Tranh luận phê chuẩn Hiến pháp Mỹ – bài phỏng dịch

Vi Yên; phỏng dịch từ David Boucher và Paul Kelly; Political Thinkers: From Socrates to the Present; Oxford University Press; 2013; bài đăng thành 3 kỳ trên Luật Khoa Tạp chí vào 13/6/2017 tại https://www.luatkhoa.org/2017/06/tranh-luan-phe-chuan-hien-phap-my-ky-1-cong-hoa-hay-dan-chu/https://www.luatkhoa.org/2017/06/tranh-luan-phe-chuan-hien-phap-ky-2-ly-thuyet-dai-dien/https://www.luatkhoa.org/2017/06/tranh-luan-phe-chuan-hien-phap-ky-3-duc-hanh-va-nhan-quyen/

Vào năm 1787, bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ được công bố rộng rãi để người dân 13 bang quyết định phê chuẩn hay bác bỏ. Một cuộc tranh luận quyết liệt đã diễn ra giữa những người ủng hộ hiến pháp – hay những người liên bang – và những người bác bỏ hiến pháp – hay những người chống liên bang.

Tư tưởng của những người ủng hộ liên bang được thể hiện trong tác phẩm Luận cương Liên bang (The Federalist Papers), do Alexander Hamilton, John Jay, và James Madison viết, với bút danh chung là Publius. Trong khi đó, tư tưởng chống liên bang không được hệ thống hoá trong một tác phẩm hoàn chỉnh, mà chỉ là các bài viết của nhiều tác giả khác nhau, nổi tiếng nhất là tác giả có bút danh Brutus (nhiều khả năng là Robert Yates).

Cuộc tranh luận của họ đã làm sáng tỏ các nguyên tắc của hiến pháp Mỹ với các vấn đề trung tâm như: chính quyền mới theo hiến pháp có phải là chính quyền cộng hòa hay không, sự đại diện như thế nào mới là đúng đắn, quân đội thường trực có cần thiết, và một nền cộng hòa có cần một tuyên ngôn dân quyền để bảo vệ các quyền và tự do của người dân hay không.

(Để hiểu chi tiết hơn về lịch sử Hiến pháp Mỹ các bạn có thể đọc bài: Lược sử hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ).

Bản gốc Hiến pháp Mỹ ngày nay được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: Madison.com.

PHẦN I. CỘNG HÒA HAY DÂN CHỦ

Vào cuối thế kỷ 18, thuật ngữ “dân chủ” chưa mang ý nghĩa tích cực như ngày nay. Dân chủ thường được hiểu là sự cai trị theo giai cấp – mà cụ thể ở đây là các giai cấp thấp trong xã hội vì các lợi ích kinh tế và chính trị của chính họ. Trong mô hình phân loại sáu hình thức cai trị của Aristotle, thì dân chủ là hình thức cai trị của số đông, và được coi là hình thức cai trị “suy đồi”.

Tương tự với dân chủ, còn có một hình thức cai trị khác của số đông, song được coi là tốt lành, có tên gọi là “Polity” – mà người La Mã gọi đó là “cộng hòa”. Tới thời Phục Hưng, tư tưởng chính trị cộng hòa mới được Machiavelli khôi phục, và dần dần được áp dụng rộng rãi bởi James Harrington của thế kỉ 17 và các lý thuyết gia cộng hòa Anh của đầu thế kỉ 18.

Theo lý thuyết cộng hòa này, chính quyền được cai trị bởi (hoặc nhân danh) người dân, quyền lực của người cai trị hoặc “người đại diện” bị luật pháp giới hạn, nhằm mục đích bảo vệ các quyền và tự do của người dân.

Để hình thức chính quyền này tồn tại, người dân và người cai trị cần phải là những người có “đức hạnh”, tức họ phải có các phẩm chất như tinh thần cộng đồng, quan tâm đến lợi ích chung. Khi người dân mất đi những phẩm chất này thì họ trở nên “suy đồi” và dễ dàng đánh mất “tự do” của mình – tức là, sự tự do cai trị chính họ – vào tay những kẻ chuyên chế.

Để duy trì tự do và đức hạnh dân sự, cần có một đội quân dân sự gồm các công dân được trang bị vũ trang. Đội quân này chính là nơi gắn kết những người dân lại với nhau để bảo vệ cộng đồng bằng tinh thần chung. Đồng thời, sẽ không có kiểu đội quân thường trực với các binh sĩ chuyên nghiệp được trả lương, bởi sự hiện diện của nó là một mối đe dọa cho sự tự do của nền cộng hòa. Đây là một trong số các đặc trưng của truyền thống tư tưởng cộng hòa Atlantic.

