Vi Yên, phỏng dịch từ John B Judis, Us v Them: the birth of populism, The Guardian, 13/10/2016; bài đăng trên Luật Khoa Tạp chí vào 31/12/2017 tại https://www.luatkhoa.org/2017/12/ta-vs-ho-cai-noi-cua-chu-nghia-dan-tuy/
Chủ nghĩa dân túy không phải là chuyện cánh tả hay cánh hữu: Nó là một kiểu chính trị đưa “người dân” vào chỗ chống lại “giới quyền uy”. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy là dấu hiệu cảnh báo cho một hiện trạng lầm lạc.
Khi viết về chủ nghĩa dân túy, các nhà khoa học chính trị thường bắt đầu bằng cách cố kiếm cho nó một định nghĩa như thể nó là một thuật ngữ khoa học, kiểu entropy hay quang hợp. Cách làm này thật sai lầm. Không có bộ nhận dạng độc nhất nào có thể dùng để định nghĩa những phong trào, đảng phái, hay cá nhân được gọi là “dân túy”: những cá nhân và đảng phái khác nhau nằm trong phạm trù này tuy có những đặc tính giống nhau, nhưng không có một tập hợp điểm chung nào là phổ quát để áp dụng cho tất cả.
Tuy nhiên, có một kiểu chính trị dân túy đặc biệt bắt nguồn từ Mỹ hồi thế kỷ 19, sau tiếp tục tái diễn ở nước này trong thế kỷ 20 và 21, và cũng bắt đầu xuất hiện ở Tây Âu những năm 1970. Trong vài thập kỷ qua, những chiến dịch dân túy cùng những đảng phái dân túy đã gặp nhau ở một mối quan tâm chung, và nhóm này lại càng nổi lên sau cuộc Đại suy thoái.
Khó mà xác định rõ cái kiểu chủ nghĩa dân túy xuyên suốt lịch sử Mỹ và được cấy ghép ở Âu châu này là cánh hữu, cánh tả hay trung lập: dù Donald Trump hay Bernie Sanders, dù Mặt trận Quốc gia ở Pháp hay Đảng Podemos ở Tây Ban Nha, tất cả đều là dân túy. Thiếu gì các đảng phái dân túy nằm bên phe cánh hữu, cánh tả, rồi trung lập. Dân túy không phải là một hệ tư tưởng, mà là một logic chính trị – tức một cách tư duy về chính trị. Nhà sử học Michael Kazin mô tả chủ nghĩa dân túy là “một thứ ngôn ngữ mà các diễn thuyết gia ca xướng về dân thường như một nhóm người cao quý bất kể tầng lớp; coi giới đối thủ tinh hoa của họ là ích kỷ và phi dân chủ; và tìm cách huy động nhóm trước (người dân) chống lại nhóm sau (nhóm tinh hoa).”
Mô tả này là một khởi đầu hợp lý. Nó không tập trung mô tả những người như Ronald Reagan hay Vladimir Putin, cả hai đều hay bị gọi là “dân túy”, thay vào đó nó mô tả logic của các đảng phái, các phong trào và các ứng cử viên, từ đảng Nhân dân ở Mỹ năm 1892 đến Mặt trận Quốc gia Pháp của Marine Le Pen năm 2016. Tuy nhiên, tôi sẽ nới rộng cách mô tả của Kazin thêm một bước xa hơn, và tìm cách phân biệt các nhà dân túy cánh tả như Bernie Sanders và Pablo Iglesias của Đảng Podemos với các nhà dân túy cánh hữu như Trump và Le Pen.
Các nhà dân túy cánh tả bảo vệ người dân chống lại tầng lớp tinh hoa hay giới quyền uy. Chính trị của họ là một nền chính trị theo chiều dọc của nhóm dưới và nhóm giữa xã hội, chống lại nhóm bên trên. Còn những nhà dân túy cánh hữu lại bảo vệ người dân chống lại giới tinh hoa mà họ cáo buộc là ủng hộ một nhóm thứ ba, ví dụ như những người nhập cư, những người Hồi giáo, hoặc các chiến binh Mỹ gốc Phi. Chủ nghĩa dân túy cánh hữu gồm tới ba bên: nó không chỉ hướng lên nhóm bên trên, mà còn hướng ra một nhóm bên ngoài.
