Save NET ra mắt Cẩm nang “Luật An ninh mạng: Những điều cần biết”

Tải Cẩm nang “Luật An ninh mạng: Những điều cần biết”: Cẩm nang (pdf) 

Trước ngày Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực, người ta gặp phải nhiều đồn đoán rằng giờ đây bất cứ ai lên tiếng chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội đều dễ dàng bị bắt bớ và xét xử.

Đây có lẽ là một kết luận vội vàng.

Suy cho cùng, các điểm được nêu ra trong điều 8 và 16 của Luật An ninh mạng với quy định nghiêm cấm, phòng ngừa, và xử lý các hành vi như “phá hoại thuần phong, mỹ tục”, “xuyên tạc lịch sử”, “xúc phạm vĩ nhân” thực sự không có quá nhiều khác biệt so với Bộ luật Hình sự tu chính.

Xét về phương diện pháp lý, Bộ luật Hình sự tu chính với các điều 109, 117, và 331 vốn thường được sử dụng làm phương tiện đàn áp những tiếng nói bất đồng. Như vậy, Luật An ninh mạng có lẽ sẽ trở thành một công cụ nhằm củng cố cho việc đàn áp này linh hoạt hơn.

Song, nói vậy không có nghĩa là chúng ta nên đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của Luật An ninh mạng.

Không thể phủ nhận rằng giờ đây, Luật An ninh mạng đang tạo ra một mối đe dọa ngầm đối với người dân. Khi các doanh nghiệp mạng bị buộc phải đặt dữ liệu người dùng tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc cơ quan chấp pháp hoàn toàn có khả năng thu thập thông tin của bất cứ ai mà không cần thông qua bất cứ quy trình tư pháp nào.

Sự mập mờ cũng như mối đe dọa tiềm tàng này dễ khiến cho người dân có cảm giác sợ hãi rằng họ có thể đang bị giám sát và kiểm soát. Nỗi sợ ấy rất có thể sẽ chi phối hành động của con người.

Đó cũng chính là điều mà Trung Quốc đang làm với các công dân của nó.

Đứng trước nỗi sợ này, câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên “tự kiểm duyệt” mình hay không.

 
Giáo hạt Văn Hạnh biểu tình phản đối Luật An ninh mạng. Ảnh: Không rõ nguồn.
 

Cuộc vận động về Luật An ninh mạng: Một năm nhìn lại

Những ngày trung tuần tháng Sáu, hàng ngàn người dân đã đổ xuống đường nhằm phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế và dự luật An ninh mạng. “Không lên tiếng bây giờ thì sẽ không bao giờ còn cơ hội lên tiếng nữa” là một thông điệp được lan truyền khắp mạng xã hội khi người ta gọi Luật An ninh mạng là “luật siết cổ dân”.

Song đây chưa phải là tiếng nói bất đồng duy nhất.

Một trong những lời kêu gọi đầu tiên đến từ Hội truyền thông số Việt Nam từ ngày 25/5, khi hội này gửi kiến nghị 4 điểm về dự thảo luật, trong đó có yêu cầu “bỏ quy định về địa phương hóa dữ liệu”.

Vài ngày sau đó, các nhân sỹ trí thức vốn là các quan chức cao cấp trong chính quyền đã gửi đến Quốc hội 4 kiến nghị với lời kêu gọi sửa đổi dự luật An ninh mạng theo hướng cởi mở hơn.

Làn sóng phản đối luật An ninh mạng bùng phát cũng là lúc bản kiến nghị Quốc hội hoãn thông qua luật An ninh mạng của nhóm Save Net cùng hàng chục tổ chức xã hội dân sự đã thu hút hơn 50 ngàn chữ ký chỉ sau vài ngày.

Ngay trước lúc Quốc hội nhấn nút thông qua luật này, một nhóm gồm 79 luật sư cũng như Đại diện các Hội và Hiệp hội ngành Công nghệ Thông tin Truyền thông cũng kêu gọi Quốc hội hoãn thông qua luật.

Đó là một vài minh chứng cho thấy Luật An ninh mạng hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ từ khắp các giới.

