Vi Yên; dịch từ Larry Diamond; Democracy only as strong as citizens’ support for it; bài đăng trên Luật Khoa Tạp chí vào 27/3/2017 tại https://www.luatkhoa.org/2017/03/nen-dan-chu-can-nhat-70-cong-chung-ung-ho/
Ngưỡng hợp lý tối thiểu đủ để có thể củng cố dân chủ là, có không ít hơn 70 phần trăm công chúng đồng tình rằng dân chủ là hình thức chính quyền tốt nhất, và không quá 15 phần trăm công chúng bày tỏ sự ủng hộ một chế độ độc tài.
Chế độ dân chủ là chế độ duy nhất mà sự ổn định của nó phụ thuộc vào tính chính danh – khi công chúng tin rằng hệ thống chính quyền quốc gia sở hữu cái mà Seymour Martin Lipset gọi là “một thẩm quyền đạo đức để cai trị”.
Các đánh giá về mặt đạo đức đối với thẩm quyền chính trị luôn mang tính tương đối. Người ta khó mà yêu thích hệ thống chính quyền của họ, nhưng cái quan trọng là họ thấy nó tốt hơn so với bất kỳ chính quyền nào khác mà họ có thể tưởng tượng ra.
Lipset và các nhà khoa học xã hội đã phân biệt “tính chính danh dựa trên hiệu quả” với “tính chính danh nội tại”.
Tính chính danh dựa trên hiệu quả là một thứ hời hợt: Người ta ủng hộ một hệ thống chính trị vì nó vận hành tốt vào ngay thời điểm đó. Nhưng nếu hoàn toàn dựa vào hiệu quả, tính chính danh có thể biến mất khi hiệu quả kém đi.
Một nền dân chủ chỉ thực sự được “củng cố” khi các công dân của nó tin rằng hệ thống hợp hiến là thứ phù hợp nhất cho đất nước, bất kể nó hoạt động ra sao trong bất cứ một khoảng thời gian nhất định nào.
Ngưỡng hợp lý tối thiểu đủ để có thể củng cố dân chủ là, có không ít hơn 70 phần trăm công chúng đồng tình rằng dân chủ là hình thức chính quyền tốt nhất, và không quá 15 phần trăm công chúng bày tỏ sự ủng hộ một chế độ độc tài. Đây là một tiêu chuẩn nghiêm ngặt, ngoài phương Tây ra chỉ một vài nền dân chủ đáp ứng được.
Lipset lập luận rằng một khi nền dân chủ đã hoạt động tốt trong một thời gian dài, thì nó sẽ tạo nên một vốn liếng chính danh nội tại, để có thể dùng tới vào những thời điểm khó khăn.
Nhưng sẽ ra sao nếu “những thời điểm khó khăn” – như là tình trạng bất bình đẳng về kinh tế gia tăng liên tục, hoặc thu nhập trì trệ hàng thập kỷ, hoặc cái cảm giác đe dọa mơ hồ đối với bản sắc nhóm – cứ dai dẳng trong một thời gian dài?
Các thiết chế trong hệ thống buộc phải tự khẳng định chính nó: quân đội, một phong trào độc đoán, hoặc một nhà lãnh đạo độc tài, những kẻ tuyên bố rằng “Chỉ tôi mới có thể khắc phục mọi vấn đề”.
Các phân tích gần đây của Roberto Foa và Yascha Mounk, xuất bản trong Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy), đã chỉ ra rằng sự ủng hộ cho nền dân chủ ở Mỹ và châu Âu đã giảm xuống trong 20 năm vừa qua tại hầu hết các nhóm tuổi. Trong khoảng thời gian này, tỷ lệ người Mỹ trả lời rằng “cần phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người không cần phải bận tâm tới quốc hội và bầu cử” đã tăng lên từ khoảng 20 đến 34 phần trăm.
