Mở khóa học online: Vài kinh nghiệm từ Save NET

Ở Việt Nam, hoạt động xã hội vẫn còn là một công việc xa lạ. Có khá hiếm những tổ chức hoạt động xã hội chuyên nghiệp để người trẻ có thể tham gia, học hành, và được dẫn hướng để phát triển bền vững.

Vậy thì sao chúng ta không tự tìm tòi học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, và tạo lập nền tảng cho người đi sau? Có như vậy, những thế hệ sau này mới không còn bị bơ vơ như chính chúng ta nữa.

Bài viết dưới đây là một phần của cuốn “Cẩm nang Tham chính” mà nhóm Save NET chúng tôi sẽ cho ra mắt trong năm nay. Những kinh nghiệm trong bài này được đúc kết từ khóa học trực tuyến “Tự do ngôn luận” với 120 học viên do Save NET tổ chức trong tháng 12 vừa rồi. [1]

1. TẬN DỤNG TÀI NGUYÊN ONLINE

“Những gì em đã học sẽ giúp em rất nhiều trong việc bày tỏ ý kiến của mình trong cuộc sống hàng ngày… Nhân quyền và quyền tự do biểu đạt sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt là thông qua các khóa học như thế này, và em tin rằng sẽ có những sự thay đổi dù là nhỏ nhất trong quan điểm về quyền con người của người dân Việt Nam”, đây là lời nhắn của bạn Lạp, một trong số rất nhiều bình luận tích cực mà chúng tôi nhận được khi khóa học kết thúc.

Save NET ra đời không chỉ để phản đối Luật An ninh mạng. Chúng tôi hiểu rằng, tình trạng tự do ngôn luận bị bóp nghẹt ở Việt Nam mới là vấn đề chính yếu. Vì vậy, thúc đẩy nhận thức của mọi người về “tự do ngôn luận” là nhiệm vụ của chúng tôi.

Sau nhiều ngày tìm kiếm trên mạng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy Khóa học về Tự do ngôn luận dành cho người mới bắt đầu. Đây là một khóa học kéo dài 3 tuần do tổ chức Ân xá Quốc tế thiết kế trên Edx. [2]

Cũng như Coursera.org và Udacity.comEdx.org chính là một người thầy rộng lượng.

Tại các trang này, bạn có thể học trực tuyến (miễn phí hoặc trả phí) rất nhiều môn học, có người giảng, có tài liệu, có không gian thảo luận, và có cả bài tập về nhà. Trước đây, ở Việt Nam có nhóm Kiến Học và HTT Group cũng từng dịch một số khóa học (như khóa “Phải trái đúng sai” của trường Harvard) sang tiếng Việt, song nay đã không còn hoạt động nữa.

Để có thể sử dụng khóa học này, bước đầu mà chúng tôi phải làm là xin bản quyền. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Trường Sơn Nguyễn, nhân viên của Ân xá Quốc tế, việc này đã diễn ra suôn sẻ.

Bước tiếp theo của chúng tôi là tìm kiếm một nền tảng phù hợp để tổ chức khóa học.

2. TẬN DỤNG CÔNG NGHỆ 

Có rất nhiều cách để tổ chức một khóa học trực tuyến. Cách thông thường mà mọi người vẫn dùng là sử dụng Skype để trò chuyện, và sử dụng email để gửi tài liệu cho nhau.

Tuy nhiên, Skype bị coi là một ứng dụng kém bảo mật, còn email lại không phải là một cách phù hợp để tương tác.

Thay vào đó, chúng tôi chọn ứng dụng Classroom của Google. [3] Đây là một ứng dụng lớp học trực tuyến đơn giản song rất có tổ chức, cho phép học viên và giáo viên có thể tương tác với nhau bằng việc giao tài liệu, nhận xét, hỏi đáp, nộp bài tập, và chấm điểm.

Sau khi dịch toàn bộ khóa học Tự do ngôn luận (cả tài liệu, bài học, lẫn video), chúng tôi chỉ việc đưa tất cả nội dung này lên Google Classroom.

Để tổ chức buổi thảo luận trực tuyến, thay vì dùng Skype, chúng tôi chọn Meet Jitsi vì tính bảo mật và dễ sử dụng của nó. [4]

3. TẬN DỤNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI 

Vậy ai là người giúp chúng tôi dịch tài liệu, chèn phụ đề cho video, và đưa nội dung khóa học lên trên Google Classroom?