Trong thời gian sau Cách mạng Mỹ (1776-1783), “cộng hòa” là khẩu hiệu của mọi nhà ái quốc. Khi Patrick Henry tuyên bố “hãy cho tôi tự do hay cho tôi cái chết”, tức là ông đang nói đến sự tự do cộng hòa, trong đó người dân được quyền cai trị chính họ. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi bản dự thảo Hiến pháp được công bố vào ngày 17/9/1787, câu hỏi đầu tiên được nêu lên – và người ta lặp đi lặp lại suốt một thời gian sau đó – là liệu chính quyền theo hiến pháp này có thực sự là một chính quyền cộng hòa hay không.

Những người theo chủ trương liên bang cho rằng bản dự thảo Hiến pháp đã tạo ra một chính quyền cộng hòa, trong khi những người chống liên bang phủ nhận điều này. Như một tác giả chống liên bang từng viết, vấn đề không phải là giữa “những người ủng hộ liên bang” và “người chống liên bang” mà là giữa “những người cộng hòa thực thụ” như ông, và những người cộng hòa giả mạo như các Publius. Tuy nhiên, các Publius cho rằng bản dự thảo Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thực sự của chính quyền cộng hòa.

Nhưng cái khó ở đây là: các Publius và những người ủng hộ liên bang đang bảo vệ cho một dạng cộng hòa hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử, cũng như trong thực tiễn và lý thuyết chính trị cộng hòa – “một nền cộng hòa với quy mô rộng lớn”.

Vào thời điểm dự thảo Hiến pháp Mỹ được công bố năm 1787, nước Mỹ có 13 bang ở miền Đông (đỏ). Ảnh: Wikipedia.

Các lý lẽ về quy mô

Nền cộng hòa Mỹ có quy mô rộng lớn, với lãnh thổ của một đế chế cùng triển vọng mở rộng hơn nữa về phía Tây và phía Nam, khi dân số ngày càng tăng.

Những người chống liên bang cho rằng “nền cộng hòa với quy mô rộng lớn” là điều hết sức nghịch lý. Nổi bật nhất trong nhóm này là Brutus đến từ New York. Brutus nói, nếu chịu khó học hỏi những con người vĩ đại và sáng suốt nhất từng viết về “khoa học chính quyền”, thì dễ thấy một kết luận hiển nhiên rằng “nền cộng hòa tự do không thể nào tồn tại trong một đất nước có diện tích mênh mông với dân số ngày càng tăng như Mỹ”.

Theo Brutus, trong lịch sử chưa hề tồn tại bất cứ nền cộng hòa tự do nào với quy mô rộng lớn từng tồn tại. Các nền cộng hòa Hy Lạp và La Mã đều có quy mô nhỏ bé. Khi những đế chế này mở rộng thông qua các cuộc chinh phạt lãnh thổ, chúng không còn là một nền cộng hòa nữa, chính quyền của chúng đã thay đổi từ các chính quyền tự do nhất thành các chính quyền chuyên chế nhất từng tồn tại.

Brutus trích dẫn lời Montesquieu rằng “một nền cộng hòa chỉ có thể tồn tại trong một lãnh thổ nhỏ”. Tự bản chất các lãnh thổ lớn với dân số đa dạng sẽ không phù hợp với việc tự cai trị, mà chúng phù hợp với chế độ quân chủ hoặc chuyên chế. Brutus chỉ ra rằng “khi thống nhất cái lục địa mênh mông này về tay một chính quyền, vì các mục đích đối nội cũng như đối ngoại, thì chúng ta buộc phải hy sinh tự do của bản thân”. Do đó, nếu nước Mỹ cố tạo ra một nền cộng hòa với quy mô rộng lớn thì sẽ cực kỳ nguy hại.

Các Publius nhanh chóng đáp lại bằng tiểu luận Liên bang số 9 và số 10. Trong tiểu luận số 9, Hamilton cho rằng những thứ mà Brutus đề cập đã hoàn toàn lạc hậu. Theo ông, so với thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, khoa học chính trị đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Những nguyên tắc chính trị khi xưa, nay đã được khám phá hoặc trở nên ngày càng hoàn thiện. Sự phân chia quyền lực giữa các nhánh khác nhau, sự kiểm soát và cân bằng giữa chúng, sự độc lập của tư pháp, chính quyền đại diện với những người đại diện được bầu chọn – tất cả đều là những khám phá hoàn toàn mới trong thời hiện đại. Đó là các phương tiện đầy sức mạnh, để từ đó một nền cộng hòa có thể đạt được thành công ở bất cứ quy mô nào.