Về mặt lịch sử, chủ nghĩa dân túy cánh tả khác với chủ nghĩa xã hội và các phong trào dân chủ xã hội. Nó không phải là một kiểu chính trị của sự xung đột giai cấp, và nó không nhất thiết cố tìm cách bãi bỏ chủ nghĩa tư bản. Nó cũng khác với kiểu chính trị cấp tiến hoặc tự do vốn tìm cách điều hòa lợi ích của các tầng lớp và các nhóm đối lập. Trọng tâm chính trị của chủ nghĩa dân túy cánh tả là, nó giả định rằng giữa người dân và giới tinh hoa tồn tại một quan hệ đối kháng căn nguyên.
Trong khi đó, chủ nghĩa dân túy cánh hữu lại cũng khác với chủ nghĩa bảo thủ vốn chủ yếu gắn với tầng lớp doanh nhân chống lại các nhà phê bình và các nhóm đối kháng bên dưới. Trong các phiên bản dân túy ở Mỹ và Tây Âu, nó cũng khác với chủ nghĩa bảo thủ độc tài vốn có mục tiêu phá hoại nền dân chủ. Chủ nghĩa dân túy cánh hữu vận hành trong bối cảnh dân chủ.
Không có một hệ tư tưởng chung nào có thể áp dụng để định nghĩa chủ nghĩa dân túy, và cũng không có một thành tố nào có thể gom chung hết được “người dân”. Họ có thể là những công nhân cổ xanh, người bán hàng, hoặc sinh viên đang chịu gánh nặng nợ nần; họ cũng có thể là người nghèo hay là tầng lớp trung lưu. Tương tự, không có đặc điểm chung nào cho “giới quyền uy”. Thứ xác định chủ nghĩa dân túy không phải là những liên hệ chính xác của “người dân” và “giới tinh hoa”, mà chính là mối xung đột giữa hai bên (mà trong trường hợp của chủ nghĩa dân túy cánh hữu là gồm cả ba bên).
Chính bản thân sự xung đột đã bật đèn xanh cho các nhà dân túy áp đặt hàng loạt yêu sách lên giới tinh hoa – những đòi hỏi mà nhà dân túy tin rằng giới quyền uy không hề muốn nhân nhượng.
Sanders đòi “chăm sóc y tế cho toàn dân” và tăng mức lương tối thiểu thêm 15 đô la. Nếu ông chỉ muốn Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) phải có thêm mục chi trả cho các thiết bị trợ thính, hoặc ông yêu cầu tăng mức lương tối thiểu từ 7,25 đô la tới 7,75 đô la, thì sẽ không tạo xung đột giữa dân chúng với giới quyền uy.
Nếu Trump chỉ đòi tăng số lính gác dọc theo biên giới Mexico, hoặc nếu đảng Nhân dân cánh tả của Đan Mạch vận động chỉ để làm giảm số người xin tị nạn, thì những đòi hỏi kiểu này sẽ không tạo ra hố sâu ngăn cách giữa người dân và giới tinh hoa. Tuy nhiên, việc hứa hẹn xây một bức tường biên giới buộc chính phủ Mexico phải chi trả hoặc chấm dứt toàn bộ dòng người nhập cư – thì hẳn là sẽ tạo ra ranh giới.
Những đòi hỏi này quy định mối xung đột giữa người dân và giới quyền uy. Nếu được đáp ứng toàn bộ hay thậm chí chỉ một phần, hoặc nếu các nhà dân túy từ bỏ các yêu sách của mình vì chúng quá tham vọng – như Syriza đã làm khi từng đòi dàn xếp lại chuyện nợ nần của Hy Lạp – thì phong trào dân túy có thể sẽ tan rã hoặc biến thành một đảng chính trị thông thường. Chính vậy, các phong trào dân túy ở Mỹ và Tây Âu từng hưng thịnh khi còn là phe đối lập, song đã phải vật lộn với cơn khủng hoảng định danh khi họ tham gia vào chính quyền.
—
Khi các chiến dịch và đảng phái dân túy đi vào hoạt động, thì đó là dấu hiệu cảnh báo cho một cuộc khủng hoảng chính trị. Ở châu Âu và Mỹ, các phong trào dân túy giành được thành công dữ dội nhất khi người dân nhìn thấy các chuẩn mực chính trị thịnh hành – vốn đang được giới quyền uy hiện hành duy trì và bảo vệ – lại xung đột với niềm tin, nỗi sợ, và mối quan tâm của chính họ. Các nhà dân túy tranh thủ những mối quan tâm bị phớt lờ này, đưa chúng vào trong cái chính trường vốn đẩy người dân vào cuộc chiến chống lại tầng lớp tinh hoa bất khoan nhượng. Bằng cách đó, chúng trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi chính trị.