Có lẽ các bạn đều biết, Internet là một thế giới tài nguyên khổng lồ. Chỉ cần bạn vẫy vẫy tay tìm kiếm sự giúp đỡ, sẽ có người bước đến. Save NET đã được vận hành trong 8 tháng qua nhờ vào điều đó.

Nhờ fanpage Hate Change hỗ trợ truyền thông, chúng tôi đã luôn nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ tài chính cho đến nhân lực. Trong khóa học này, nhiều anh chị đã giúp chúng tôi dịch và biên tập, một số giúp làm phụ đề cho video. [5]

Thậm chí, chúng tôi còn được hỗ trợ gần 30 bộ sách (Khế ước Xã hội, Luật pháp, và Bàn về tự do) để tặng cho người học.

Vì vậy, đối với nhà hoạt động xã hội, việc dùng fanpage hoặc group trên facebook để tìm kiếm sự hỗ trợ và cộng tác là một cách làm rất có triển vọng. Chúng ta làm việc vì cộng đồng, chắc chắn cộng đồng sẽ không phớt lờ chúng ta.

4. THAM VẤN CHUYÊN GIA 

Để tổ chức một buổi thảo luận trực tuyến trong khuôn khổ khóa học, chúng tôi cần tìm được những khách mời có chuyên môn và am tường vấn đề.

Rất may mắn, Luật sư Lê Công Định đã nhận lời tham gia buổi thảo luận để chia sẻ với các học viên.

Suốt buổi trao đổi, Luật sư đã dành thời gian để trả lời cho gần 20 câu hỏi một cách súc tích, thú vị và đầy cảm hứng, xoay quanh vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam nói chung và về Luật An ninh mạng nói riêng. 

Nhắn nhủ với các học viên, Luật sư Lê Công Định chia sẻ: “Mười mấy năm trước, tôi cũng giống như hầu hết những người dân thời ấy, hãy còn sợ hãi. Nhưng rồi dần dần, trước những bất công của dân tộc, với tư cách một công dân có tri thức, tôi thấy xấu hổ vì mình chưa lên tiếng. Mỗi ngày, tôi có một thôi thúc nội tâm rằng mình phải nói ra, phải viết ra. Càng viết thì càng thấy mình phải viết và nói nhiều hơn nữa. Tôi đã gặp nhiều áp lực từ không chỉ phía cơ quan an ninh mà còn cả áp lực từ phía những người xung quanh mình. Song, tôi nghĩ, cuộc đời này thực ra chỉ có tầm 70 năm thôi. Nếu mình không nói ra được điều mình coi là đúng, thì đứng giữa trời đất này, tôi thấy mình không xứng đáng… Nói đến quyền tự do ngôn luận, hơn ai hết, nếu mình muốn thực thi quyền của mình, thì quan trọng là chính mình có dám làm điều đó hay không. Những thứ khác chỉ là phương tiện, dù là hành lang pháp lý hay là các kênh báo, mạng, Facebook. Còn chính yếu là chúng ta phải lên tiếng đấu tranh cho sự tự do của chính mình.”

Những lời chia sẻ của Luật sư Lê Công Định cũng là điều mà chúng tôi muốn nói khi tổ chức khóa học này: Chúng ta phải lên tiếng đấu tranh cho sự tự do của chính chúng ta, không ai khác.

Mở khóa học trực tuyến chỉ là một trong số rất nhiều cách hoạt động xã hội. Mời bạn đón đọc “Cẩm nang Tham chính” của chúng tôi, với hơn 30 “bí kíp tham gia chính sự”, dự kiến ra mắt vào tháng Ba năm nay.

Chú thích

[1] Để xem khóa học sao lưu của chúng tôi, mời bạn lên trang classroom.google.com, nhập mã lớp: esarrv

[2] Khoá học gốc trên Edx: https://courses.edx.org/courses/course-v1:AmnestyInternationalX+Rights1x+4T2015

[3] Bản hướng dẫn sử dụng Google Classroom do Save NET biên soạn: https://goo.gl/QphH2s

[4] Meet Jitsi: https://meet.jit.si

[5] Các bạn có thể xem chuỗi video của khóa học, do Save NET làm phụ đề, tại đây: https://www.youtube.com/channel/UCNsmamVvzsQN3C143QCPUMw/videos

50015930_2781074088784802_512057769239511040_n