Thậm chí, ngay cả khi Luật này đã được thông qua, 32 Nghị sỹ của Liên minh Châu Âu đã đặt ra các điều kiện phê chuẩn hiệp định EVFTA, trong đó yêu cầu chính phủ Việt Nam phải sửa đổi Luật An ninh mạng theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Mới nhất, Facebook và Google thông qua Liên minh Internet châu Á cũng “kêu gọi Bộ Công an và chính quyền Việt Nam xem xét các hậu quả tiềm tàng của dự thảo nghị định An ninh mạng, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam”.

Bất chấp tất cả những phản ứng trong và ngoài nước, chính quyền Việt Nam vẫn nhất quyết đưa Luật An ninh mạng đi vào thực tế, vốn tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đồng thời xâm phạm quyền riêng tư cũng như quyền tự do ngôn luận của người dân.

 
Cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 nhằm phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Ảnh: Ha Nhat Tien.
 

Tri thức giúp ta chống lại nỗi sợ hãi

Vậy rốt cuộc, ta phải làm gì khi đứng trước các mối đe dọa ấy?

Chỉ có tri thức mới giúp ta chống lại những nỗi sợ vô hình. Khi chúng ta hiểu rõ về luật cũng như các tác động của nó, chúng ta sẽ có thể nắm bắt được những rủi ro mà bản thân phải đối mặt cũng như tìm ra được những giải pháp hợp lý.

Đó là lý do cuốn cẩm nang “Luật An ninh mạng: Những điều cần biết” được ra đời.

Cuốn cẩm nang này được biên soạn bởi các luật sư và các chuyên gia luật cộng tác với Save NET, nhằm phân tích các vấn đề xoay quanh Luật An ninh mạng.

Bên cạnh việc giới thiệu chính sách an ninh mạng của các nước trên thế giới, nhóm biên soạn tập trung vào phân tích Luật An ninh mạng của Việt Nam, từ đó dự báo các tác động của luật này và đề xuất cách tiếp cận phù hợp cho người dân cũng như cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, các tác giả phân tích rằng cách tiếp cận khái niệm an ninh mạng của liên minh châu Âu, Mỹ, cũng như Liên minh viễn thông quốc tế thuần túy mang tính kỹ thuật. Trong khi đó, chúng ta chỉ bắt gặp cách tiếp cận về mặt chính trị ở một số rất ít quốc gia, cụ thể là Trung Quốc, Việt Nam, và Liên Bang Nga. So với pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam nằm ở mức độ mạnh nhất trong việc yêu cầu địa phương hóa dữ liệu.

Các tác giả còn chỉ ra rằng hiện nay Việt Nam có đến 15 văn bản pháp luật có nội dung, phạm vi điều chỉnh có liên quan đến các điều khoản trong Luật An ninh mạng, từ đó dễ gây ra sự trùng lặp và chồng chéo khi áp dụng luật.

Từ các phân tích như trên, cẩm nang “Luật An ninh mạng: Những điều cần biết” sẽ cung cấp bảng đánh giá tác động của Luật An ninh mạng, nhằm giúp người đọc có một cái nhìn rõ ràng rằng bản thân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi luật này có hiệu lực.

Khi được tiếp cận thông tin một cách thấu đáo, thì mỗi người có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và chủ động hơn trong cách ứng xử trên Internet, đặc biệt trong việc nói lên chính kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội.

Tải Cẩm nang “Luật An ninh mạng: Những điều cần biết”: Cẩm nang (pdf)

 
Trang bìa cuốn Cẩm nang “Luật An ninh mạng: Những điều cần biết”. Ảnh: Save NET
 

Nhóm Save Net là ai

Nhóm Save NET được thành lập vào tháng 6 năm 2018, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về quyền tự do ngôn luận. Đây cũng là nhóm đã chủ trương khởi soạn 3 bản kiến nghị phản đối luật an ninh mạng, thu hút hơn 114 ngàn chữ ký của các cá nhân. Cho đến nay, Save Net đang thực hiện công việc đưa tin, dịch thuật, tổ chức lớp học, và biên soạn các học liệu xoay quanh các vấn đề về tự do ngôn luận. Save Net cũng đang trong quá trình biên soạn cẩm nang “Cẩm nang Tham chính” và “Hướng dẫn Bảo mật trên Không gian Mạng”.

 
 

 
48932583_2766067366952141_7521423136223395840_o