Về bản chất, các chiến dịch và đảng phái dân túy chỉ ra các vấn đề thông qua các đòi hỏi, vốn khó có thể nhận biết trong bối cảnh chính trị hiện thời. Trong trường hợp của một số nhà dân túy cánh hữu, những đòi hỏi này còn gắn liền với sự thủ cựu hoặc thách thức các chuẩn mực dân chủ. Thậm chí đôi khi chúng còn bị phủ lấp bởi những thông tin sai lệch. Nhưng dù sao chúng vẫn chỉ ra được những mảng khuyết trong tri thức chính trị hiện thời.
Trong những thập kỷ gần đây, khi cuộc bùng nổ hậu thế chiến bắt đầu sa lầy vào bế tắc, thì các đảng lớn ở cả hai bên Đại Tây Dương đã chấp nhận cái nghị trình của chủ nghĩa tân tự do, rằng cần để tự do dịch chuyển vốn và lao động thì mới đạt tới thịnh vượng. Các nhà lãnh đạo đã tạo điều kiện cho dòng người nhập cư gia tăng, song rốt cuộc thì các cử tri Mỹ lại đứng lên phản đối nhập cư bất hợp pháp, còn các cử tri châu Âu phản đối các cộng đồng người nhập cư mà họ coi như là những tên tội phạm và khủng bố. Ở châu Âu lục địa, các chính đảng thuận theo cái ý tưởng thống nhất đồng Euro rồi mới nhận ra rằng nó gây ra tình trạng bất hòa trong thời kỳ Đại suy thoái. Tại Mỹ, cả hai bên đều chấp nhận “thương mại tự do” chỉ để khám phá ra rằng phần lớn công chúng không ủng hộ các hiệp định này.
Trong những thập niên cuối thế kỷ 19, khi đảng Nhân dân bùng nổ trên chính trường Mỹ, châu Âu đã chứng kiến các đảng dân chủ xã hội trỗi dậy, vốn lấy cảm hứng từ lý thuyết xã hội chủ nghĩa của Karl Marx. Trong 70 năm sau đó, châu Âu đã trở thành xứ sở của hàng loạt các đảng phái cánh tả, trung lập, cánh hữu, nhưng mãi cho tới năm 1970 nó mới phải chứng kiến sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy như đã từng diễn ra ở Mỹ.
Giống như đảng Dân chủ thời kỳ đầu ở Mỹ, các đảng châu Âu hoạt động trong phạm vi bầu cử và bảo vệ “người dân” chống lại “nhà cầm quyền” hay “giới thượng lưu”. Mặt trận Quốc gia của Pháp nói rằng nó đại diện cho “những người thiểu số” và “những người dân bị lãng quên” chống lại “tầng lớp đặc quyền”. Ở Phần Lan, Đảng Phần Lan nói rằng họ muốn “một nền dân chủ dựa trên sự đồng thuận của người dân chứ không bắt nguồn từ giới tinh hoa hay quan chức”. Tại Tây Ban Nha, Podemos bảo vệ “nhân dân” chống lại “giới đặc quyền”. Ở Ý, Beppe Grillo của Phong trào Năm Sao chỉ trích cái mà ông gọi là “ba kẻ hủy diệt” – nhà báo, nhà tư bản công nghiệp và chính trị gia. Tại Hà Lan, Đảng vì Tự do của Geert Wilders đại diện cho “Henk và Ingrid” – những thường dân chăm chỉ lao động – chống lại “tầng lớp tinh hoa chính trị”.
Các đảng dân túy đầu tiên ở châu Âu là phe cánh hữu. Họ buộc tội giới tinh hoa vì những người cộng sản, những kẻ hưởng phúc lợi, hoặc dòng người nhập cư. Kết quả là thuật ngữ “dân túy” ở châu Âu đã bị các nhà chính trị và giới học giả cánh tả cũng như trung lập coi là từ mang nghĩa xấu. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các đảng dân túy cánh tả đã nảy sinh ở Tây Ban Nha và Hy Lạp nhằm chống lại giới cầm quyền hoặc phản đối việc đặt trụ sở EU tại Bỉ.
Điểm khác biệt chính giữa các nhà dân túy Mỹ và châu Âu là trong khi các đảng và chiến dịch của Mỹ thoạt đến thoạt đi nhanh chóng, thì một số đảng dân túy ở châu Âu lại tồn tại qua nhiều thập kỷ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều quốc gia châu Âu có hệ thống đa đảng và nhiều quốc gia có tỷ lệ đại diện cho phép các đảng nhỏ duy trì được chỗ đứng ngay cả khi họ chỉ được một vài phiếu bầu.