Đồng thời, các Publius cũng cố gắng bác bỏ việc viện dẫn từ những tác giả nổi danh như Montesquieu. Theo Hamilton, tiêu chuẩn của Montesquieu không hề phù hợp với Mỹ. Có thể thấy, ngay cả từng bang riêng lẻ như là Virginia, Massachusetts, Pennsylvania, New York, North Carolina, hay Georgia đều rất lớn so với tiêu chuẩn “quy mô giới hạn” mà Montesquieu đặt ra. Do đó, cần một tiêu chuẩn mới cho nền cộng hòa hiện đại.

Tái định nghĩa nền cộng hòa

Khi Hamilton bác bỏ luận điểm về kích thước giới hạn của nền cộng hòa trong tiểu luận Liên bang số 9, ông đã tạo ra bước đệm để Madison tái định nghĩa nền cộng hòa trong tiểu luận Liên bang số 10. Đây chính là tiểu luận nổi tiếng nhất trong tác phẩm Luận cương Liên bang.

Trong tiểu luận này, Madison chỉ ra những tác hại của “phe cánh” hiện tồn trong hệ thống cũ, và theo ông có hai cách để tránh điều này. Thứ nhất là loại bỏ nguyên nhân của chúng, và thứ hai là kiểm soát ảnh hưởng của chúng. Cách thứ nhất đòi hỏi tài sản phải phân chia bình đẳng (vì sự đố kỵ là nguồn gốc chính của phe cánh), và phải loại bỏ tự do – yếu tố sống còn cho sự tồn tại của phe phái. Nhưng Madison nói, điều này thật điên rồ vì “phương cách cứu chữa còn làm cho căn bệnh tồi tệ hơn”. Cách cứu chữa khả dĩ duy nhất là kiểm soát ảnh hưởng của phe phái. Và chỉ có một nền cộng hòa mở rộng mới có thể đem lại điều này.

Madison phân biệt rõ giữa “dân chủ” và “cộng hòa”. Thuật ngữ “dân chủ” mà Madison nhắc đến chính là cái mà ngày nay chúng ta gọi là nền dân chủ trực tiếp – nghĩa là, sự cai trị bởi toàn thể những người dân sinh sống trong một vùng lãnh thổ tương đối nhỏ. Dân chủ đơn thuần là một hệ thống trong đó số đông sẽ cai trị. Và kiểu cai trị này rất dễ bị thao túng để biến thành kiểu cai trị phe cánh, và không thực sự bị kiểm soát. Một “nền dân chủ thuần túy” không thể khắc phục được những vấn đề của phe cánh. Đó chính là nhược điểm của hệ thống Hiến pháp cũ. Một dạng cai trị hoàn toàn khác – một nền cộng hòa – mới là thứ “mang lại nhiều triển vọng và hứa hẹn sẽ khắc phục được những vấn đề hiện tồn”.

Từ đó, Madison đã tái định nghĩa rằng, một nền cộng hòa phải có hai đặc trưng. Thứ nhất, nó gồm một hệ thống đại diện, và thứ hai, nó có diện tích rộng. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu xem hai đặc trưng này được Madison giải thích như thế nào, và những người đại diện sẽ trung hòa và điều chỉnh các lợi ích cạnh tranh ra sao, để từ đó kiểm soát được những tác động tai hại của vấn đề phe cánh.

PHẦN II. LÝ THUYẾT ĐẠI DIỆN

Tuy những người chống liên bang phê phán nền cộng hòa quy mô lớn, song họ cũng không hoàn toàn ủng hộ nền dân chủ trực tiếp. Thứ mà họ quan tâm là, làm thế nào để một “chính quyền đại diện” thực sự có tính đại diện.

Chính hình thức và chất lượng của tính đại diện được quy định trong bản hiến pháp mới đã gây ra bất đồng giữa những người chống và những người ủng hộ bản hiến pháp này. Ấy là do hai bên lập luận dựa trên hai lý thuyết đại diện khác nhau – lý thuyết “ủy nhiệm” và lý thuyết “độc lập”.

