Tạp chí Đại học

Tạp chí Đại học, Tạp chí nghiên cứu của Viện Đại học Huế

Bản scan (pdf)

Từ số 1, tháng 2/1958 đến số 39, tháng 6/1964 (thiếu số 18, tháng 11/1960 và số 20, tháng 4/1961)

Tải về tại: https://mega.nz/#F!56IXQKrK!pb6u9wSuMcKSApxvXLi23Q
(Cảm ơn anh Duy Doan đã chia sẻ.)

“LỜI PHI LỘ – Tạp chí Đại học số 1, tháng 2/1958

Khi một viện Đại-học được thành-lập, người ta có dịp suy nghĩ lại về địa-vị của nó trong đoàn thể quốc-gia.

Chúng tôi thiết tưởng Đại-học không thể tách rời khỏi đời sống đoàn thể Quốc-gia, tuy không có ý nói Đại-học phải hy-sinh sứ-mệnh đặc-biệt của mình. Như thế có nghĩa là:

1. – Đại-học có một đời sống biệt-lập, là nơi suy-tưởng và khảo cứu vô vị lợi.

2. – Đồng thời Đại-học phải gắn liền với đoàn thể dân-tộc, gây dựng và duy-trì những tiếp xúc, trao đổi thường xuyên với mọi nhóm xã-hội và với mọi khía cạnh của đời sống xã-hội.

Do đó, Đại-học không thể là một “tháp ngà”, một nơi khép kín đối với thế-giới bên ngoài, trong đó những người có phận sự chỉ việc trao cho sinh-viên những kiến thức chuyên môn không dính líu gì đến cuộc đời chung quanh. Trong một quan niệm rộng rãi, hợp với nhu cầu của xã-hội hiện đại, có lẽ Đại-học sẽ phải đảm nhiệm một công cuộc giáo-dục sâu rộng hơn ngày nay. Đại-học phải được tổ chức thế nào để tất cả những người hoạt động ngoài Đại-học nhất là để những người đã xuất thân ở Đại-học, có thể tiếp-xúc hay trở về lần hồi với Đại-học để trao đổi kinh nghiệm, lãnh-hội những kỹ-thuật, kiến-thức mới (đặc biệt trong các ngành khoa-học như y-học, kinh-tế-học, v.v.).

Tuy nhiên Đại-học vẫn giữ sứ mệnh đặc biệt của mình là sứ mệnh văn-hóa, không phải chỉ là trường chuyên môn dạy kỹ-thuật. Sứ mệnh văn-hóa bao hàm dự bị xây dựng một nền nhân-bản và Đại-học có trách nhiệm duy trì và làm phát-triển nền nhân-bản đó.

Muốn đạt tới ý định ấy, chúng tôi thiết tưởng cần có một tờ báo làm sợi giây liên lạc, nơi trao đổi phản ảnh những nỗ lực tìm kiếm, nhận định khảo cứu thuần túy nhưng bắt đầu từ những vấn đề đặt ra trong đời sống. Như thế, có lẽ tránh được sự ly-dị giữa tư-tưởng với đời sống, đồng thời vẫn bảo vệ được tính cách “tương đối biệt-lập”, vô vị lợi của Tư-tưởng.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc thành lập một viện Đại-học Việt-Nam tất nhiên sẽ đặt vấn-đề phương tiện ngôn ngữ xử dụng trong công cuộc giảng dạy, trao đổi.

Vậy có nên tiếp tục dùng ngoại ngữ hay chấp nhận ngay một sự kiện tự-nhiên hợp-lý là dùng tiếng Việt? Chúng tôi đã theo giải pháp thứ hai, nghĩa là quyết định dùng tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong tất cả các ngành Đại-học. Sự quyết định đó không bao hàm một ẩn ý bài ngoại, nhưng chỉ là công nhận một sự kiện tất nhiên phải thế.

Chúng tôi quan-niệm rằng, sống giữa thời đại mà thế giới là một sự trao đổi giữa các dân-tộc về văn hóa, chính trị đã thành một điều tất yếu, nên một sinh-viên ra khỏi trường Đại-học, không thể không biết xử dụng đầy đủ một ngoại ngữ làm phương tiện diễn tả và như điều kiện cần thiết để tiến bộ mãi mãi trong công việc khảo cứu, đi sâu vào ngành chuyên môn của mình. Trong viễn tượng đó chúng tôi đã tổ chức các chứng chỉ và các lớp học trong các khoa một cách hợp lý để sau thời gian ở Đại học, người sinh viên có thể xử dụng ít nhất là một ngoại ngữ.

Nhưng tiếng Việt vẫn phải là ngôn ngữ chính. Không có lý do nào phủ nhận được sự kiện tiếng Việt phải là ngôn ngữ của một trường Đại-học Việt-Nam. Vấn đề không phải là xem tiếng Việt có đủ khả năng hay không, nhưng là xem những người có trách nhiệm có cố gắng, nỗ lực đủ hay không? Kinh-nghiệm cho hay rằng lúc dầu khó, nhưng nếu cố gắng, dần dần sẽ khuất phục được mọi khó khăn. Trong giai đoạn đầu là giai đoạn tìm kiếm, xây dựng, chúng ta cứ dịch, cứ giảng bằng sáng tác ra danh từ kiểu nói mới. Tất nhiên sẽ có thể lộn xộn và nhiều khi không đồng ý nhau về một số danh từ. Nhưng cứ dùng cho quen đi, rồi theo luật đào thải, danh từ nào hợp lý, hoàn toàn sẽ được chấp nhận và lúc đó mới cần Hàn Lâm Viện. Hàn Lâm Viện không có mục đích sáng tác nhưng chỉ xác nhận thôi nghĩa là hợp thức hóa những danh từ thói quen đã công nhận.

Chúng tôi tin tưởng như vậy vì chúng tôi đã bắt đầu thực hiện và thấy rằng sự thực là thế.

Dĩ nhiên trong ngành Đại học chúng ta còn thiếu sót mọi sự: dụng cụ, sách vở, tài liệu giáo khoa, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt. Nhưng có lẽ điều cần không phải là ngồi tranh luận nên hay không nên dùng tiếng Việt, nhưng là bắt tay vào việc, thực hiện một cái gì… với tấm lòng hy-sinh kín đáo của một người hay dưới hình thức tập thể.

Trong ý định ấy, chúng tôi cũng sẽ thành lập một nhà xuất bản Đại-học để ấn loát những tác phẩm phiên dịch hay khảo luận về các loại chuyên môn triết học, văn chương, khoa học, kỹ thuật.

Tờ tạp chí này ra đời là nhằm đáp lại mục đích đó: phổ biến trong tinh thần trao đổi, đối thoại những kết quả đã sưu-tầm bằng tiếng Việt.

Công cuộc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam nói chung và một văn học Đại học nói riêng thật khó khăn, to lớn và lâu dài. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ cứ làm, dù có khuyết điểm sai lầm vì “méo mó” còn hơn không, sửa chữa một cái gì đã có dễ hơn là đào tạo nên từ số không.

Góp một phần bé nhỏ vào công cuộc to lớn ấy, là ý nguyện của những người cộng tác trong tờ tạp chí này vậy.

TẠP-CHÍ ĐẠI-HỌC”