Các phong trào dân túy thường không đạt được mục tiêu của chính họ. Những đòi hỏi của họ có thể cũng được các đảng lớn chọn theo đuổi, hoặc họ có thể bị phớt lờ hoàn toàn.Nhưng họ đã khuấy động được vấn đề. Họ cho thấy rằng ý thức hệ chính trị hiện hành đang bắt đầu ngưng trệ và thế giới quan đang đi tới chỗ đổ vỡ.
—
Năm 2016, không ai đoán định được rằng Donald Trump nhận được đề cử của đảng Cộng hòa, kể cả chính Donal Trump. Cũng không ai ngờ rằng vị Thượng nghị sĩ bang Vermont là Bernie Sanders lại có thể thách thức Hillary Clinton tại tiểu bang California hồi tháng 6 năm đó trong cuộc chiến giành đề cử của đảng Dân chủ.
Thành công của Trump ban đầu được gán cho tài nghệ quảng bá và danh tiếng của ông. Tuy nhiên, khi Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ, các chuyên gia chính trị đã quan sát thấy ông chọn vào vai phân biệt chủng tộc đối lập với Barack Obama, hoặc khai thác sự ủng hộ chủ nghĩa phát xít tiềm ẩn trong giới những người Mỹ da trắng thuộc giai cấp công nhân. Thành công của Sanders tuy ít gây ra tranh cãi như Trump, nhưng các nhà bình luận có khuynh hướng bác bỏ ông như một kẻ không tưởng và chỉ ra cái chủ nghĩa lý tưởng hời hợt của cử tri xưa nay. Nếu đây không phải là lời giải thích đầy đủ cho thành công của Sander, thì chúng cũng cho thấy điểm yếu của Hillary Clinton trong vai trò người dẫn đầu.
Có thể coi thành công của Trump và Sanders như một trang sử mới của chủ nghĩa dân túy Mỹ. Quay lại thời cách mạng Mỹ, chủ nghĩa dân túy thực sự bắt đầu từ đảng Nhân dân hồi những năm 1890, như một tiền đề cho các phong trào liên tục nổ ra một cách định kỳ sau đó. Trái với châu Âu, ở Mỹ các phong trào này thường bùng nổ bất ngờ và đột ngột. Mặc dù chúng thường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, song chúng vẫn tạo ra ảnh hưởng lớn. Và trong khi chúng có vẻ bất thường vào thời điểm đó, song thực chất lại là một phần quan trọng trong cơ cấu chính trị của quốc gia.
Trong khi lịch sử của nền chính trị Mỹ bị xé lẻ từ những cuộc xung đột – về chế độ nô lệ, thời cấm rượu, vấn đề phá thai, can thiệp vào nước ngoài – thì chính nó cũng luôn nằm trong tầm chế ngự của sự đồng thuận cơ bản về vai trò của chính phủ đối với nền kinh tế và với nước ngoài.
Cấu trúc chính trị Mỹ được thiết lập theo cái cách nhằm duy trì các thế giới quan hiện hành như vậy. Những đặc điểm như được ăn cả, ngã về không (winner-takes-all), ai dẫn đầu thì giữ ghế (first-past-the-post), đơn vị một dân biểu (single-member districts) đã khuyến khích một hệ thống lưỡng đảng. Ứng cử viên bên thứ ba thường bị loại ra như thể kẻ phá đám. Hơn nữa, khi quyết định lựa chọn ai trong các cuộc bầu cử sơ bộ đảng, các cử tri và nhân vật lớn trong đảng thường tính xem liệu một người có khả năng được bầu hay không, và trong cuộc tổng tuyển cử, các ứng cử viên thường cố gắng giữ thế trung lập và tránh xa cái mác “cực đoan”. Do cả hai đảng đều nghiêng về phía trung lập, nên những khác biệt chính trị sắc nét về các vấn đề kinh tế xã hội cơ bản có xu hướng trở nên bị mài mòn hoặc thậm chí bị phớt lờ, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử tổng thống.
Nhưng cũng có những lúc khi đối mặt với những thay đổi lớn lao về xã hội và về kinh tế, hoặc về vị thế của Mỹ trên thế giới, thì các cử tri bỗng dưng trở nên nhạy cảm với các chính trị gia hoặc các phong trào dám nêu lên những vấn đề mà các đảng phái chính đã xem thường hoặc hoàn toàn phớt lờ.
