Vi Yên; “Trung Quốc kiểm duyệt gì trên mạng?”, bài đăng trên Luật Khoa Tạp chí vào 15/6/2018 tại https://www.luatkhoa.org/2018/06/trung-quoc-kiem-duyet-gi-tren-mang/
“Có những thành phần sử dụng Internet kích động biểu tình, gây rối, lật đổ chính quyền. Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.”
Đó là phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về lý do cần phải thông qua Luật An ninh mạng tại Việt Nam.
Đúng như dự đoán của nhiều người, chính quyền Việt Nam quyết tâm thông qua luật này không nhằm mục đích nào khác ngoài bảo vệ chế độ cầm quyền. Đó cũng là điều đã và đang diễn ra tại Trung Quốc.
Chủ đề kiểm duyệt
Những bài viết kêu gọi hành động tập thể luôn luôn bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Đảng Cộng sản sợ hãi mọi phong trào xã hội không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Kể cả một phong trào ít có tính nhạy cảm chính trị như là #MeToo cũng bị cấm, dù nó chỉ xoay quanh việc các cô gái lên án những cuộc quấy rối tình dục. Chính quyền đã chặn mọi hashtag liên quan tới cụm từ này.
Trong con mắt của chính quyền Trung Quốc, mọi từ ngữ có ý đồ đe dọa tới quyền lực nhà nước đều là “tội phạm tự do ngôn luận”, và do đó sẽ bị kiểm duyệt gắt gao.
Các diễn đàn mạng xã hội không cho phép người dùng chỉ trích các quan chức chính phủ, dù trong những vụ bê bối nổi như cồn. Tiêu biểu, luật sư nhân quyền Pu Zhiqiang đã bị tù treo ba năm vì gây ra “hận thù dân tộc” và “cãi vã gây rối” dựa theo bảy bài đăng của ông trên diễn đàn Weibo, trong đó ông chế giễu các quan chức của đảng.
Bên cạnh đó, các tin đồn cũng bị ngăn chặn trên mạng xã hội nước này.
Thứ gọi là “tin đồn” thật ra là các tin tức đi ngược lại với tuyên bố của chính quyền, từ những vụ thiên tai cho tới nhân tai, và các bê bối xoay quanh các lãnh đạo chính trị.
Truyền thông nhà nước nhất nhất đưa tin theo mệnh lệnh, nên cư dân mạng thường có xu hướng tìm kiếm “tin bên lề” từ các nguồn không chính thống. Bởi đây là một thứ tin tức nguy hại tới đảng Cộng sản, nên Trung Quốc đã tích cực bắt bớ hàng trăm blogger và nhà báo bằng các cáo buộc “lan truyền tin đồn”. Họ cũng “giết gà dọa khỉ” với những án tù nhiều năm nhằm răn đe cư dân mạng.
Bên cạnh việc tấn công các thông tin gây hại tới chế độ, chính quyền Trung Quốc còn phát triển công nghệ ngăn chặn hàng nghìn địa chỉ trang web. Khi người dùng truy cập vào các trang web trong danh sách đen, thì màn hình chỉ hiện ra một dòng thông báo lỗi mà không rõ do đâu, là vấn đề kỹ thuật hay bởi chính quyền cấm cản.
Ngoài ra, vào năm 2013, Thời Báo Bắc Kinh, một tờ báo của nhà nước, cũng công bố rằng Trung Quốc hiện có khoảng hai triệu “chuyên gia phân tích ý kiến công chúng” nhằm theo dõi mạng xã hội và cung cấp thông tin cho các nhà làm chính sách.
Chính quyền cũng thuê một nhóm những người bình luận trên internet, được gọi là “đảng 5 hào” (Ngũ Mao Đảng – biệt danh châm biếm, hàm ý họ được trả khoảng 5 hào cho mỗi bình luận) để gây ảnh hưởng tới dư luận theo hướng tốt cho chính quyền. Phiên bản này ở Việt Nam chính là “dư luận viên” hay “lực lượng 47”.
Ước tính, đội ngũ “đảng viên 5 hào” này đăng tải hàng trăm triệu bình luận mỗi năm trên mạng xã hội.
Thông qua luật pháp, chính quyền Trung Quốc còn buộc các doanh nghiệp mạng phải có nghĩa vụ kiểm duyệt người dùng. Do vậy, các doanh nghiệp này phải tự tìm kiếm hoặc phát triển các công nghệ tự động chặn lọc nội dung, đồng thời phải tự móc hầu bao để chi trả cho đội ngũ nhân viên giám sát nội dung trên mạng một cách thủ công.
