Top 10 cuốn sách Khoa học chính trị của NXB Tri Thức

Từ kinh nghiệm 5 năm làm việc trong ngành khoa học chính trị, nhóm Tinh Thần Khai Minh mạnh dạn đề xuất một danh sách gồm 10 tác phẩm đáng đọc nhất của NXB Tri Thức trong chính lĩnh vực này.

1. Đường về Nô lệ
Đây là tác phẩm tạo nên tiếng vang cho nhà kinh tế học Friedrich Hayek, một trong những người tiên phong chỉ trích và chống lại ý thức hệ cộng sản. Có thể coi “Đường về Nô lệ” là tác phẩm thuộc hàng phổ thông nhất trong dòng sách phê phán chủ nghĩa cộng sản, với những lý giải logic về sự thất bại không thể tránh khỏi của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

2. Bàn về Tự do
Được viết bởi triết gia John Stuart Mill, “Bàn về Tự do” là một tuyên ngôn cổ võ cho tinh thần tự do trước mọi nền chuyên chế. Đọc “Bàn về Tự do”, chúng ta hiểu được ý nghĩa quan trọng của các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do theo đuổi đời sống cá nhân của mỗi người, dựa trên cơ sở thuyết công lợi.

3. Nền Dân trị Mỹ
“Nền dân trị Mỹ” của Alexis de Tocqueville khảo sát toàn diện nền dân chủ Mỹ, từ địa lý cho đến thể chế, văn hóa, và tôn giáo. Nó giải thích tại sao nền dân chủ lại có thể áp dụng thành công ở Mỹ vào thế kỷ 19, trong khi đó châu Âu (cụ thể là Pháp) vẫn đang vật lộn giữa dân chủ và độc tài. Sự sâu sắc của tác phẩm khiến cho người ta thường nói rằng Tocqueville, vị triết gia đến từ nước Pháp, hiểu nước Mỹ còn hơn chính người Mỹ.

4. Chính thể Đại diện
“Một chính quyền phải được phán xét bằng những hành động của nó đối với người dân và đối với sự việc; bằng việc nó tạo nên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ…” Lại một tác phẩm khác của John Stuart Mill, song không phải về chủ nghĩa tự do, mà về nền dân chủ. Đây cũng là một trong những công trình khảo cứu sớm nhất về các nguyên tắc tổ chức của một chính quyền dân chủ, và vẫn còn đầy ảnh hưởng cho đến ngày nay.

5. Bốn Tiểu luận về Tự do
Isaiah Berlin là một trong những triết gia chính trị khách quan và sâu sắc nhất khi bàn về tự do. “Bốn Tiểu luận về Tự do” của ông là một công trình khảo cứu công phu về ý tưởng tự do trong lịch sử loài người. Trong đó, ông chỉ ra những cách hiểu khác nhau về tự do, cũng như những mâu thuẫn trong các cách hiểu ấy. Do vậy, Isaiah Berlin ủng hộ cho một khái niệm tự do trên cơ sở đa nguyên. 

6. Chủ nghĩa Tự do Truyền thống
Nhắc đến chủ nghĩa tự do, không thể không nhắc đến trường phái kinh tế học Áo. Nhắc đến trường phái Áo, không thể bỏ qua Ludwig von Mises, người mạnh mẽ cổ xúy cho hệ thống sở hữu tư nhân. Đầu thế kỷ 20, “Chủ nghĩa tự do Truyền thống” của Mises đã ra đời như một cương lĩnh cho những người tự do, khi đang phải loay hoay chống lại cơn bão của các khuynh hướng tập thể như phát xít và cộng sản.

7. Khảo luận Thứ hai về Chính quyền
Mục đích của chính quyền là gì? Đâu là nguồn gốc quyền lực của chính quyền? Và khi chính quyền chống lại người dân, thì người dân có thể làm gì? “Khảo luận Thứ hai về Chính quyền” của triết gia Khai Sáng John Locke, tác phẩm đặt nền tảng cho nền dân chủ tự do phương Tây, sẽ giải đáp tất cả những câu hỏi trên cho chúng ta.

8. Chủ nghĩa Cá nhân và Trật tự Kinh tế
Thêm một tác phẩm của F. A. Hayek, với tính kỹ thuật cao và có phần khó đọc đối với độc giả đại chúng. Tuy nhiên, để hiểu sâu hơn về thị trường tự do và nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, theo các khía cạnh tự do, đạo đức, và xã hội học, thì “Chủ nghĩa Cá nhân và Trật tự Kinh tế” là một tác phẩm không thể bỏ qua.

9. Các Mô hình Quản lý Nhà nước Hiện đại
Có thể xem “Các Mô hình Quản lý Nhà nước Hiện đại” như một cuốn giáo trình đầy đủ và chi tiết về các nền dân chủ đương thời. Trong tác phẩm này, Giáo sư David Held lần lượt đi từ lịch sử của dân chủ, các tư tưởng dân chủ, cho đến mô tả cách vận hành của từng mô hình khi đưa vào áp dụng trên thực tế.

10. Nền Đạo đức Tin Lành và Tinh thần Chủ nghĩa Tư bản
Đây là một cuốn sách dễ khiến độc giả choáng ngợp khi phần chú giải hầu như chiếm hơn phân nửa mỗi trang. Với hàm lượng kiến thức đồ sộ, “Nền Đạo đức Tin Lành và Tinh thần Chủ nghĩa Tư bản” của Max Weber đưa ra một giả thuyết chặt chẽ về mối liên hệ giữa sự tạo lập nền tư bản Âu châu và nền đạo đức khổ hạnh Tin Lành.

Vì sao danh sách này được ra đời? Mời bạn đọc “Thư ngỏ: Đứng cùng Giáo sư Chu Hảo” của nhóm Tinh Thần Khai Minh tại https://www.facebook.com/tinhthankhaiminh/posts/2183755598544908

Ảnh: Giáo sư Chu Hảo (áo trắng), Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, cùng một số thành viên nhóm Tinh Thần Khai Minh trên bàn tham luận của hội thảo “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, 25/7/2014.

Ở Hà Nội, để đọc sách, bạn có thể ghé văn phòng NXB Tri Thức tại tầng 1 Tòa nhà VUSTA, Số 53 Nguyễn Du. Với một số cuốn không còn hàng, thậm chí đã bị thu hồi hoặc cấm tái bản, bạn có thể tìm ở phố Đinh Lễ.

Ở Sài Gòn, một trong những điểm chuyên bán sách của NXB Tri Thức là nhà sách Hoàng Cương, 130 đường D2, quận Bình Thạnh.

 

44831571_2714859515406260_5608475050823909376_n