Lạm bàn chuyện dân chủ Mỹ

Trong những tuần lễ chính trường Mỹ đang sôi động này, những âm thanh náo nhiệt từ mọi phía sẽ còn tiếp tục đổ dồn về và được khuếch đại bằng nhiều loại chủ nghĩa, tư tưởng, và cả lòng ái quốc, cho đến khi chúng trở nên nhàm chán. Song có lẽ chúng sẽ giúp thôi thúc những ai quan tâm đến dân chủ suy nghĩ một cách cẩn trọng hơn, không chỉ về thiết chế, mà còn về tinh thần dân chủ.

Đó là ý nghĩa của hiện tượng. Hiện tượng xảy ra sẽ giúp người ta thấy được một phần của vấn đề, vốn đã tồn tại từ lâu nhưng bị lảng tránh, hoặc bị che giấu, hoặc bị lấp liếm, bằng các thứ bánh vẽ.

Có nhiều điều mà Tocqueville đã cảnh báo, hay nói đúng hơn, đã dự phóng, về tình trạng chuyên chế tiềm ẩn trong nền dân chủ Mỹ. Ông nhấn mạnh hàng chục lần rằng, “sự chuyên chế trong các nền cộng hoà dân chủ phớt lờ phần xác mà đi thẳng vào phần hồn.” Nó cực kỳ nguy hại bởi “quyền lực toàn năng” của các đám đông sẽ lấn át, cản trở và thậm chí bóp chết các cuộc tranh luận*. Bởi vậy, nó phải được khắc chế, bằng cấu trúc quyền lực nhà nước, bằng văn hoá, bằng tập tục, và bằng chính các thực hành thường xuyên và liên tục của người dân.

Một số người Việt tỏ ý lo lắng rằng các nước độc tài như Việt Nam có thể đem những diễn biến gần đây ở Mỹ ra để tuyên truyền, rằng niềm tin của công chúng Việt vào dân chủ sẽ bị lung lay, rằng cộng đồng đấu tranh dân chủ Việt Nam đã ít ỏi còn bị chia rẽ, rằng các giá trị dân chủ vừa mới thành hình mươi năm qua đã bị đứt gãy, vân vân. Những chuyện này tất nhiên là quan trọng. Song, có một câu hỏi nhỏ nữa mà tôi lưu tâm: làm thế nào để nuôi cấy những giá trị mà người dân chỉ được nghe ngóng từ nước khác chứ hầu như chưa có dịp để thực hành trên chính đất nước mình? Làm thế nào để những tranh luận về dân chủ ở Việt Nam không chỉ là lý thuyết mà còn hiện diện trong đời sống?

Dân chủ là một tiến trình, chứ không phải đích đến. Đây hoàn toàn không phải là một câu nói suông. Người Mỹ, từ bao cuộc biểu tình kêu đòi các quyền cơ bản, cho tới mỗi cuộc vận động cho từng tu chính án, suốt hàng trăm năm nay, vẫn đang tiếp tục thực hành và thử nghiệm để khắc phục hiện trạng. Vào buổi bình minh của nền “dân chủ” Mỹ ở thế kỷ 18, bạn có biết chỉ có vài phần trăm dân số được đi bầu? Sau hơn 200 năm, ai dám nói nước Mỹ tự dưng mà có được bản Hiến pháp như ngày nay để chúng ta đem ra mổ xẻ rồi tranh luận? Đâu phải tự dưng mà có thể tự do bầu cử, tự do biểu tình? Họ đã đấu tranh, đã mất mát, đã từng thử, từng sai, và thử đi thử lại. Không phải vô cớ mà Churchill lại bảo “dân chủ là kiểu chính quyền tồi tệ nhất, nếu không tính tới mọi dạng thức khác từng được thử nghiệm.”

Ít nhất, họ đã thực hành tinh thần dân chủ để cải tiến các thiết chế sao cho phù hợp. Và họ đã nuôi cấy dần dần các giá trị, từ chỗ không mấy ai chấp nhận nổi cho tới chỗ trở thành khái niệm rất đỗi bình thường (ví dụ, người da đen sở hữu tài sản, hay phụ nữ đi bầu cử.) Khái niệm dân chủ ở Mỹ vào thế kỷ 21 đã khác rất nhiều so với cũng cái chữ “dân chủ” ấy ở thế kỷ 18. Đó là câu chuyện của “tiến trình”. Cũng như những gì đang xảy ra ở Mỹ những tháng vừa qua.

Sự thật mất lòng, người Việt chúng ta chỉ đang chập chững trên tiến trình ấy. Phần lớn chúng ta đọc tin tức chỗ này một ít, ngó nghiêng chỗ kia một ít, tranh cãi trên cái không gian mạng xã hội cũng tự do một ít. Khó lòng đòi hỏi chính chúng ta thực sự thông suốt các giá trị dân chủ mà người Mỹ đã mất mát tranh đấu suốt hơn 200 năm qua, chứ chưa nói tới ôm ấp, nâng niu tinh thần dân chủ. Việc đòi hỏi nhiều người Việt đừng tôn thờ nhân vật nọ, đừng mắc nạn phao tin giả, trong khi họ từng sùng bái không ông Hồ thì cũng ông Thiệu, không khăng khăng về sự sống mãi của Bác thì cũng nhất mực quả quyết rằng có tận ba bốn ông Hồ gì đấy, tôi e là đòi hỏi hơi cao.

Kỳ thực, nước họ kiên trì với dân chủ mấy trăm năm, mà còn có những cái gai nhức nhối như vậy (đập phá, bạo loạn lúc biểu tình, gây chết chóc), thì có lẽ cũng nên thấy trước rằng việc kêu gọi cho dân chủ ở Việt Nam còn nhiều trở ngại lắm. Lại phải nói một điều hiển nhiên: muốn nuôi dưỡng tinh thần dân chủ trong đại chúng thì phải làm sao để có không gian lành mạnh cho việc thực hành trước đã, trên mạng hay ngoài đời đều cần, rồi mới dần dần trải nghiệm và tự mình vượt qua các trở ngại tất yếu. Bằng không, hết cuộc này lại đến cuộc khác, người ta ngày một tiến tới còn mình lại cứ loay hoay.

* Đọc Tocqueville, “Democracy in America”, Cuốn 1, Phần 2, Chương 7.

 

Ảnh: Leah Millis/ Reuters
Ảnh: Leah Millis/ Reuters