Giờ đây, chính quyền còn yêu cầu các doanh nghiệp mạng buộc người dùng phải sử dụng thông tin thật (tên thật, số điện thoại và chứng minh thư) để đăng ký tài khoản. Như vậy, một khi họ đã bị kích ra khỏi dịch vụ, dường như họ không thể đăng ký tài khoản mới được nữa.
Theo một cuộc điều tra kín của các nhà nghiên cứu Gary King, Jennifer Pan và Margaret Roberts, thì ước tính mỗi doanh nghiệp có đến hàng chục ngàn người trong đội ngũ kiểm duyệt thủ công. Riêng diễn đàn Weibo có ít nhất 13.000 nhân viên đang làm nhiệm vụ giám sát người dùng.
Song lực lượng này vẫn chưa nhằm nhò gì so với đội ngũ “cảm tình viên”.
Bên cạnh hệ thống công nghệ kiếm duyệt cùng với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, chính các “cảm tình viên” ủng hộ nhà nước còn được khuyến khích “gắn cờ” hoặc báo cáo nội dung vi phạm. Nếu họ báo cáo càng nhiều, họ sẽ được cộng điểm và quy thành tiền ảo để mua hàng trong ứng dụng.
Danh sách đen
Nói đi nói lại, vậy rốt cuộc chính quyền lẫn doanh nghiệp Trung Quốc đang kiểm duyệt cụ thể những gì?
Dễ nhận dạng nhất chính là danh sách các cụm từ bị cấm. Nếu bạn nhập những cụm từ này vào các công cụ tìm kiếm, thì màn hình sẽ hiển thị trống trơn. Còn nếu bạn sử dụng nó trong các bài đăng, thì đoan chắc rằng bài viết sẽ bị gắn cờ tự động hoặc bị hệ thống kiểm duyệt của doanh nghiệp mạng xoá bỏ.
Ba cụm từ được nhắc tới nhiều nhất chính là “3T”: Tibet (Tây Tạng), Taiwan (Đài Loan), và Tiananmen (Thiên An Môn).
Thực tế, danh sách này dày đặc, và linh hoạt tùy theo thời thế. Tại ứng dụng Sina Weibo với gần 400 triệu người dùng hàng tháng, sau khi nhà nghiên cứu Jason Q. Ng thử kiểm tra 700.000 từ thì phát hiện có đến 1.000 từ bị chặn.
Trong số đó, nổi bật nhất là “Trung Quốc dân chủ”, “Đài Loan độc lập”, “chính quyền Tây Tạng lưu vong”, cùng với hàng loạt các cụm từ liên quan tới vụ thảm sát Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989.
Các cụm từ khác liên quan tới các vấn đề sau cũng lọt vào danh sách cấm diễn đàn Weibo, ví dụ:
- Nhà bất đồng chính kiến bị bắt (Ví dụ các tổ hợp “tự do + Liu Xia”, “Giải thưởng Tự do Sáng tác”)
- Tin tức mới (Ví dụ: Thiểm Tây + nổ, Ngọc Lâm + vụ nổ lớn, Sanlitun + tấn công khủng bố, Dư Diêu + biểu tình)
- Bê bối của chính quyền (Ví dụ: Zhou Yongkang + bị bắt, Hu Zhanfan + giao dịch nội gián, Shang Fulin + hối lộ)
- Sự kiện thế giới (Ví dụ: Panama Papers, Occupy Wall Street)
Song hệ thống kiểm duyệt này tinh vi hơn ta tưởng, khi công nghệ ngày càng cải tiến giúp tinh chỉnh từ khóa. Ví dụ, tìm từ “Tập Cận Bình” vẫn không sao, nhưng nếu ghép “Tập Cận Bình” với nhiều từ khác thì có vấn đề.