Sự nổi lên của đảng Nhân dân là phát súng đầu tiên chống lại cái thế giới quan về chủ nghĩa tư bản tự do thương mại (laissez-faire). Phong trào “Sẻ chia của cải” của Thống đốc bang Louisiana Huey Long, nổi lên sau cuộc bầu cử của Franklin Roosevelt vào năm 1932, đã thúc ép Roosevelt phải giải quyết vấn đề bất bình đẳng về kinh tế. Các phong trào kiểu này đã cùng nhau thiết lập nên một khuôn khổ mà Bernie Sanders, người tự mô tả mình như là một nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ đồng thời là một người cấp tiến, sẽ thực hiện trong chiến dịch tranh cử 2016 của ông. Tương tự, các chiến dịch tranh cử của George Wallace trong những năm 1960 và Pat Buchanan những năm 1990 chính là điềm báo cho sự xuất hiện của người như Donald Trump.
—
Trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa dân túy vào cuối thế kỷ 19, các nhà dân túy của đảng Nhân dân đã tạo ra được một ảnh hưởng sâu sắc đối với Mỹ và cả chính trị Mỹ Latin lẫn châu Âu. Nó khai thác cái logic của chủ nghĩa dân túy khi “người dân” chống lại những kẻ tinh hoa không chịu đưa ra những cải cách cần thiết. Trong nền chính trị Mỹ, thiết chế này là một dấu hiệu báo trước tính không thích đáng trong các quan điểm của hai chính đảng về chính quyền và kinh tế.
Các nhà dân túy là những người đầu tiên kêu gọi chính phủ điều chỉnh và thậm chí quốc hữu hóa các ngành công nghiệp có liên quan tới nền kinh tế, chẳng hạn như đường sắt; họ muốn chính phủ giảm thiểu bất bình đẳng về kinh tế mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra, và họ muốn giảm thiểu quyền lực của giới doanh nghiệp trong việc quyết định kết quả của cuộc bầu cử. Chủ nghĩa dân túy đã ngay lập tức tác động lên nền chính trị của một số đảng viên cấp tiến của đảng Dân chủ và thậm chí cả đảng Cộng hòa như Theodore Roosevelt. Cuối cùng, phần lớn chương trình nghị sự mang tính dân túy đã được đưa vào trong chính sách New Deal của Franklin Delano Roosevelt và đưa vào cả quan điểm của chủ nghĩa tự do New Deal.
Chuyện kể lại rằng, vào tháng 5 năm 1891, một số thành viên của Liên minh Nông dân Kansas sau khi trở về nhà từ cuộc hội nghị tại miền Cincinnati, họ đã dùng thuật ngữ “dân túy” để mô tả cái quan điểm chính trị mà họ và các nhóm liên minh khác ở phía Tây và phía Nam đang phát triển. Một năm sau, các nhóm liên minh cùng với Hiệp sĩ Lao động, về sau là tổ chức của các công nhân Mỹ, đã thành lập đảng Nhân dân. Trong vòng hai năm, đảng này đã thách thức những giả định cơ bản nhất, vốn là thứ dẫn dắt các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ ở Washington. Tuy đảng Nhân dân không tồn tại được lâu, nhưng nó tạo ra tiền lệ làm cơ sở cho chủ nghĩa dân túy ở Mỹ và châu Âu.
Vào thời đó, các đảng viên lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đang vui mừng chè chén trước sự phát triển của ngành công nghiệp và tài chính Mỹ. Họ tin vào thị trường tự điều tiết như một công cụ tạo ra thịnh vượng và cơ hội cá nhân, và nghĩ rằng vai trò của chính phủ phải là tối thiểu. Grover Cleveland, người giữ ghế tổng thống từ năm 1884 đến năm 1888 và rồi từ năm 1892 đến năm 1896, đã chỉ trích kiểu chính phủ theo “chủ nghĩa gia trưởng”. Trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai, ông tuyên bố rằng “sự can thiệp của khu vực công đã dập tắt tinh thần Mỹ chân chính”. Theo ông, “chức năng của chính phủ không bao gồm việc ủng hộ nhân dân”. Vai trò chính của chính phủ là phải duy trì một “đồng tiền lành mạnh và ổn định” thông qua việc duy trì bản vị vàng.
