Trả lời cho câu “không làm được gì thì đừng chỉ trích”

Xin thưa, “chỉ trích” tức là “làm”.
 
Làm nghĩa là như thế nào?
 
Thứ nhất, những tiếng nói chỉ trích, phản biện của người dân sẽ giúp soi tỏ các vấn đề nằm ở nhiều ngóc ngách trong xã hội, mà các cơ quan chức năng không thấy, không muốn thấy, hoặc không chịu thấy. Chỉ khi bắt đầu nhận diện được các vấn đề thì chính quyền mới có thể tìm cách giải quyết chúng (nhận diện tới đâu, và giải quyết được hay không, thì còn tùy vào năng lực của chính quyền). Ví dụ, mới đây, sau khi người dân liên tục lên tiếng chỉ trích, Hà Nội đã điều chỉnh quy định về giấy đi đường theo hướng giảm thiểu phát sinh giấy tờ con.
 
Thứ hai, việc người dân chỉ trích chính quyền sẽ giúp kéo lại cán cân quyền lực trong xã hội, vốn đang rất mất cân đối. Xin nhớ cho, Việt Nam là chế độ chính trị một đảng, không có tam quyền phân lập, cũng không có luật lệ gì cho xã hội dân sự phát triển, báo chí phần lớn lại chịu sự chỉ đạo của đảng, tức là: không có cơ chế đối trọng, kiểm soát, cân bằng. Việc lên tiếng chỉ trích có thể coi như một trong những phương tiện cuối cùng để người dân tự bảo vệ mình, đồng thời kêu đòi minh bạch, giải trình, và trách nhiệm. Vụ việc năm 2015, khi gần 90.000 công nhân Pouyuen đình công phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, ngay sau đó Thứ trưởng Bộ Lao động Doãn Mậu Diệp đã đến đối thoại với công nhân, và rồi Quốc hội đi tới quyết định sửa đổi Điều 60 này, là một ví dụ điển hình.
 
Hai ý trên sẽ dẫn đến ý thứ ba như sau, việc chỉ trích sẽ giúp tháo gỡ các ngòi nổ bạo lực. Một khi người dân được tự do lên tiếng để giãi bày uất ức, nhờ đó các cơ quan thẩm quyền có cơ hội tìm hiểu và giải quyết những uất ức ấy – đặc biệt là dưới dạng bức xúc tập thể, thì xã hội mới có thể ngăn chặn được các xung đột bạo lực tiềm tàng. Liên quan đến điểm này, một câu chuyện rất cần được lưu tâm vào thời điểm hiện tại chính là bức xúc gia tăng của người dân ở các khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Long An, nơi dịch bệnh ngày càng nặng nề nhưng lại không được chú ý đủ. Loạt video người dân phá chốt kiểm soát cách đây vài ngày, được cho là xảy ra ở Tân Uyên, Bình Dương, là một chỉ dấu quan trọng, rằng bạo lực có thể nổ ra ở bất kỳ đâu nếu chính quyền địa phương không kịp thời lắng nghe và giải quyết những khó khăn mà người dân đang gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh.
 
Cuối cùng, và quan trọng nhất, lên tiếng chỉ trích chính là một phần của quyền tự do ngôn luận. Công dân có quyền chỉ trích chính quyền mà họ bầu ra, hay ít nhất, chính quyền tự nhận là do dân bầu ra. Và thực hiện quyền là một dạng tham chính. Chừng nào công dân còn lên tiếng chỉ trích, tức là họ còn đang dự phần vào đời sống chính trị bằng tiếng nói của mình, thì chừng đó xã hội còn hy vọng.
 
Bên cạnh việc không bác bỏ quyền chỉ trích của người khác, chúng ta cũng cần cổ xúy cho những hành động chỉ trích xác đáng và phù hợp, như:
 
1. Chỉ trích trên tinh thần phi bạo lực, không kêu gọi xung đột bạo lực;
 
2. Chỉ trích trên tinh thần tôn trọng sự thật, không ngụy tạo thông tin và lan truyền tin giả rồi lấy đó làm cớ để chỉ trích;
 
3. Chỉ trích trên tinh thần đúng người, đúng việc, tức là tìm hiểu rõ sự việc và xem xét ai là bên chịu trách nhiệm trước khi chỉ trích;
 
4. Chỉ trích trên tinh thần tôn trọng phẩm giá con người.
 
Bởi, bên cạnh việc cổ võ cho một xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng các quyền, chúng ta cũng cần ủng hộ các nền tảng luân lý, tri thức, và phẩm giá. Chỉ có như vậy, những rạn nứt trong xã hội mới thôi bị khoét sâu, và còn có cơ hội để chữa lành trong tương lai.