Có vô số cụm từ bị cấm khi kết hợp với “Tập” hoặc “Tập Cận Bình”. Chẳng hạn, theo các khảo sát của tờ China Digital Times, những từ liên quan tới các vấn đề sau sẽ bị cấm trên Weibo khi đi kèm theo tên của Tập Cận Bình:
- Quyền lực tập trung của Tập (“Thái tử,” “Hoàng đế”, “Chúa tể”, “ông chủ”, “cấm phê bình”, “chủ nghĩa độc tài” và “chế độ độc tài”)
- Đời sống cá nhân (“phụ nữ”, “người yêu”, ” vợ cũ”, “người tình”);
- Bê bối cá nhân (“anh rể”, “anh rể + rửa tiền” – đề cập đến các cáo buộc trong vụ Panama Papers);
- Các biệt danh (“bánh bao”);
- Lời lăng mạ (“heo”, “không ngửi nổi”, “nhục nhã”, “dúm dó”) và đe dọa bạo lực (“nổ tung”, “loại bỏ”, “ám sát”)
Còn vào những lúc nhạy cảm thì chỉ riêng từ “Tập Cận Bình” cũng bị… chặn nốt. Chẳng hạn, tháng 2 vừa rồi khi Ủy ban Trung ương Đảng có kế hoạch loại bỏ giới hạn về nhiệm kỳ chủ tịch nước, mở đường cho Tập Cận Bình nắm quyền vô thời hạn, các nhà kiểm duyệt của Weibo đã phản ứng tức thì. Những cụm từ như “Tập Cận Bình”, “sửa đổi hiến pháp”, “lên ngôi”, “bất diệt”, “nhiệm kỳ”, và thậm chí là “nhập cư” cũng bị chặn.
Việc chặn các cuộc thảo luận công khai trên những diễn đàn dường như đã trở thành một thứ “văn hóa mạng” quen thuộc với các dân cư mạng Trung Quốc, nhưng việc nhà kiểm duyệt xăm soi các nhóm trò chuyện kín và các không gian riêng hãy còn là một nỗi ám ảnh.
Với gần một tỷ người dùng, ứng dụng trò chuyện nhóm và nhắn tin WeChat cũng kiểm duyệt gắt gao chẳng kém gì Weibo.
Một cuộc điều tra của Citizen Lab vào năm 2016 cho thấy 10% số từ khóa bị chặn liên quan tới các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản. Nhiều cụm từ liên quan tới luật sư nhân quyền hay các vụ bắt bớ nhà bất đồng chính kiến cũng bị chặn, bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh. Không chỉ vậy, khi nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba qua đời, WeChat còn tiến hành chặn cả những hình ảnh về ông trong các cuộc trò chuyện.
Nếu như trước kia, khi người dùng soạn các tin nhắn có nội dung bị chặn, thì hệ thống sẽ báo lỗi không gửi đi. Nhưng ngày nay hệ thống kiểm duyệt đã tinh vi hơn. Nó sẽ không thông báo gì cả, có điều, tin nhắn tưởng như đã được gửi hóa ra lại chẳng bao giờ đến nơi.
Chen Shouli, nhân viên giám sát một công trường xây dựng, vừa bị bắt giữ vào tháng 9 năm ngoái khi nói đùa trong nhóm trò chuyện WeChat về tin đồn ngoại tình của một quan chức chính phủ hàng đầu. Không ai biết được bằng cách nào mà chính quyền có thể lần ra tin nhắn của Chen Shouli, giữa hàng triệu hàng tỷ tin nhắn khác.
Chính cái cách kiểm duyệt mơ hồ này đã gieo rắc nỗi sợ vào tâm trí của người sử dụng mạng xã hội Trung Quốc. Họ luôn phải tự kiểm duyệt chính mình trước khi đăng tải thông tin ra ngoài, hoặc trước khi nhắn tin, đề phòng bị bắt bất cứ lúc nào.
Lách kiểm duyệt
Mặc dù hệ thống kiểm duyệt phức tạp, song truyền thông xã hội vẫn nỗ lực vạch trần các câu chuyện bị giấu kín.
Không chỉ có các nhà hoạt động mới phải tìm cách tránh né các chiêu kiểm duyệt của chính quyền. Những cư dân mạng sáng tạo của Trung Quốc – thành thạo internet, hoài nghi các tuyên bố của chính phủ, và thích trò chuyện bằng meme – cũng đi đầu trong các cuộc chống kiểm duyệt. Mặc dù khả năng truyền đạt bị hạn chế nghiêm trọng, nhưng các dân cư mạng Trung Quốc vẫn đang cố gắng ngọ nguậy trong không gian bị siết chặt của mình.