Theo lý thuyết ủy nhiệm, nhiệm vụ của người đại diện là phải phản ánh quan điểm của những người mà anh ta nhân danh, tức là người đại diện phải nghĩ và hành động như mọi người nếu họ ở vị trí của anh ta. Vai trò của anh ta không đơn thuần là đại diện cho lợi ích của cử tri, mà còn phải phản ánh tình cảm, tâm tư của họ. Vì vậy, anh ta phải là người đại diện “thực sự” của họ.

Trái lại, lý thuyết độc lập cho rằng người đại diện là một người phải tự đưa ra phán đoán riêng về lợi ích của cử tri, cũng như tự tìm cách đạt được những lợi ích này một cách tốt nhất. Anh ta được gọi là người đại diện “hình thức”, và như vậy anh ta sẽ không cần phải quan tâm đến tình cảm và thái độ của cử tri.

Nhìn chung, những người chống liên bang ủng hộ quan điểm ủy nhiệm.

Là một cây bút nổi bật trong số những người chống liên bang, Brutus cho rằng Hiến pháp mới tạo ra hai cơ quan đại diện (Hạ viện và Thượng viện) song chúng chỉ là danh nghĩa. Ông viết rằng, “càng suy nghĩ nhiều hơn về chủ đề này, tôi càng chắc chắn rằng, nếu sự đại diện chỉ đơn thuần mang tính hình thức thì quả là khôi hài”. Khi mô tả mối quan hệ giữa cử tri và người đại diện thực sự của họ, Brutus và các nhà lý thuyết ủy nhiệm viện đến các từ như “tương đồng”, “phản ánh”:

Thuật ngữ đại diện hàm ý rằng, những người được lựa chọn cho mục đích đại diện đều phải phản ánh quan điểm của người đã bầu cho họ. Như vậy, nếu là đại diện thực sự, thì người đại diện của nước Mỹ phải tương đồng với nhân dân. Phải làm sao để một người hoàn toàn xa lạ với một đất nước vẫn có thể hiểu về đất nước ấy khi nhìn vào những người đại diện.

Từ quan điểm ủy nhiệm này, Brutus kết luận rằng con số 65 người đại diện là quá ít để có thể thực sự đại diện cho một nước Mỹ đông dân. Thậm chí, khi dân số tăng, tính đại diện của cơ quan nhỏ bé này lại có thể giảm đi: “Rõ ràng nếu muốn một hội đồng thực sự tương đồng với người dân của quốc gia, thì nó cần phải có đủ người để đại diện cho tình cảm, quan điểm, và tâm tư của người dân quốc gia ấy”. Từ khía cạnh này, ông cho rằng bản hiến pháp mới đang tồn đọng một thiếu sót nghiêm trọng.

Dĩ nhiên, Brutus không hề đề nghị rằng mỗi cử tri cần có một người đại diện. Rõ ràng điều này là không thể, và nếu như vậy thì đây không còn là chính quyền đại diện, mà là một nền dân chủ trực tiếp. Chắc chắn đó không phải là hệ thống mà Brutus và những người chống liên bang mong muốn hướng tới. Mà họ ủng hộ một hệ thống đại diện dựa trên sự đại diện “thực sự”, ở đó sự đại diện không dành cho các cá nhân mà là cho các “tầng lớp” hay “giai cấp”.

Brutus nói, “lục địa rộng lớn này gồm rất nhiều giai cấp khác nhau. Để có được sự đại diện chuẩn xác, thì mỗi giai cấp phải được chọn ra người hiểu biết nhất về chính họ để làm người đại diện”. Các giai cấp ấy có thể là “nông dân, thương nhân, thợ máy, và các nhóm người khác, các nhóm này cần được đại diện dựa trên số lượng và tầm quan trọng tương ứng của họ. Những người đại diện phải thực sự hiểu rõ các ước muốn, lợi ích của các nhóm này, đồng thời phải có một nhận thức đúng đắn cũng như tinh thần nhiệt huyết trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của các cử tri”.

Như vậy, theo quan điểm này, Brutus cho rằng phương thức bầu cử và hệ thống đại diện của bản Hiến pháp mới không chỉ cản trở sự đại diện của các nhóm khác nhau mà còn hoàn toàn gạt bỏ họ. Do đó, trong thực tế, ngoài những người giàu có ra thì hầu như không nhóm nào có người đại diện, ngay cả trong nhánh lập pháp, vốn được coi là dân chủ.