Nhưng trong những năm ấy, giới nông dân ở miền Nam và vùng đồng bằng lại chịu tổn thất vì giá nông nghiệp giảm mạnh. Giá nông nghiệp đã giảm 2/3 ở miền Trung Tây và miền Nam trong suốt giai đoạn từ 1870 đến 1890. Miền đồng bằng, vốn đã rất phồn vinh vào đầu những năm 1880, nay lại bị hạn hán trầm trọng vào cuối thập niên 1880. Tuy nhiên, đường sắt không thuận lợi do tình trạng độc quyền đã làm tăng chi phí vận chuyển nông sản. Nhiều nông dân ở miền Nam và vùng đồng bằng thậm chí rơi vào cảnh suy sụp. Các gia đình nhỏ đã nhường chỗ cho trang trại nông nghiệp lớn, thường thuộc sở hữu của các công ty có trụ sở ở phía Đông. Không những vậy, tiền lương của người dân còn bị đe dọa bởi những người nhập cư chịu được mức lương thấp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Ý. Còn những người nông dân nào giữ đất lại thì phải chịu gánh nặng nợ nần. Tại Kansas, 45% đất đai đã trở thành tài sản của các ngân hàng.
Các nhà dân túy đầu tiên tự nhìn nhận mình như đại diện cho “người dân”, bao gồm nông dân và giới công nhân cổ xanh, chống lại “quyền lực tiền bạc” hoặc “chế độ tài phiệt”. Điều này được phản ánh trong các chương trình ban đầu của họ, gồm những yêu sách về việc thành lập và công nhận các liên đoàn lao động cùng với những đòi hỏi phải điều chỉnh đường sắt, chấm dứt đầu cơ đất đai, và cho vay dễ dàng (thông qua việc thay thế hoặc bổ sung bản vị vàng) để giảm bớt gánh nặng nợ nần mà nông dân phải gánh chịu. Ngoại trừ một vài nhà lãnh đạo lẻ tẻ ra, thì các nhà dân túy không phải là những người theo chủ nghĩa xã hội. Họ muốn cải cách hơn là bãi bỏ chủ nghĩa tư bản, và đối tượng cải cách của họ không phải là tầng lớp lao động xã hội chủ nghĩa, mà là ý tưởng về “người dân” được diễn đạt một cách lỏng lẻo.
Khi các yêu cầu của họ – gồm chế độ thuế thu nhập và các cải cách chính trị nhằm thiết lập nguyên tắc bỏ phiếu kín cũng như bầu cử trực tiếp thượng nghị sĩ – chúng tỏ quá cấp tiến và trật ra khỏi đường lối của các đảng lớn, họ đã tự thành lập đảng Nhân dân và chỉ định ứng viên của riêng mình cho cuộc chạy đua tranh cử tổng thống. Cương lĩnh đầu tiên của họ tuyên bố: “Chúng tôi muốn tìm cách khôi phục chính quyền Cộng hòa, và đưa nó trở về tay ‘những người dân chất phác’, mà từ họ chính quyền này đã được hình thành”. “Chúng tôi tin rằng quyền lực của chính quyền – nói cách khác, của nhân dân – phải được mở rộng …nhanh chóng và rộng rãi, nhằm chấm dứt sự đàn áp, bất công, và nghèo đói trên mảnh đất này.
Luôn có một khuynh hướng bảo thủ hơn trong phong trào dân túy. Ở miền Nam, một số nhóm đã hợp tác với liên minh quốc gia của giới nông dân da đen, nhưng một số khác thì không. Các nhà dân túy cũng ủng hộ việc trục xuất người nhập cư Trung Quốc, vốn là các chủ sở hữu của các doanh nghiệp chuyên cung cấp lao động rẻ tiền cho các trang trại và đường sắt phía tây, và những ai ủng hộ chính sách này thường đưa ra những lời hùng biện đầy tính phân biệt chủng tộc. Nhưng trong những năm 1880 và đầu những năm 1890, nền chính trị dân túy chủ yếu nhắm tới giới tài phiệt.
Trong cuộc bầu cử năm 1892, đảng Nhân dân đã thể hiện rất ấn tượng. Ứng cử viên tổng thống thiếu tài trợ một cách đáng thương của đảng này đã nhận được tới 8% phiếu bầu và thắng tại năm bang. Trong cuộc bầu cử năm 1894, ứng cử viên Hạ viện của đảng Nhân dân đã giành được 10% số phiếu bầu. Đảng đã bầu ra bốn nghị sĩ, bốn thượng nghị sĩ, 21 nhà hành pháp và 465 nhà lập pháp. Với cơ sở ở phía Nam và phía Tây, trong khi vị tổng thống đương nhiệm Grover Cleveland lại không được lòng quần chúng, đảng Nhân dân dường như đang trở thành thách thức thứ hai của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 1894 hóa ra lại là bản bi ca vĩnh biệt của đảng này.