Cách kinh điển nhất chính là chơi chữ, bằng các từ đồng âm hài hước. Để đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (thảm sát Lục Tứ), người dùng mạng đã dùng các chữ “tước, lụa” nghe như “tứ, lục” trong tiếng Quan Thoại – trước khi những kẻ kiểm duyệt tinh mắt đã phát hiện ra chiêu trò này và chặn luôn cả “tước” lẫn “lụa”.
Tuy nhiên, các nhà kiểm duyệt có thể ngăn chặn những trò chơi chữ này nhanh chóng, vì việc nắm bắt xu thế người dùng chính là nghề của họ.
Hình ảnh và meme khó bị kiểm duyệt hơn. Trong một thời gian dài, dân cư mạng Trung Quốc đã dùng hình ảnh của chú gấu Winnie the Pooh như một cách châm biếm hài hước về hình ảnh Tập Cận Bình. Rốt cuộc, vào tháng 7 năm 2017, toàn bộ các diễn đàn trực tuyến đã phải xóa hết hình ảnh của gấu Pooh và chú gấu này biến mất khỏi cõi mạng Trung Quốc kể từ buổi đó.
Có thể kể ra ở đây vài thủ thuật chơi chữ của dân cư mạng:
- 三 十五: Wu yue san shi wu, có nghĩa là ngày 35 tháng 5, một ngày tưởng tượng mà người dùng internet sử dụng để nhắc tới vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6. Các nhân viên kiểm duyệt đã nắm bắt được, và cụm từ này đã bị chặn.
- 米 兔: mi tu (thỏ gạo) một từ đồng âm khác nghĩa với phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo. Các nhà chức trách luôn nỗ lực kiểm duyệt mọi bài viết liên quan tới “#MeToo”, thành ra thỏ gạo cũng không được để yên.
- 草泥马 : Cao ni ma (ngựa bùn cỏ) là tên Trung Quốc cho một loài lạc đà không bứu, nhưng nó phát âm giống như tiếng lóng chửi thề. Người dùng mạng Trung Quốc gọi ngày 1 tháng 7 là “ngày ngựa bùn cỏ”, trùng với ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cụm từ này đã nhanh chóng bị cấm ngay sau đó.
- 维尼熊: Weini Xiong (Gấu Winnie the Pooh), cũng như hình ảnh của nhân vật hoạt hình này đã bị chặn trên các trang mạng xã hội Trung Quốc vào năm 2017. Kể từ năm 2013, người dùng internet Trung Quốc bông đùa rằng con gấu với bụng tròn giống với vóc dáng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đứng trước nạn kiểm duyệt gắt gao như vậy, người dùng Trung Quốc chỉ còn có thể tìm tới các diễn đàn nước ngoài để trao đổi và thảo luận. Vấn đề là các trang này cũng bị chặn cả.
Muốn truy cập Twitter, Facebook, Whatsapp, Signal thì họ phải sử dụng mạng ảo VPN. Tuy nhiên, chính phủ đang ngày càng siết chặt việc buôn bán các phần mềm VPN trái phép.
—
Phải mất đến hơn mười thế kỷ, Trung Quốc mới hoàn tất dãy Vạn Lý Trường Thành. Song ngày nay, chỉ mất độ mươi năm, Vạn Lý Tường Lửa đã xây xong.
Nếu như xưa kia, Vạn Lý Trường Thành được dựng lên để bảo vệ biên cương và kiểm soát biên giới, thì ngày nay Vạn Lý Tường Lửa chẳng có mục đích nào khác ngoài bảo vệ chế độ của Đảng Cộng sản.
Để duy trì bức Tường Lửa này, Trung Quốc không chỉ cần tới công nghệ tiên tiến và đội quân hùng hậu, mà còn sẵn sàng tước đi tự do của hơn 700 triệu người dùng internet chỉ để bảo vệ cho lợi ích của nhóm cầm quyền.
—
Kỳ 1: 3 chiêu thức kiểm duyệt Internet của Trung Quốc
Kỳ 2: Doanh nghiệp mạng Trung Quốc phải phục tùng chính quyền ra sao?
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo Forbidden Feeds: Goverment Controls on Social Media in China, PEN America, 3/2018.
- Luật An ninh mạng Trung Quốc
- Các thông tin về vấn đề kiểm duyệt Internet trên Thời báo Số Trung Hoa
- Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng
- Tuyên bố của Xiao Qiang, nhà sáng lập tờ Thời báo Số Trung Hoa, tại buổi điều trần năm 2015 của Uỷ ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) của Hoa Kỳ