Brutus cảnh báo rằng “những kẻ sinh ra giàu có với địa vị cao sang sẽ khó mà hiểu được các mong muốn, khó khăn, và không thể nào đồng cảm hay quan tâm đến cảm nhận của những tầng lớp thấp hơn”. Và họ hình dung tới một chính phủ nằm trong tay thiểu số giàu có, chuyên đàn áp và bóc lột.

Brutus và những người chống liên bang cho rằng Hiến pháp mới được thiết kế nhằm tước quyền bầu cử và xâm phạm tới các giá trị cộng hòa cao cả. Do đó, họ đã tụ họp và phản kháng nhanh nhất có thể. Song ngay sau đó, quan điểm này bị đáp trả bằng bài viết hùng hồn của Madison trong Tiểu luận Liên bang số 10.

Madison chỉ ra rằng lựa chọn thực tế không phải là giữa dân chủ và cộng hòa, mà là giữa hai dạng cộng hòa (lớn và nhỏ) và hai dạng đại diện (uỷ nhiệm và độc lập). Liệu nền cộng hòa nhỏ cổ xưa có đáng mong muốn hơn nền cộng hòa rộng lớn hiện đại? Câu trả lời gần như không liên quan tới việc đại diện cho ai mà là đại diện cho cái gì.

Điều đó dẫn đến câu hỏi then chốt: cơ quan lập pháp nên đại diện cho lợi ích riêng của các nhóm, các tầng lớp khác nhau – mà Madison thường gọi là phe cánh – hay nên đại diện cho lợi ích chung?

Một phiên họp của Hạ viện Hoa Kỳ. Ảnh: Getty Image.

Madison cảnh báo rằng, nếu người Mỹ tuân theo lý thuyết đại diện ủy nhiệm, thì cơ quan lập pháp của họ sẽ là một hỗn tạp gồm các lợi ích phe cánh hẹp hòi, chứ không phải là một bộ lọc chuẩn xác cho lợi ích chung. Vì những người cộng hòa thực sự sẽ hướng tới lợi ích chung, nên câu hỏi đặt ra là “nền cộng hòa nhỏ hay nền cộng hòa rộng lớn, cái nào mới có thể giúp chọn ra những người đại diện cho thịnh vượng chung”.

Theo Madison, chỉ nền cộng hòa liên bang rộng lớn mới có thể giải quyết được vấn đề này. Ấy là bởi, thứ nhất, số lượng các ứng viên sáng giá trong nền cộng hòa rộng lớn sẽ nhiều hơn trong nền cộng hòa nhỏ. Và thứ hai, khi mỗi cuộc bầu cử có nhiều cử tri hơn, thì sẽ khiến cho các ứng viên kém cỏi khó mà giở trò và dùng những thủ đoạn xấu xa, đây chính là điều mà các cuộc bầu cử nhỏ thường gặp phải.

Madison cũng phản đối quan điểm của Brutus rằng giới giàu có sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Hiến pháp. Theo Madison, của cải có thể dẫn đến suy đồi, tuy nhiên kiểu đại diện ủy nhiệm hẳn sẽ dẫn đến nhiều dạng suy đồi khác tồi tệ hơn. Trong khi Brutus phê phán những hành động không thực sự có tính đại diện, thì Madison chê bai những thủ đoạn của “các ứng viên tầm thường” trong một đám đông hỗn loạn. Hối lộ, khoa trương, mị dân, và “các thủ đoạn xấu xa” khác luôn là những khả năng tiềm ẩn. Nói cách khác, Brutus và những người chống liên bang chỉ quan tâm tới hành động của người đại điện sau khi họ được lựa chọn, còn Madison và những người liên bang tập trung vào cách mà các ứng cử viên giành ghế đại diện, rồi mới tới những dự định mà họ sẽ thực hiện sau khi thắng cử.

Song dù các lập luận của Madison rất thông minh, nó vẫn không hoàn toàn giải quyết được vấn đề về sự đại diện “thực sự” và đại diện “hình thức”. Để làm rõ hơn, Hamilton đã viết tiểu luận số 35. Ông đưa ra hai luận điểm.

Thứ nhất, ông cho rằng một cơ quan đại diện lớn sẽ khó hoạt động và không hiệu quả. Nếu cứ nhất nhất phải có một “cơ quan đại diện thực sự của mọi tầng lớp”, thì mỗi nghề nghiệp khác nhau sẽ phải cử một hoặc nhiều thành viên làm đại diện trong Quốc hội. Điều này sẽ tạo ra một cơ quan đại diện quá lớn và quá cồng kềnh đến nỗi “không bao giờ khả thi trong thực tế”. Ngoài ra, một hệ thống như vậy là không cần thiết, vì những người ở tầng lớp thấp luôn có xu hướng tự nhiên phục tùng những người có địa vị xã hội cao hơn so với họ.