Cuối cùng, các nhà dân túy đã bị kiệt sức trong hệ thống lưỡng đảng. Ở các tiểu bang đồng bằng, cơn giận dữ đối với Cleveland đã khiến cho cử tri bỏ phiếu cho các ứng viên của đảng Cộng hòa. Ở miền Nam, đảng Dân chủ đã xoa dịu đảng Nhân dân bằng việc vừa kết nạp họ, song lại vừa gây rối cuộc đua để đáp lại những nhà dân túy đang lên án cuộc bầu cử giả tạo.
—
Như các nhà phê bình theo chủ nghĩa tự do sau đó đã chỉ ra, bên trong đảng Nhân dân vốn dĩ đã có khuynh hướng bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, chống người nhập cư, đặc biệt là đối với người Trung Quốc, nhưng đây cũng chỉ là các yếu tố phụ. Trước khi phong trào bắt đầu tan rã, đảng Nhân dân vốn dĩ là một phong trào cánh tả. Những trường hợp dân túy cánh hữu đầu tiên mãi đến năm 1930 mới xuất hiện – từ vị linh mục Công giáo Charles Coughlin – và sau đó là các chiến dịch tranh cử tổng thống của George Wallace trong những năm 1960.
Wallace, vị thống đốc bang Alabama theo đảng Dân chủ, là người đã đặt nền móng cho việc chỉnh đốn Reagan hồi năm 1980. Ông đã tạo ra hàng loạt kiểu dân túy cánh hữu mới – thứ mà nhà xã hội học Donald Warren gọi là “chủ nghĩa cực đoan trung lưu kiểu Mỹ” – để rồi chúng thâm nhập vào trong đảng Cộng hòa, trở thành nền tảng của những thách thức mà Donald Trump đặt ra cho tính chính thống của đảng Cộng hòa vào năm 2016.
Chính sách New Deal vốn dựa trên một liên minh ngầm giữa các đảng viên đảng Dân chủ miền Nam theo khuynh hướng tự do và khuynh hướng bảo thủ. Về sau, những người bảo thủ này chống lại bất kỳ đạo luật nào có khả năng thách thức giới da trắng thượng đẳng. Mang tinh thần của Abraham Lincoln, các đảng viên đảng Cộng hòa đã tiếp nhận các quyền của người công dân da đen, và giới lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã ủng hộ Đạo luật Dân quyền và Quyền Bầu cử của Lyndon Johnson vào năm 1964 và 1965. Thượng nghị sĩ bang Arizona là Barry Goldwater là đối thủ mang tư tưởng bất đồng, song trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964, Johnson đã dễ dàng đánh bại ông. Tuy nhiên, chiến thắng của Johnson đã không giúp thúc đẩy rộng rãi những sáng kiến về quyền công dân của ông, và sau khi ông thông qua Đạo luật Quyền Bầu cử và giới thiệu một pháp chế gọi là “Đấu tranh chống bần cùng”, những phản ứng tiêu cực đã bùng lên khắp cả nước. Và Wallace đã đẩy làn sóng phản đối này thành một chiến dịch dân túy.
Cuối cùng, Wallace đã tự coi mình là một nhà phân biệt chủng tộc, song thoạt đầu ông là đảng viên đảng Dân chủ theo khuynh hướng dân túy, vốn coi vấn đề chủng tộc hoàn toàn là chuyện thứ yếu. Đầu tiên ông chạy đua vào ghế thống đốc vào năm 1958 với tư cách là một đảng viên đảng Dân chủ ủng hộ New Deal và chịu thất bại trước một ứng cử viên do Ku Klux Klan ủng hộ. Sau đó, ông thề rằng “Tôi sẽ không bao giờ để bị đánh bại như một tên da đen (outnigger) nữa.”
Năm 1962, Wallace lại tiếp tục chạy đua và lần này ông đã chiến thắng như một người đề xướng cho việc “phân biệt ngay lúc này, phân biệt ngay ngày mai, phân biệt mãi mãi”. Năm 1963, ông trở nên nổi tiếng khi cố ngăn chặn hai sinh viên da đen đăng ký theo học tại Đại học Alabama. Năm 1964, ông chạy đua vào các cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ ở Wisconsin, Indiana và Maryland, và giành được khoảng 1/3 số phiếu bầu – cao nhất là 43% số phiếu ở Maryland, nơi ông được 15 trên tổng số 23 hạt ủng hộ. Năm 1968, trong vai trò ứng viên độc lập, ông chạy đua thách thức Richard Nixon của đảng Cộng hòa và Hubert Humphrey của đảng Dân chủ. Vào đầu tháng 10, Wallace đã chiếm ưu thế so với Humphrey trong các cuộc thăm dò – cuối cùng, ông đã giành được 13,5% phiếu bầu và thắng tại năm bang ở phía Nam. Năm 1972, ông chạy đua với tư cách ứng cử viên đảng Dân chủ và có cơ hội được đề cử khi vào tháng Năm, một kẻ ám sát đã tấn công ông trong lúc ông đang vận động tại Maryland.
