươi tới một trăm đô. Hôm nào bận việc thì gác lại. Có vậy, em mới di chuyển thường xuyên giữa các nước được, bởi giá vé bay và giá phòng thường khá đắt, mà em cũng cần phải chi tiêu nhiều khoản khác như ăn uống, sách vở, bảo hiểm, hay gặp gỡ với đối tác, bạn bè. Em sống theo lối đơn giản, vậy mà tháng nào cũng chi tới hơn ngàn đô.

May mắn là em yêu nghề dịch thuật. Mỗi lần ngồi truy nguyên gốc từ của từng chữ một, em lại thấy mình như đang đắm chìm trong dòng chảy lịch sử gập ghềnh có chỗ hùng tráng rồi có chỗ tang thương của ngôn ngữ – mà tức là của nhân loại vậy. Mới thấy biết ơn tiền nhân, không phân biệt Đông Tây, đã trải qua muôn vàn sự biến, cơi nới những dòng tư tưởng và sáng tạo nên bao chữ nghĩa, để ta có được vốn từ vựng phong phú ngày nay. Cứ nghĩ tới những điều ấy, em lại thấy những tiếng lách cách đánh máy không còn khô khan nữa, mà đang vẽ ra trên màn hình những suối chữ mượt mà trôi xuyên qua các thời đại.

Ví như nhờ dịch thuật mà em biết được rằng chữ “Sapere aude”, trong luận văn “Khai minh là gì” của Kant, vốn được Horace dùng để kể câu chuyện về một chàng ngốc cứ mãi đứng chờ dòng suối dừng lại để lội sang bờ bên kia, trong khi kẻ khôn đã băng qua bất chấp. Hay chữ “republic” với tiếp đầu ngữ “re-” tức “the entity”, và “-public” tức “of the people”.

Nhắc về ngôn ngữ, em mới nhớ ra một chuyện mà em vẫn thường trăn trở về di sản của một người tài. George Orwell luận về ngôn ngữ Anh rất hay, và ông bàn về nghề viết lại còn hay hơn nữa. Tiếc rằng, khi nhắc tới những tác phẩm kinh điển của ông, người ta chỉ nghĩ tới “1984” và “Trại Súc vật”, mà quên đi những tiểu luận xuất chúng như “Chính trị và Ngôn ngữ Anh”, vốn tập trung phân tích thủ thuật cách ngôn. Thậm chí chính trong 1984 ông cũng lồng ghép những ý tưởng rất hay về ngôn ngữ qua dụ ngôn về ‘Tân ngữ’ của xứ Oceania, rằng “nếu tư tưởng có thể làm bại hoại ngôn ngữ, thì chính ngôn ngữ cũng có thể làm bại hoại tư tưởng vậy”. Ấy vậy mà hầu như người đời chỉ nhớ tới ông như một người có nhận thức đi trước thời đại về chủ nghĩa cộng sản, hay nói ngắn gọn hơn, một nhà văn chống cộng.

Song trong lãnh vực ngôn ngữ, Orwell cũng chưa hẳn là xuất chúng. Trong số những tác phẩm làm em thay đổi ý thức về hành văn, nhất định phải kể tới Tractatus Logico-philosophicus của Ludwig Wittgenstein qua bản dịch của Pears-McGuinness. Đã có một thời gian dài em ngần ngại viết chỉ vì thấy mình bị các phép logic của Witt cản trở, mà nếu có viết thì câu chữ cũng dài dòng, không được tự nhiên. Mãi về sau, em mới hiểu ra rằng, ý thức về tầm quan trọng của tư duy ngữ vựng là điều cần thiết, song quan trọng hơn thế, ta phải thấu suốt rằng ngôn ngữ vốn dĩ được sinh ra để biểu đạt tư tưởng. Vậy thì, trước hết hãy để ngôn ngữ được tự do và sống động như chính tư tưởng của ta vậy.

Chị ạ, còn bao nhiêu ý nghĩ nữa em muốn nói, muốn sẻ chia cùng chị, về nghệ thuật, văn chương, hay triết lý nhân sinh. Rõ ràng có rất nhiều thứ diễn ra trong đầu em, bao nhiêu điều em muốn bộc lộ để cùng thảo luận mà đi tới chỗ rốt ráo, song chẳng hiểu sao em lại kiệm lời đến vậy khi ngồi cùng mọi người. Cũng có khi em nói nhiều, nhưng những lúc ấy nếu không phải vì tinh thần hứng khởi hay chủ đề thực sự hấp dẫn, thì cũng vì rằng đó là việc em thấy cần làm. Có thể vì em thực sự đã bị bó buộc vào cái tư tưởng xa lánh con người, xa lánh xã hội ư? Và em đã cố gắng bằng nhiều cách, nhưng vẫn không thoát ra nó được.

Em nghĩ chị và em có nhiều điểm giống nhau, về tâm hồn. Nhìn em khi làm việc, hầu như mọi người đều thấy em quá ư nghiêm túc và chỉ biết có sự nghiệp. Song trong em có bao nhiêu biến chuyển, biết bao rung động về đời. Có cô đơn, đau đớn, điều hy sinh giấu kín, quyện với cả những niềm vui hân hoan. Những xúc cảm ấy mới là thứ neo giữ em lại với cuộc sống này. Chị ơi, chị có đồng ý với em rằng, nhờ có những “rung động của con tim” lúc thăng trầm lúc du dương, mà cách ta nhìn đời cũng trở nên sâu sắc hơn và cho ta sống trong chính cuộc đời ấy một cách tinh tế hơn? Có lẽ bởi vậy mà ta thấy đời đáng sống.

Hôm nay em kể chị thật nhiều, dù đã tự nhủ phải tập thói quen viết ngắn gọn thôi. Em tạm dừng ở đây, rồi hôm sau em sẽ kể tiếp cho chị nghe về một cuộc đời du mục nơi thảo nguyên, về những tháng Sáu nhuộm vàng, và giấc mơ tuổi trẻ.

Chị sống thật đủ đầy, chị nhé.

Yêu chị,

Em Yên

IMG_2044