Thứ hai, những người chống liên bang tin rằng cần có người đại diện cho mọi tầng lớp, để cho tình cảm và lợi ích của người dân được phản ánh tốt hơn. Nhưng theo Hamilton, tình cảm của các cử tri có thể không chính đáng, thấp kém, và thiếu sót. Và như vậy, cái hy vọng “hão huyền” về việc tạo ra một hệ thống đại diện thực sự sẽ không bao giờ có được trong bất cứ hình thức tổ chức nào.

Tuy nhiên, Hamilton lại vẫn chưa giải quyết được những chỉ trích liên hồi của người chống liên bang, rằng Hiến pháp mới sẽ làm trầm trọng thêm cái mặc cảm về sự thấp kém này. Nếu như vậy, chắc chắn bản Hiến pháp mới sẽ dẫn đến sự thờ ơ của công chúng, sự suy đồi chính trị, và đánh mất đức hạnh dân sự. Đây chính là những điểm mấu chốt cuối cùng của cuộc tranh luận mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ tới.

PHẦN III. ĐỨC HẠNH VÀ NHÂN QUYỀN

Trong các thảo luận về cộng hòa, cụm từ “suy đồi” ám chỉ khi người cai trị và công dân ngừng quan tâm đến lợi ích chung, mà chỉ bận tâm tìm kiếm lợi ích cá nhân cho riêng họ (đặc biệt là lợi ích kinh tế). Cũng như cơ thể con người trở nên già nua theo tuổi tác, cơ thể chính trị chẳng sớm thì muộn cũng sẽ đánh mất tính thống nhất và tính gắn kết hữu cơ của chúng, để rồi các bộ phận sẽ bị chia tách bởi các phe phái và không còn hòa hợp cùng nhau cho những mục đích chung lớn hơn. Khi thôi quan tâm tới lợi ích chung, mỗi người sẽ không còn là một công dân đức hạnh. Như vậy, suy đồi là sự đánh mất đức hạnh trong cơ thể chính trị của một quốc gia.

Theo những người chống liên bang, nếu không có “sự đại diện bình đẳng và đầy đủ của các tầng lớp, các nhóm trong cơ quan lập pháp”, người ta sẽ khó mà chống lại nạn hối lộ, tham nhũng, và suy đồi. Sự suy đồi của các quan chức hay người đại diện vốn đã là thứ tồi tệ, song sự suy đồi của công dân lại còn tồi tệ theo một cách nghiêm trọng hơn. Bởi vì, nếu thành viên của một tầng lớp nào đó cho rằng “các cá nhân” xa lạ không thuộc tầng lớp của họ lại có khả năng đại diện tốt hơn lợi ích của họ, thì tức là họ đang từ bỏ sự tự do của mình.

Mặt khác, khi các công dân cảm thấy chính họ không có quyền lực và tiếng nói, thì họ sẽ chẳng có lý gì để quan tâm đến các vấn đề chung. Khi ấy, họ còn bận lòng tới thứ gì khác hơn là các vấn đề thuần túy cá nhân nữa? Và như thế, họ trở nên biếng nhác trước những vấn đề về lợi ích của chính tầng lớp họ, tức là lợi ích chung. Điều này chắc chắn sẽ làm suy đồi người công dân, và sau cùng nó sẽ đánh mất sự tự do.

Như vậy, những người chống liên bang cho rằng Hiến pháp mới chứa đựng cả hai khiếm khuyết vừa nêu. Thậm chí, nhiều người chống liên bang còn cảm thấy rằng bản Hiến pháp mới được thiết kế với mục đích kép: làm cho người dân tin tưởng vào tầng lớp trên; và như thế họ sẽ trở nên thờ ơ đối với các vấn đề chung. Do đó, theo cách hiểu của chủ nghĩa cộng hòa cổ điển thì bản Hiến pháp mới này chính là một công cụ làm suy đồi phẩm chất công dân và là kẻ thù của tự do.