Các nền dân chủ lâu đời đang phải đối mặt với một mối nguy có thực. Mối nguy ấy không phải là đảo chính quân đội hay sự đình chỉ hiến pháp bởi nhà độc tài dân sự. Mà nó chính là sự leo thang dần dần tới chế độ độc tài, tại đó một nhà lãnh đạo mạnh mẽ được bầu lên sẽ tìm cách loại bỏ hoặc làm xói mòn các thiết chế và các ràng buộc đã được thiết lập – như là quốc hội, tòa án, truyền thông và phe đối lập chính trị. Sau đó, nhà lãnh đạo này sẽ không còn “bận tâm” tới những ràng buộc về hiến pháp, và có thể đơn giản “hoàn tất mọi việc”.
Mánh khóe này đã được dùng trong hai thập kỷ qua bởi một số “nhà lãnh đạo mạnh mẽ”, những người lên nắm quyền qua các cuộc bầu cử cạnh tranh và rồi tiến hành phá hủy những kiểm soát đối với quyền hành pháp của họ – và cuối cùng là loại bỏ khả năng mà các đảng đối lập có thể thách thức họ về bất cứ điều gì trên một sân chơi bằng phẳng.
Những người đầu tiên tiến hành một cuộc tấn công dần dần như vậy vào các ràng buộc dân chủ chính là Vladimir Putin ở Nga và Hugo Chavez ở Venezuela. Vào đầu những năm 2000 ở Thái Lan, Thaksin Shinawatra đã theo đuổi một đường lối tương tự, nhưng quân đội đã lật đổ ông trước khi ông có thể củng cố quyền lực. Gần đây hơn, Recep Tayyip Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ và Viktor Orban ở Hungary đã dần bóp nghẹt nền dân chủ đa nguyên ở nước họ.
Quan trọng là chúng ta phải lưu ý rằng, tất cả các trường hợp “leo thang đến chế độ độc tài” đều được hoàn tất trong các hệ thống chính trị vốn thiếu đi những nguồn gốc lịch sử sâu xa và các thiết chế đối trọng mạnh mẽ trong một thời gian dài.
Những yếu tố này chính là những đặc trưng trong các nền dân chủ ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Sẽ còn sốc hơn nếu có bất kỳ nền dân chủ nào trong số này không còn chống đỡ nổi làn sóng của chủ nghĩa độc tài dân túy (mà phần lớn là cánh hữu, chủ nghĩa quốc gia) đang quét qua Trung Âu và Đông Âu và một vài nước đang phát triển, mà gần đây nhất là Philippines kể từ khi Rodrigo Duterte thắng cử vào năm ngoái. Ở các nền dân chủ lâu đời, thì nền tảng thể chế của dân chủ mạnh hơn nhiều.
Nhưng cuối cùng, các thể chế vẫn là các quy tắc và mô hình hành vi được duy trì bởi con người và phải được bảo vệ bởi con người. Nếu người ta từ bỏ lời cam kết vô điều kiện rằng nền dân chủ là hình thức chính quyền tốt nhất, nếu họ bắt đầu đặt những mối lợi đảng phái hoặc mối lợi ngắn hạn lên trên các quy tắc cơ bản nhất trong trò chơi dân chủ, thì nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm.
Sự phân cực chính trị tạo điều kiện cho xu hướng này trượt về phía vực thẳm độc đoán, bởi nó biến nền chính trị thành một trò chơi có tổng bằng không, ở đó mọi thứ đều có thể được biện minh nhằm theo đuổi chiến thắng. Sự phân cực này làm xói mòn các quy tắc của trò chơi dân chủ và mở đường cho một nhà lãnh đạo độc tài, và đây chính là một kịch bản chung cho sự thất bại của nền dân chủ.
Như một bài học đã trải dài xuyên suốt lịch sử, ta không nên coi bất cứ điều gì là hiển nhiên. Kiểu tư duy biếng nhác nhất và tai họa nhất chính là cứ cho rằng cái gì đang tồn tại thì vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Không gì khác hơn, tính chính danh chính là một tập hợp các niềm tin và giá trị cá nhân. Nếu chúng ta không nỗ lực làm mới những niềm tin và giá trị này trong mỗi thế hệ, thì ngay cả những nền dân chủ lâu đời cũng có thể gặp rủi ro.
Tác giả Larry Diamond là một nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Hoover và Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli. Bài báo này thuộc một nghiên cứu do Viện Berggruen và Zócalo Public Square tiến hành thực hiện, về những gì khiến cho một chính quyền trở nên chính danh.