Wallace tuy phản đối việc hội nhập chủng tộc, nhưng ông cũng đã biến nó thành một thành lũy bảo vệ những người Mỹ trung lưu da trắng trước chế độ chuyên chế ở Washington. Chính phủ Mỹ đã áp đặt ý chí của nó lên những người dân thường.
Tuy nhiên, Wallace không phải là một người bảo thủ chính trị. Đối với các vấn đề trong nước không trực tiếp liên quan tới cuộc đua, ông đã chạy đua như một nhà dân chủ của New Deal. Trong cuốn sách vận động năm 1968, ông khoe khoang rằng ở Alabama, ông đã tăng chi cho giáo dục, phúc lợi, đường xá và nông nghiệp.
Vào năm 1976, Donald Warren xuất bản một nghiên cứu về “giới cấp tiến trung lưu ở Mỹ” (MARs). Dựa trên các cuộc điều tra sâu rộng được thực hiện giữa năm 1971, 1972 và 1975, Warren đã xác định được một nhóm chính trị riêng biệt, không phải là cánh tả cũng chẳng phải cánh hữu, không phải tự do mà cũng không bảo thủ nốt. Nhóm MARs này “cảm thấy rằng tầng lớp trung lưu đã bị bỏ rơi một cách nghiêm trọng,” Warren viết. Họ thấy “chính phủ phải chiếu cố tới cả người giàu lẫn người nghèo cùng một lúc”.
MARs của Warren mang quan điểm bảo thủ về các vấn đề nghèo đói và chủng tộc. Họ bác bỏ các thiết chế phúc lợi kiểu như “người giàu phải nhượng bộ trước yêu sách của người nghèo, còn những người có thu nhập trung bình phải è cổ ra chi trả”. Họ không thích chính quyền quốc gia, nhưng họ cũng nghĩ rằng các tập đoàn kinh doanh “có quá nhiều quyền lực” và “quá lớn”. Họ ủng hộ nhiều chương trình theo khuynh hướng tự do. Họ muốn chính phủ phải bảo đảm công việc cho mọi người. Họ ủng hộ việc kiểm soát giá cả (nhưng không phải lương), chăm sóc sức khỏe, một số loại bảo hiểm y tế quốc gia, trợ cấp liên bang cho giáo dục và an sinh xã hội.
Warren quan sát thấy rằng MARs chiếm khoảng một phần tư số cử tri. Xét trung bình thì nhóm này có nhiều nam giới hơn nữ giới; có theo học tới tầm phổ thông chứ chưa tới đại học; thu nhập của họ nằm đâu đó ở mức giữa hoặc hơi thấp hơn; họ làm những nghề kiểu thành phần cổ xanh có chút kỹ năng, hoặc công việc văn phòng hoặc bán hàng – và họ chính là nhóm nhân khẩu rất có khả năng bỏ phiếu cho những người như George Wallace.
Nói cách khác, những người ủng hộ Wallace là những cử tri tự coi mình thuộc tầng lớp trung lưu – tương đương với cái cụm từ “nhân dân” của Mỹ – và họ tin rằng họ bị kẹt trong mối xung đột giữa những người ở bên dưới và bên trên.
Bốn mươi năm sau, Trump tự coi mình là kẻ thù của các hiệp ước thương mại tự do hay những kẻ nhập cư bất hợp pháp, và rằng chính ông là chiến binh của “đa số thầm lặng” – một thuật ngữ mượn từ Nixon – chống lại “các nhóm lợi ích đặc biệt” và “giới quyền uy” của cả hai đảng. “Đa số thầm lặng đã trở lại, và họ không còn im lặng nữa”, Trump đã tuyên bố như vậy. Và quả vậy, “đa số thầm lặng” đã đứng về phía Trump.
—
Bài tiểu luận này phỏng theo Cơn bùng nổ của những nhà dân túy (The Populist Explosion) của John B Judis, Nhà xuất bản Columbia Global Reports.