Từ quan điểm về nền cộng hòa của những người chống liên bang, một bản hiến pháp không chỉ là một tập hợp các luật lệ. Nó còn phải là một nguồn cảm hứng và là công cụ giáo dục công dân về các quyền và bổn phận của họ. Tuy hiến pháp của các bang riêng lẻ vẫn chưa thực sự hoàn thiện, song chúng được cho là có khả năng thực thi chức năng giáo dục đó. Chúng nhắc nhở công dân rằng sự tự do cộng hòa sẽ dễ dàng mất đi khi công chúng trở nên thờ ơ.

Từ những luận điểm trên, chúng ta phải thừa nhận rằng những người chống liên bang đã rất đúng đắn khi phê phán rằng bản Hiến pháp mới đưa ra một thông điệp sai lầm tới người dân. Rõ ràng là lý thuyết đại diện “hình thức” của Hiến pháp mới mang theo một ẩn dụ rằng quan điểm của người dân là không quan trọng, và rằng chỉ có giới tinh hoa mới đủ khả năng để bảo vệ lợi ích chung. Đồng thời, bản Hiến pháp mới này cũng thất bại trong việc tạo ra những cảm quan thiết yếu nhất về đức hạnh dân sự – vốn xuất phát từ sự tham gia của người dân.

Bức tranh Ngày bầu cử ở Philadelphia 1815 (Election Day in Philadelphia 1815) của hoạ sĩ John Lewis Krimmel. Nguồn: Fine Art America.

Thiếu sót: tuyên ngôn nhân quyền

Hầu hết những người chống liên bang đều lên án rằng bản Hiến pháp được soạn thảo ở Philadelphia đã thiếu sót trầm trọng: nó không hề đưa ra một tuyên ngôn nhân quyền.

Họ cho rằng rất cần thiết phải bổ sung vào đó một bản tuyên ngôn nhân quyền, nhằm nhắc nhở mọi người – cả người cai trị lẫn bị trị – rằng thẩm quyền của nhà nước bị giới hạn bởi các quyền tự do không thể xâm phạm của người dân. Trong khi cuộc Cách mạng Vinh quang ở Anh đã dẫn đến một bản tuyên ngôn nhân quyền, thì lẽ nào cuộc Cách mạng Vinh quang của Mỹ lại không xứng đáng với một tuyên ngôn như vậy? Vậy thì cuộc cách mạng này diễn ra vì điều gì, nếu không phải là để bảo vệ các quyền và sự tự do của người Mỹ?

Để có thể bảo vệ các quyền ấy, thì ngay từ đầu cần phải quy định rõ về bản chất và phạm vi của chúng. Ý chí của người cai trị hay người đại diện luôn thất thường – ai mà biết được họ sẽ định đoạt như thế nào khi quyền lực đã được trao vào tay họ? Nếu không bị kiểm soát bởi luật pháp, thì quyền lực sẽ nhanh chóng bị lạm dụng.

Trong bất cứ xã hội nào, ngay cả trong các nền cộng hòa được tổ chức tốt nhất, luôn tồn tại một xu hướng suy đồi khó tránh khỏi. Theo quan điểm của những người chống liên bang, Hiến pháp mới sẽ tạo ra một nước cộng hòa kém cỏi, dễ bị rơi vào trạng thái suy đồi ngay tắp lự, vì bản hiến pháp này trao quyền cho người cai trị và người đại diện ở cấp độ quốc gia trong khi lại tước đi quyền của công dân ở cấp địa phương. Điều này khiến cho công dân và giai cấp của anh ta trở nên nhỏ bé hơn. Vì thế, những người chống liên bang cho rằng cần phải đưa ra “một tuyên ngôn về quyền” kèm với bản Hiến pháp mới, vì sợ rằng người dân có thể bị lừa dối và bị đưa vào một cái bẫy mà họ không thể thoát ra.

Brutus nói, nếu không bảo vệ nhân quyền, thì bản Hiến pháp mới sẽ hết sức thiếu sót. Theo ông, các lý lẽ ủng hộ tuyên ngôn nhân quyền đã quá rành mạch và thuyết phục, và vạch ra cái bản chất thực sự của các Publius và những người liên bang: “có những kẻ đang nỗ lực thuyết phục người dân rằng một tuyên ngôn nhân quyền là thứ không cần thiết, rõ ràng là họ đang cố gắng lừa dối và dẫn chúng ta vào con đường nô lệ”. Những người chống liên bang liên tục nhấn mạnh luận điểm vững chắc nhất của họ: khi không có một tuyên ngôn nhân quyền, thì hiến pháp mới chỉ tạo ra một chính quyền cộng hòa trên giấy.

Hoạt hoạ về Tuyên ngôn Nhân quyền Mỹ, tức 10 Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp nước này. Nguồn: ESL Resources.

Những vấn đề còn lại

Sau nhiều cuộc tranh luận, cuối cùng Publius và những người liên bang đã chiến thắng. Dự thảo Hiến pháp được mười ba bang phê chuẩn, có một vài bang chỉ đồng ý thông qua với điều kiện là phải nhanh chóng bổ sung thêm một Tuyên ngôn Nhân quyền. Như vậy, Tuyên ngôn Nhân quyền – mười điều bổ sung đầu tiên của Hiến pháp mới – đã được thông qua vào năm 1791, liệt kê rõ ràng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, và những quyền khác. Nhưng còn nhiều vấn đề khác vẫn chưa được giải quyết, mà quan trọng nhất trong số đó là vấn đề về nô lệ và ly khai.

Hiến pháp mới vẫn thừa nhận tính hợp pháp của chế độ nô lệ. Đối với việc phân chia tỷ lệ đại diện ở Hạ viện, mỗi nô lệ da đen ở các bang miền nam được tính bằng 3/5 của một người da trắng, nhưng họ lại không có quyền công dân. Hiến pháp cũng quy định rằng các nô lệ bỏ trốn phải được trả về với chủ.

Dù nhiều bang miền Bắc ghét chế độ nô lệ và tìm cách bãi bỏ nó, song họ biết rằng các bang sở hữu nô lệ ở miền Nam sẽ không bao giờ thông qua Hiến pháp mới trừ khi quyền sở hữu nô lệ được bảo vệ. Việc thừa nhận chế độ nô lệ trong Hiến pháp bị coi là một điều đáng tiếc song không thể tránh được. Hiến pháp mới cũng không cho Quốc hội có quyền cấm nhập khẩu nô lệ cho đến tận năm 1898. Song ngay cả khi Quốc hội có quyền làm như vậy, thì vẫn không thể chấm dứt chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ trong nước.

Hiến pháp mới cũng không quy định rõ ràng về việc liệu một bang nào đó có thể bác bỏ các quyết định của chính phủ liên bang hay không, khi chúng gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho bang ấy, hoặc thậm chí là ly khai khỏi liên bang. Những người lập quốc vẫn hy vọng rằng những điểm thuận lợi của liên bang sẽ dư sức giữ cho các bang liên kết với nhau. Tuy nhiên, họ đã sai.

11 bang miền Nam tuyên bố ly khai khỏi Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến 1861-1965 vì muốn giữ chế độ nô lệ. Ảnh: PBS.org.

Nửa đầu thế kỷ 19 chứng kiến sự chia rẽ lớn giữa các bang nông nghiệp sở hữu nô lệ ở miền Nam và các bang đô thị công nghiệp ở miền Bắc. Vấn đề này bị đẩy lên đến đỉnh điểm vào năm 1861, khi các bang miền Nam ly khai khỏi liên bang. Liên hiệp bang Hoa Kỳ (miền Nam) thảo ra hiến pháp liên hiệp cho riêng họ, mà họ xem là thực sự có tính cộng hòa hơn so với hiến pháp trước. Chế độ quân đội dân sự trở thành nền tảng của quân đội liên hiệp, đối đầu với các lực lượng liên bang trong suốt 5 năm.

Vậy là, các câu hỏi chưa được giải quyết bằng bút chiến trong những năm 1787, cuối cùng đã bị mang ra giải quyết bằng sức mạnh quân sự trong cuộc nội chiến 1861-1865. Đây là điều mà các Publius và Brutus không thể lường trước.

Việc thành lập nước Mỹ nói chung, và tác phẩm Luận cương Liên bang nói riêng đã để lại một di sản phong phú cùng nhiều điều nan giải. Nó nêu lên các vấn đề chưa bao giờ được giải quyết: một chính quyền cộng hòa là gì? Nền cộng hòa hiện đại nên hướng tới các bổn phận dân sự hay là tới các quyền cá nhân? Chủ nghĩa tự do hiện đại dựa trên quyền có nên kết hợp với chủ nghĩa cộng hòa cổ điển dựa trên bổn phận để hình thành nên một tinh thần tự do cộng hòa?

Độc giả có thể đọc lại Luận cương Liên bang cũng như các ý kiến phản biện của những người chống liên bang để có thể soi tỏ phần nào những vấn đề hãy còn gây tranh cãi tới tận ngày nay.